Nhớ những tháng ngày sớm hôm bên Bác
VHO - Những tháng ngày này, cả dân tộc đang hướng đến dấu mốc kỷ niệm thiêng liêng 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.
Với những nhân chứng lịch sử từng được cận kề bên Người trong Phủ Chủ tịch, dấu mốc còn là kỷ niệm 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969- 2024) và 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954-2024), gợi nhớ về những năm tháng không thể nào quên.
… Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại cho đất nước ta, nhân dân ta nhiều di sản vô giá, trong đó có Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã sống và làm việc suốt 15 năm cuối cuộc đời (1954-1969) trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước.
Những tài liệu, hiện vật và các di tích đang lưu giữ trong Khu di tích chính là những minh chứng sống động và chân thực nhất về cuộc đời vẻ vang, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng lỗi lạc, đạo đức cách mạng trong sáng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
(Bộ trưởng Bộ VHTTDL NGUYỄN VĂN HÙNG)
Điều thiêng liêng sống mãi
Năm tháng trôi qua nhưng mãi mãi trong ký ức cuộc đời, ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Phụ trách Ban Di tích, nhân chứng phục vụ Bác Hồ luôn khắc ghi những tháng ngày bên Bác.
“Tôi là một trong những chiến sĩ cảnh vệ được phục vụ bên Bác cho tới khi Người trút hơi thở cuối cùng, khi nhịp đập trái tim Bác chậm dần rồi dừng lại hồi 9h47 phút ngày 2.9.1969 tại ngôi nhà 67 trong khu vực Phủ Chủ tịch.
Tôi cũng là một cán bộ đã có mặt từ buổi đầu chăm lo giữ gìn, bảo quản nơi Bác Hồ đã 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Kỷ niệm về những năm tháng bên Bác luôn sâu nặng và thiêng liêng.
Đó là những trang đẹp nhất, điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời của chúng tôi”, ông Đoàn xúc động.
Bồi hồi nhớ những ngày tháng ấy, ông Đoàn kể: “Hồi ấy, tôi còn rất trẻ, là lớp chiến sĩ mới của đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Người.
Đã mấy chục năm qua nhưng chúng tôi sao có thể quên được ngày đầu về nhận công tác ở nơi Bác.
Đồng chí Vũ Kỳ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, thư ký riêng của Bác và đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục C22 Bộ Công an đã dành thời gian gặp gỡ trực tiếp, động viên, căn dặn chúng tôi nhiều điều, trong đó các đồng chí đặc biệt lưu ý: Nhiệm vụ của các đồng chí rất đặc biệt, rất vinh dự được trực tiếp bảo vệ Bác Hồ…
Chúng tôi, bằng cả niềm tin, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm cao nhất đã luôn cố gắng vừa học, vừa làm, vừa tích cực rút kinh nghiệm, nhanh chóng nắm bắt được tình hình, thuần thục công việc chuyên môn, được lãnh đạo đơn vị hài lòng, và sung sướng nhất là được Bác Hồ cho phép sớm hôm bên Người với trách nhiệm là chiến sĩ cận vệ trong tổ bảo vệ tùy thân của Bác”.
Niềm hạnh phúc lớn lao ấy chính là “tài sản” vô giá mà ông Đoàn đã gói ghém, nâng niu trong sâu thẳm trái tim mình.
Ông xúc động: “Chúng tôi thật hạnh phúc vì đã được phục vụ Bác Hồ, vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của cách mạng và dân tộc Việt Nam.
Và chúng tôi cũng là những người con, người cháu hiếu thảo đã luôn cảm nhận ở Bác là người Ông, người Cha kính yêu thân thiết nhất của mình.
Ở Bác, từ trong sinh hoạt, việc làm, lối sống hằng ngày tại cơ quan cũng như có dịp được theo chân Bác trong mỗi chuyến công tác đã cho chúng tôi thấu hiểu sâu sắc tình cảm, nhân cách cao đẹp, cuộc đời giản dị, gần dân, thương dân, tôn trọng nhân dân và cán bộ của vị lãnh tụ kính yêu”.
Trong hồi ức, người chiến sĩ cận vệ năm xưa không thể quên quãng thời gian khi Bác tuổi đã cao, Người từng trải qua bao hiểm nguy, gian khổ, từ năm 1965 về sau sức khỏe của Bác đã có những biểu hiện suy giảm.
“Thường ngày, sau ít phút nghỉ trưa, khi cán bộ Văn phòng đã xong công việc thông tin nhanh tới Bác tình hình báo chí trong nước và quốc tế đưa tin, Bác cho anh em theo Bác đi bộ trong khu vườn Phủ Chủ tịch.
Anh em bảo vệ băn khoăn vì có những đoạn đường còn gồ ghề, chưa được bằng phẳng, sợ Bác vấp ngã, Bác ôn tồn giảng giải cho anh em là hằng ngày ta đi lâu rồi sẽ thành đường, đường sẽ phẳng và đẹp dần lên. Đến nay, con đường đó vẫn còn ở ngay phía sau Nhà 67…”.
