Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền

PHẠM NGÂN

VHO - Ngày 24.5, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tọa đàm khoa học: “Thực trạng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

 Phát biểu tại buổi tọa đàm khoa học, Viện trưởng, Phó Trưởng tiểu ban Hội đồng Lý luận Trung ương Phan Trung Lý khẳng định: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và xây dựng đất nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tổng thể thực tiễn và lý luận, bao gồm toàn bộ cuộc đời sinh động, sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng tiến bộ, rất nhiều tác phẩm, bài viết, bài phát biểu, đối thoại, lãnh đạo, chỉ đạo... có giá trị lâu dài đối với sự phát triển của đất nước.

Thông qua tọa đàm khoa học sẽ tập hợp lại, hoàn thiện các ý kiến của đại biểu, từ đó sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào thời gian tới, Viện trưởng, Phó Trưởng tiểu ban Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền  - ảnh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm

Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Đảng bộ Nghệ An nghiêm túc triển khai từ rất sớm và bài bản. Trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Quốc hội, Chính phủ về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng việc xây dựng và vận hành bộ máy chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh.

Các văn bản đã được các cơ quan, đơn vị trong bộ máy chính quyền của tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền trên địa bàn tỉnh. 

 Tham luận tại tọa đàm, các sở, ban, ngành đã làm rõ hơn việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, ngành. Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp xây dựng nhà nước pháp quyền do dân, vì dân.

Trong đó nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, các nhiệm vụ trọng tâm là: "Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên".

Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị và toàn dân cần phải quan tâm, chung tay vào cuộc với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần xác định việc thực hiện nhiệm vụ này là một trong những điều kiện quan trọng để hoàn thành mục tiêu "Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

Phát biểu tại tọa đàm khoa học, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, tọa đàm là dịp để đánh giá toàn diện thực trạng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng là dịp để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và cũng là dịp để Nghệ An học hỏi, từ đó tham mưu đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Nghệ An nói riêng và của cả nước nói chúng. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị lãnh đạo các cơ quan tập trung nêu lên những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, từ đó tham mưu cho Cấp ủy Đảng giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn.