Truy tặng “Cúp Bông Hồng Vàng” cho Thủy tổ nghề gốm sứ Chu Đậu

VH- Ngày 28.10.2017 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016” cúp Bông Hồng Vàng cho các nữ doanh nhân tiêu biểu, trong đó truy tặng cúp Bông Hồng Vàng với nữ doanh nhân Bùi Thị Hý (gốc họ Phí), Thủy tổ nghề gốm sứ Chu Đậu Việt Nam.

Bà Bùi Thị Hý sinh năm 1420 tại trang Quang Ánh, nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương trong một gia đình có nhiều đóng góp xây dựng nhà Trần, đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân Minh từ 1418 đến 1428 giành độc lập cho đất nước..
Bà là hậu duệ đời thứ năm của cụ Phí Mộc Lạc - Tri Thẩm hình Viện sự kiêm chuyển vận sứ lộ Hoàng Giang, năm 1304 được Vua Trần Anh Tông cho đổi sang họ Bùi. Từ đó một dòng họ Bùi lớn đương đại trở thành họ Bùi gốc họ Phí mà gia phả vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Là con gái đầu của quan Mã Vũ tướng quân Bùi Quốc (Đình) Nghĩa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cháu gái gọi Bùi Bị, vị Khai quốc công thần nhà Lê trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là bác ruột; là cháu nội của Bùi Quốc Hưng, một trong 18 vị tham gia Hội thề Lũng Nhai, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, được Lê Lợi ban Quốc tính và là Khai quốc công thần của nhà Lê.
Theo một tấm bia đá cổ của dòng họ thời Hồng Đức thứ 9 (1478) đời Vua Lê Thánh Tông, hiện đang được bảo quản cẩn thận, “Bùi gia trang” thuộc trang Quang Ánh do lão tướng Bùi Quốc Hưng cho lập vào năm 1394 khi đang làm quan dưới trướng của Hồ Quý Ly. Khi quân Minh lăm le chiếm nước ta, thực hiện phương châm “Ngụ binh ư nông” của nhà Trần, ông đã về Quang Ánh cho bà con làm ruộng tích lương thực, sản xuất vũ khí và huấn luyện kỵ mã, tuyển người làm gốm sứ để có sản phẩm bán lấy tiền nuôi quân… Từ đó 15 trang (làng) chuyên sản xuất đồ gốm sứ đã mọc lên dọc sông Định Đào, sông Thái Bình ở Hải Dương.
Sau khi chiến thắng quân Minh, năm 1432, lão tướng Bùi Quốc Hưng về dựng “Giáo tự đường” dạy chữ và dạy nghề cho hai cháu nội là Bùi Thị Hý 12 tuổi và em là Bùi Đình Khởi tại “Bùi gia trang”.
Năm 1442, khi 22 tuổi Bùi Thị Hý giả trai đi thi đại khoa tại khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba. Bà thi đến Tam trường thì bị phát hiện là nữ, lẽ ra bà bị phạt rất nặng, nhưng vì bà là cháu nội Bùi Quốc Hưng, vị Khai quốc công thần nhà Lê nên theo luật nhà Lê lúc đó bà chỉ bị cấm không được thi tiếp.
Với tài vẽ bẩm sinh từ nhỏ, bà về quê vẽ tại các lò gốm của ông, cha bà ở trang Quang Ánh. Một thời gian sau bà lấy ông Đặng Sĩ, chủ một lò gốm ở Chu Đậu châu Nam Sách.
Năm 1454 bà cùng Đặng Sĩ quay trở về trang Quang Ánh để xây dựng hệ thống lò gốm ở các trang phường dọc sông Định Đào và sông Thái Bình, cung cấp đồ gốm sứ trong nước và xuất khẩu. Bà và chồng đã làm chủ 14/15 trang phường làm đồ gốm, trong đó có Chu Đậu. Sau khi ông Đặng Sĩ bị tai nạn mất trên biển cùng đoàn thuyền chở gốm sứ đi bán ở nước ngoài (mà sau này khi khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm với nhiều đồ gốm Chu Đậu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là con thuyền của Đặng Sĩ và các thương nô) bà Bùi Thị Hý tái giá, bà lấy ông Đặng Phúc, cũng là một chủ lò gốm ở Chu Đậu và tiếp tục đưa nghề gốm, lò gốm của gia đình ông Đặng Phúc phát triển mạnh mẽ.
Do không có con, nên năm 1492, theo tục lệ xưa, bà quay về trang Quang Ánh tiếp tục làm chủ các lò gốm của mình. Về đây bà hưng công xây dựng chùa, năm 1493 bà làm đình làng, làm nhà thờ tổ, bắc cầu cho các làng xung quanh. Tại ngôi chùa Viên Quang ngày nay vẫn còn cây “Thiên Đài trụ” ghi việc bà cùng dân làng xây dựng chùa Viên Quang.
Ngày 12.8 năm Kỷ Mùi (1499) bà qua đời thọ 80 tuổi. Năm 1502, ông Đặng Phúc chồng bà đã khắc và dựng trên mộ bà tấm bia trang trọng “Kỳ tài phu nhân Bùi Thị Hý chi mộ”.
Tuy mất đi nhưng bà đã để lại cho dòng họ Bùi gốc họ Phí và hậu thế một gia sản vô giá, đó là nghệ danh “Thủy tổ nữ dòng gốm Chu Đậu”, ba lần trực tiếp chỉ huy thương đoàn mang gốm sứ đi buôn bán giao thương với các nước. Hơn thế, bà còn để lại cho đất nước một dòng gốm Chu Đậu của Việt Nam với thương hiệu Bùi Thị Hý nổi tiếng trên thế giới với chiếc bình gốm Hoa lam đặt tại Bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ với dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên Nam Sách Châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút” được chế tác và do bà vẽ từ năm 1450 đời Vua Lê Nhân Tông.
Dòng chữ này được ông Makoto Anabuky nguyên là Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam dịch gửi ông Ngô Duy Đông nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng ngày 10.6.1980 viết “Mười ba chữ Hán nói trên có nghĩa là: năm 1450, một người thợ lò tên là bà (cô) Bùi Thị Hý ở Nam Sách Châu vẽ (hoa văn trên lọ)”. Lời của nhà ngoại giao khẳng định một sự thật lịch sử không thể chối cãi, đó là vào năm 1450 đời Vua Lê Nhân Tông hiệu Thái Hòa thứ 8 đã có một doanh nhân nữ ở Việt Nam với thương hiệu là Bùi Thị Hý đã làm nên tác phẩm vô giá này!
Không chỉ có một dòng chữ trên chiếc bình cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, những dòng chữ trên trên chiếc đĩa men còn sống tìm thấy ở lò cổ trong khu thờ cụ viết “Diên Ninh nhất niên, Gia Phúc huyện, Quang Ánh trang, tỷ Bùi Thị Hý, đệ Bùi Khởi tạo” (chị là Bùi Thị Hý và em là Bùi Khởi làm tại trang Quang Ánh, huyện Gia Phúc năm Diên Niên thứ nhất – 1454 đời Vua Lê Nhân Tông). Dòng chữ ở con Nghê gắn trên bờ đao của mái nhà cổ “Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang Bùi Thị Hý tạo” (Bùi Thị Hý làm tại trang Quang Ánh năm Quang Thuận thứ nhất – 1460 đời vua Lê Thánh Tông ) và … và đặc biệt con dấu gốm có hai chữ “Vọng Nguyệt” (tên hiệu của Bùi Thị Hý) đã khẳng định:
Bùi Thị Hý là người con của dòng họ Bùi gốc Phí ở Quang Ánh trang, nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nó cũng khẳng định ngay từ giữa thế kỷ XV bà Bùi Thị Hý là người phụ nữ đầu tiên của nước Việt Nam, đã biết xây dựng thương hiệu gốm cho mình, cho dòng gốm Chu Đậu Việt Nam trong nước và trên thế giới và trực tiếp ba lần chỉ huy thương đoàn mang gốm Việt đi giao thương với thế giới. Tất cả sản phẩm với thương hiệu Bùi Thị Hý đã chứng minh bà là “Một phu nhân kỳ tài” của đất Việt!

Phí Văn Chiến

Ý kiến bạn đọc