Kề cận bên Bác, suốt những ngày Bác mệt nặng, ông Đoàn được phép túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người, quạt nhè nhẹ để Bác đi vào giấc ngủ, dùng gạc mềm vuốt nhẹ cổ, họng mỗi khi Bác có cơn ho…
“9h47 phút ngày 2.9.1969 tại ngôi nhà 67, Bác đã ra đi. Đây là lần cuối cùng tôi và bốn đồng chí người Nghệ An quê hương Bác (Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Nhương, Ngô Ngọc Châu, Đặng Ngọc Hợi) và các thầy thuốc, nhân viên y tế, một số đồng chí có trách nhiệm khác được ở bên Bác và tiễn Người đi xa”, ông Đoàn rưng lệ.
Thời gian được gần Bác tuy không dài nhưng lớp chiến sĩ cận vệ được phục vụ Bác những năm cuối đời hiểu rõ đó là những năm tháng Người đã gắng hết sức mình để cùng Trung ương Đảng, cùng Chính phủ, cùng nhân dân Việt Nam tiến hành công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc miền Bắc, tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, miền Nam được giải phóng, nước nhà được thống nhất.
Được gặp Người là một diễm phúc lớn nhất trong đời
“Vinh dự trong cuộc đời, tôi đã có mấy năm làm nhiệm vụ của người cận vệ cầm súng canh gác bảo vệ Bác Hồ ở Khu Phủ Chủ tịch này, nên có được những vinh hạnh hằng ngày được nhìn thấy Người ngồi làm việc, đi bách bộ;
Chúng tôi thỉnh thoảng được Người trực tiếp đến xem việc ăn uống; được Người cho quà mỗi lần Người đi công tác nước ngoài về; được xem phim với Người vào tối thứ Bảy hằng tuần tại Nhà khách Phủ Chủ tịch;
Tết cổ truyền dân tộc hằng năm, Người mời một bữa cơm tất niên và chụp ảnh chung với Người”, TS Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhân chứng phục vụ Bác Hồ năm xưa, nhớ lại.
Sau ngày Bác đi xa, ông Hoàn tình nguyện rời tay súng để cầm cái chổi, cây bút làm nhiệm vụ bảo vệ di sản của Người.
“Tôi đã trực tiếp được tiếp cận với hàng triệu, hàng triệu người dân trong nước, nước ngoài, với hàng trăm vị nguyên thủ quốc gia và cao cấp quốc tế ở các châu lục tới thăm nơi Người ở và làm việc từ năm 1954-1969 tại Khu Phủ tịch, Hà Nội”, ông kể chuyện.
Sau này khi đã nghỉ công tác, mỗi lần về thăm nơi Bác ở và làm việc, trong ông Hoàn đều sống lại những cảm xúc thiêng liêng nhất.
Khu di tích là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc 15 năm cuối cuộc đời (1954-1969), là thời kỳ quyết định đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc mà Người với cương vị Chủ tịch đã đứng ra gánh vác trọng trách; nơi Người cùng với Bộ Chính trị định ra đường lối, chiến lược và sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên CNXH, cho nền móng chắc chắn về sự nghiệp đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
“Đặc biệt, nơi này Bác Hồ đã nêu gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tư tưởng, trí tuệ, nhân cách, đạo đức, lối sống để mọi thế hệ người Việt Nam theo đó mà học tập, xem xét trong hành trình của cuộc đời mình”, ông Hoàn chia sẻ.
Người đã khước từ ở ngôi nhà sang trọng thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền thời đó, sau đó làm nhà sàn nho nhỏ, phòng nghỉ, phòng làm việc mỗi phòng vuông vắn hơn 10 thước.
Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, chính là để thực hiện ý tưởng “Trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người”.
Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ, mọi người ăn cơm độn với ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, với dân.
Ngày hè nóng bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ, Người giải thích: Để dành điện cho sản xuất, dành điện cho sinh hoạt của dân.
Khi chiếc vỏ áo bông vá lần hai ở vai, xin Bác cho thay vỏ áo khác, Người bảo: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”.
Khi đôi dép cao su mà Bác đã đi hằng ngày quá cũ, Bác đề nghị lấy miếng cao su khác vá vào gót, và lấy những chiếc đinh nhỏ đóng vào quai của đôi dép cũ để giữ cho quai khỏi tuột, như thế là thay dép mới cho Bác rồi…
Ông Hoàn bộc bạch: “Bác Hồ càng giản dị ở cương vị cao nhất như vậy có làm cho Bác tầm thường đi đâu, mà Bác Hồ càng vĩ đại.
Chuyện nhỏ, đức lớn hài hòa ở một con người như thế, là lẽ sống nhân văn cao đẹp nhất của lẽ đời, đúng như điều Bác dạy: “Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt hay xấu truyền đến ngàn đời về sau”.
Bởi thế, khi Người còn sống, những ai đã có may mắn được gặp Bác đều cảm thấy tự nhiên, thoải mái và thân tình khi ở bên Người.
Nhiều người nước ngoài đã có dịp gặp Bác tại nơi ở và làm việc của Người, sau này khi trở lại Việt Nam đến thăm nơi này đã kể lại đầy xúc động: “Chúng tôi không thấy có gì cách biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với chúng tôi…”, và “ Được gặp Người quả thật là một diễm phúc nhất trong đời…”.