Việt Nam có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức “rất cao”
VHO - Chiều qua 6.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương trong cả nước.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, tiết kiệm thời gian công sức, hạn chế tiêu cực, tham nhũng vặt, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Mục tiêu cao nhất là để đất nước phát triển, người dân được hưởng thụ thành quả
Thủ tướng nêu rõ, cơ sở dữ liệu dân cư đang được khai thác hiệu quả nhưng muốn hiệu quả hơn nữa, các cơ quan, đơn vị phải thiết lập cơ sở dữ liệu của riêng mình, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để có cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, là nền tảng thúc đẩy trí tuệ thông minh. Theo Thủ tướng, việc quản lý xã hội vẫn là quản lý con người, được quản lý bằng các công cụ, từ đó sử dụng thông tin vào các mục đích khác nhau, cuối cùng là mục tiêu cao nhất để đất nước phát triển, người dân được hưởng thụ thành quả này, đỡ chi phí tuân thủ, hạn chế tham nhũng vặt.
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh bạch bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 năm 2024; nhận diện các hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách, chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, trách nhiệm của cơ quan, địa phương nào, đồng thời xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Báo cáo về tình hình chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9.2024), tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức “rất cao”. Về thể chế, đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực. Luật Dữ liệu, Nghị định và Chiến lược về dữ liệu quốc gia đã tạo bước đột phá về thể chế dữ liệu, giải quyết được điểm nghẽn về cát cứ dữ liệu, mở ra không gian phát triển mới trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới về xử lý dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất quan trọng, hình thành thị trường về dữ liệu. Nghị định số 82/2024/NĐ-CP và Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ giải quyết điểm nghẽn về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên trong đầu tư, trong bố trí kinh phí quản trị, vận hành, bảo dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã tồn tại trong thời gian dài. Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ giải quyết điểm nghẽn trong xác định đối tượng, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người dùng mạng xã hội.
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn mở ra con đường, không gian phát triển mới về công nghiệp công nghệ số, với cách tiếp cận độc đáo, thể hiện khát vọng lớn và quyết tâm cao. Hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, giúp bổ sung thêm 300 MHz cho 5G để nâng cao chất lượng di động băng rộng; là một trong số ít nước đang phát triển ngừng dịch vụ cho thuê bao 2G khi số thuê bao 2G còn lại chỉ còn khoảng 0,2% (so với trung bình các quốc gia khác khoảng 2-5%), đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp viễn thông và ngành thông tin và truyền thông trong chuyển đổi thuê bao di động. Chất lượng thông tin di động tăng, tốc độ tải băng rộng di động đạt 86,96 Mbps, tăng 14 bậc xếp hạng quốc gia (lên 37/110 quốc gia); tốc độ tải băng rộng cố định đạt 159,32 Mbps, tăng 7 bậc xếp hạng quốc gia (lên 35/154 quốc gia).
Việt Nam đưa vào khai thác một tuyến cáp biển mới, tuyến thứ 6 và là tuyến có dung lượng lớn nhất của Việt Nam (20Tbps) được đưa vào khai thác, giúp cải thiện tốc độ internet và bảo đảm sự bền vững kết nối quốc tế của Việt Nam. Tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang đạt 82,4%, vượt mục tiêu đến năm 2025 là 80%. Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng, phát triển. Giao dịch dữ liệu qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng 57%, từ 647 triệu năm 2023 lên 1.013 triệu giao dịch trong 2024… Bộ TT&TT cho biết, chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là “Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”…

Bộ VHTTDL đã ban hành 55 văn bản về chuyển đổi số
Năm 2024, Bộ VHTTDL đã ban hành 55 văn bản về chuyển đổi số. Đến nay 216 văn bản pháp luật được rà soát, trong đó có 12 Luật, 43 Nghị định, 16 Thông tư liên tịch; tổng số văn bản có quy định cần được sửa đổi, bổ sung để ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phù hợp với Đề án 06 là 30 văn bản. Ban hành một văn bản về việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư để thực thi Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18.8.2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.
Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, Bộ VHTTDL đã thực hiện 77 thủ tục dịch vụ công cấp Trung ương đã được khai báo trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ. Tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 53; tổng số dịch vụ công trực tuyến một phần là 24; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia 53/53… Cùng với đó, Bộ đã hoàn thành việc tích hợp giải pháp ký số từ xa với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ theo yêu cầu của Chính phủ. Năm 2025, Bộ VHTTDL tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản, quyết định liên quan chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Bộ. Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 57- NQ/TW ngày 22.12.2024 về đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tąo và chuyển đổi số quốc gia.
Triển khai nền tảng ứng dụng CNTT của Bộ VHTTDL, bao gồm: Các hệ thống nền tảng dùng chung của Bộ VHTTDL và các hệ thống của Chính phủ; Hệ thống xác thực người dùng tập trung đảm bảo các hệ thống dùng chung của Bộ VHTTDL chỉ cần đăng nhập một lần. Tiếp tục xây dựng và vận hành hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của Bộ; Tiếp tục duy trì, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống dùng chung của Bộ VHTTDL. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hoàn thành theo tiến độ các dự án “Nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành VHTTDL”; “Xây dựng nền tảng, cơ sơ dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” và Trung tâm điều hành của Bộ VHTTDL”...