Độc đáo trang trí tường gạch cũ kỹ bằng các ô màu ở Gia Lâm
VHO - Bức tường gạch cũ kỹ, mọc rêu theo thời gian, nhưng khi xã Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được giao nhiệm vụ tham gia cuộc thi Xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn” thì những bức tường đó biến thành những ô màu sinh động.
Ngày 30.10, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đã đánh giá, chấm điểm Chung khảo cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – xanh - sạch - đẹp - an toàn” do ông Bùi Minh Hoàng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, đánh giá địa bàn Thủ đô năm 2024 tại xã Dương Xá.
Tại thôn Dương Đanh, nhiều người không khỏi bất ngờ trước những bức tường bích hoạ kéo dài xung quanh nhiều ngôi nhà. Hàng chục bức bích hoạ sinh động phác hoạ cảnh nông thôn thanh bình, di sản văn hoá… tạo khung cảnh nông thôn đầy màu sắc.
Đặc biệt, để trang trí cho thôn, xóm, nhiều bức tường gạch cũ không trát vữa, mọc đều rêu phong không thể vẽ tranh bích hoạ cũng được sáng tạo, khoác lên mình chiếc áo mới bằng cách sơn các sắc màu vào từng ô gạch.
Bà Phạm Thị Thuý, Phó Chủ tịch UBND xã Dương xá cho biết, việc vẽ sơn tường này được lấy từ ý tưởng từ cầu kính rồng mây tại Lai Châu, chia các ô màu khác nhau. Vì vậy, các bức tường này chỉ cần cạo rêu, rồi sơn vào các ô gạch, kinh phí rất rẻ, khoảng 200.000 đồng là có một bức tranh tường hình ô gạch đủ các sắc màu. Trong khi vẽ bích hoạ đòi hỏi phải là hoạ sĩ thì bức “tranh tường”này ai cũng có thể thực hiện được từ phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em…
Theo ông Dương Văn Dung, Bí thư Chi bộ xã Dương Xá cho biết: Khi xã được chọn tham gia cuộc thi Xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”, bản thân tôi là công dân đã cảm nhận được lợi ích khi khu phố sạch, đẹp; nhiều người dân cũng đồng tình ủng hộ, tham gia một cách tích cực và tự giác. Người dân đã đóng góp 200 triệu đồng để thực hiện nhiều hạng mục xã hội hoá.
“Sau khi lãnh đạo huyện, xã có chỉ đạo, chi bộ có nghị quyết và phân công cho các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên vào cuộc và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức thi đua chéo giữa các thôn, làng. Về vệ sinh môi trường, trang trí, trồng cây, người dân tự thực hiện chứ không thuê đơn vị nào…”, ông Dương Văn Dung thông tin.
Xã Dương Xá cùng với xã Phù Đổng và Kim Sơn là 3 xã đại diện cho các xã của huyện Gia Lâm tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Gia Lâm, phong trào xây dựng và giữ gìn xã, phường Sáng – xanh – sạch - đẹp không chỉ dừng lại tại 3 xã trên mà còn được lan toả tới toàn bộ 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Kết quả, cảnh quan môi trường ở khu dân cư trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi tích cực, 222 tuyến đường nở hoa, 92 đoạn đường bích hoạ được duy trì, chăm sóc, đảm bảo xanh, sạch, đẹp; duy trì 44 khu dân cư “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn – Văn minh”. Xây dựng 20 mô hình tổ, nhlms nông dân tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mới và gắn biển 14 hàng cây nông dân với 520 cây các loại có tổng chiều dài hơn 5km.
Ngoài ra còn có 6 “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu” với 221 cây bóng mát; xây dựng mới 15 cánh đồng sạch với hơn 600 hội viên. Huyện cũng hỗ trợ kinh phí 22 xã, thị trấn mỗi đơn vị 10 triệu đồng/năm để duy trì chăm sóc, cải tạo, trồng mới các đoàn đường nở hoa, cây xanh, các mô hình giữ gìn, bảo vệ môi trường…
Cũng theo ông Hoàng Việt Cường, huyện đã bám sát các tiêu chí của cuộc thi để triển khai. Với tiêu chí sạch, huyện đã phối hợp với Công ty CP môi trường đô thị Gia Lâm tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải ngay trong ngày; 436 tuyến đường trong khu dân cư sạch sẽ; 243 tuyến đường trục chính đảm bảo sạch sẽ, không có rác thải sau giờ thu gom…
Huyện cũng duy trì phong trào tổng vệ sinh tại trụ sở các cơ quan, đơn vị vào chiều thứ 6 và tổng vệ sinh tại các khu dân cư, tổ dân phố vào sáng thứ 7 hằng tuần, gắn với hoạt động bóc, xoá quảng cáo rao vặt đã thu hút đông đảo cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia.