Ngoại giao Việt Nam đóng góp vào sự​ nghiệp thống nhất đất nước

HỒNG NHUNG

VHO - Ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Ngoại giao Việt Nam đóng góp vào sự​ nghiệp thống nhất đất nước  - ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết về những đóng góp của ngoại giao Việt Nam cho Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cách đây 50 năm, Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

“Nền ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào được đóng góp vào thắng lợi vĩ đại và to lớn đó của dân tộc. Lịch sử 80 năm qua đã cho thấy trong những thắng lợi vĩ đại của đất nước, những chiến thắng trên chiến trường đều gắn liền với những thắng lợi trên bàn đàm phán”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định.

Ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Trong đó đấu tranh quân sự và chính trị là cơ sở cho đàm phán trên mặt trận ngoại giao; ngược lại, đấu tranh ngoại giao góp phần cộng hưởng thắng lợi của đấu tranh chính trị và quân sự. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng nghệ thuật “đánh – đàm” trong ngoại giao đã đạt đến đỉnh cao với việc ký Hiệp định hòa bình Paris. 

Cùng với các chiến thắng Khe Sanh, Mậu Thân…, những thắng lợi trên bàn đàm phán đã buộc Mỹ xuống thang và ký Hiệp định tháng 1/1973, hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. 

Ngoại giao đã tranh thủ sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. 

Bên cạnh đó, ngoại giao “tâm công” Việt Nam đã thu phục lòng người bằng chính nghĩa, lẽ phải và đạo lý, tạo nên mặt trận nhân dân rộng khắp ủng hộ Việt Nam. 

Hai chữ “Việt Nam” đã trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có cả nhân dân Mỹ và đông đảo chính khách, học giả, nhân sĩ nổi tiếng thế giới. 

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với tinh thần “hòa hiếu”, ngoại giao đã mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước và đặt nền móng cho sự hòa giải với các nước đã từng tham chiến. 

Trong những ngày khói lửa chiến tranh, chúng ta đã luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước đang tham chiến tại Việt Nam, kể cả với Mỹ, sẵn sàng “trải thảm đỏ” cho Mỹ rút. 

Cùng với cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta, ngoại giao đã nêu cao tinh thần “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần mở rộng quan hệ không chỉ với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước thuộc địa cũ mới giành độc lập. 

Ngay sau thắng lợi của Hiệp định Paris, ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước tư bản phát triển phương Tây như Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia, Canada, Bỉ, Hà Lan…, mở rộng sự công nhận với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việc nghiên cứu, dự báo chiến lược của ngoại giao đã hỗ trợ đắc lực cho mặt trận đấu tranh chính trị và quân sự. 

Ngoại giao đã đánh giá, nhận định đúng tình hình thế giới, lợi ích và chủ trương của bạn bè cũng như đối thủ, từ đó giúp Trung ương Đảng có những quyết sách kịp thời trong từng giai đoạn. 

Lịch sử các cuộc chiến tranh đều cho thấy, mỗi dự báo chiến lược có sức mạnh không kém những binh đoàn, ngoại giao cũng góp phần vào những chiến thắng trên mặt trận quân sự. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh, ngoại giao ngày nay đã tạo dựng cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, tạo lập khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với với 34 nước.

Việt Nam trở thành thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế, từ hội nhập kinh tế đơn thuần chuyển sang hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong những vấn đề và cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với lợi ích của ta cũng như đóng góp thiết thực, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới. 

"Trong mỗi chiến thắng vĩ đại của dân tộc đều có sự đóng góp của ngoại giao. Trong kỷ nguyên giải phóng dân tộc, ngoại giao đã trở thành một mặt trận, góp phần vào thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975", Phó thủ tướng nêu.

Trong kỷ nguyên đổi mới, ngoại giao đã tiên phong phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước hội nhập quốc tế mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

Với tư tưởng vượt thời gian, những bài học trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục soi đường cho ngoại giao bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc.

"Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh mới”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.