Hướng đến nền du lịch có trách nhiệm với môi trường
VHO - Truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động có trách nhiệm. Đặc biệt sẽ tạo nên sự đồng thuận và tương tác tích cực, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Nội dung này được nhiều đại biểu phân tích và nhấn mạnh tại hội thảo “Sức mạnh truyền thông trong xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp Optimum Hospitality nhấn mạnh, du lịch bền vững không chỉ thúc đẩy trách nhiệm của ngành công nghiệp không khói mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Theo đó, việc xây dựng câu chuyện truyền cảm hứng để truyền thông hiệu quả sẽ là yếu tố then chốt hướng đến phát triển du lịch bền vững. Điều này không chỉ giúp xây dựng hình ảnh bền vững cho ngành du lịch, mà còn góp phần khuyến khích hành động có trách nhiệm.
Để khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của mình, đồng thời bảo vệ và phát triển bền vững các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa... Việt Nam cần áp dụng các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG) vào chiến lược phát triển du lịch, các chuyên gia khuyến nghị.
TS Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao chuyên ngành Truyền thông chuyên nghiệp (Đại học RMIT Việt Nam) khẳng định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội diễn ra ngày càng phức tạp, vai trò của các yếu tố ESG trở thành tiêu chí hàng đầu để đánh giá hoạt động phát triển bền vững.
Đây cũng là những yếu tố mà các doanh nghiệp du lịch phải chú trọng trong hoạt động truyền thông để xây dựng hình ảnh bền vững và khuyến khích hành động có trách nhiệm. Để truyền thông ESG đạt hiệu quả tối ưu, cần xác định đúng đối tượng mục tiêu, đúng nội dung và sử dụng các kênh truyền thông phù hợp.
Chia sẻ trong một hội thảo liên quan đến phát triển du lịch bền vững qua ESG, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, song song với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành du lịch cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội. Đặc biệt sau dịch Covid-19, tâm lý và hành vi tiêu dùng của du khách ngày càng chú trọng đến các tiêu chí về môi trường và xã hội trong việc lựa chọn điểm đến. Đáp ứng nhu cầu này, việc tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược cũng như mục tiêu được xem là “cánh cửa” để tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách của điểm đến một cách bền vững.
Việc áp dụng những nguyên tắc ESG cũng là xu thế tất yếu trong phát triển du lịch bền vững nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng. Đồng thời tạo ra các giá trị xã hội tích cực cho cộng đồng, bảo vệ giá trị di sản văn hóa và tự nhiên, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Vì thế mà hầu hết các hãng du lịch lớn trên thế giới hiện đã yêu cầu các nhà cung ứng dịch vụ trọn gói của họ ở nước ngoài phải thực hành ESG nhằm hướng đến nền du lịch có trách nhiệm với xã hội và môi trường.