Xây dựng văn hóa gia đình từ những tấm gương tốt đẹp

VHO-Chúng ta đang sống trong những ngày kỷ niệm 50 năm di chúc thiêng liêng của Bác – một thông điệp truyền cảm hứng và niềm tin cho sự phát triển đất nước. Nhiều thành tích kỳ diệu của đất nước được chúng ta nhắc lại như việc thực hiện lời hứa thiêng liêng trước Bác: xây dựng đất nước hơn 10 ngày trước.

Tuy nhiên, trong cuộc sống bộn bề, có những việc mà chúng ta vẫn chưa làm tốt; vẫn có những việc chúng ta làm Bác phải lo lắng. Những vụ việc bạo lực gia đình như thời gian vừa qua chính là một trong những vấn đề như thế: 20.000  vụ 1 năm; 2 đến 3 ngày lại có một người chết vì bạo lực gia đình mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em!

Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề của một gia đình cụ thể, của những người chồng với người vợ, người cha, mẹ với người con cụ thể, mà rộng ra, đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Gia đình luôn được coi là tế bào của xã hội. Một xã hội tốt, lành mạnh bắt đầu từ những gia đình tốt, lành mạnh. Chính vì lý do đó, từ trước tới nay, văn hóa gia đình luôn được xã hội coi trọng. Gia lễ, gia phong, gia giáo là những từ được nhắc đi nhắc lại trong giáo dục gia đình truyền thống. Như thế, khi gia đình có những vấn đề của nó, hệ quả cuối cùng sẽ là xã hội hứng chịu.

Gia đình ngày hôm nay đã khác trước khá nhiều. Thay vì gia đình mở rộng với người ông, người bà cùng chung sống thì gia đình hạt nhân, 2 thế hệ chiếm số đông. Bố mẹ giờ đây cũng dành thời gian nhiều hơn cho công việc, cả ngày có khi chỉ có 30 phút cho con cái, vì vậy, trông chờ nhiều hơn vào nhà trường, các đoàn thể xã hội để giáo dục con cái. Các phương tiện truyền thông phát triển khiến con cái và cả cha mẹ nhiều khi dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hơn cho nhau… Vì thế, giáo dục trong gia đình phải được thực hiện theo cách khác nhưng giáo dục làm gương thì vẫn không thay đổi.

Giáo dục gia đình là giáo dục làm gương. Bố mẹ làm gương cho con cái; anh chị em làm gương cho nhau: “làm anh thật khó, phải đâu chuyện đùa”. Khi trong gia đình, những tấm gương không phản ánh những giá trị đạo đức xã hội, thành viên gia đình sẽ lạc lối ngay trong chính gia đình của mình. Những câu chuyện giáo dục đạo đức, pháp luật ở nhà trường, trên truyền thông sẽ trở nên vô nghĩa khi chồng đối xử không tốt với vợ, bố mẹ bất chấp luật lệ giao thông để đưa con vượt đèn đỏ…

Tất nhiên, gia đình – nhà trường – xã hội là ba môi trường quan trọng. Tất cả cần phải được coi trọng như nhau để bảo đảm giáo dục đạo đức cho mỗi cá nhân. Nhưng hãy bắt đầu từ gia đình mình để những thông điệp tốt đẹp cho cuộc sống bắt đầu được lan tỏa từ những nơi gần gũi và thiêng liêng nhất!

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc