Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:
Trong mọi việc phải thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng
VHO - Chiều 18.12, tiếp tục Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành VHTTDL đã diễn ra Phiên nội bộ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thuỷ, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, đại diện các Sở quản lý VHTTDL, Sở quản lý Du lịch, Sở quản lý Văn hoá, thể thao các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các đại biểu nhìn nhận rõ những việc đã làm được trong năm qua và thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để đưa ra các giải pháp khắc phục, đưa ngành phát triển.
Hội nghị tổng kết của Bộ VHTTDL được tổ chức với bố cục hợp lý, các tham luận sâu sắc, thể hiện khát vọng bước vào kỷ nguyên mới, làm sâu sắc hơn các vấn đề của ngành, kiên định với các mục tiêu, tôn trọng lịch sử, truyền thống ngàn văn hiến.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá việc thực hiện cam kết của người đứng đầu đơn vị với lãnh đạo Bộ. Năm 2024, Thủ trưởng của 81 cơ quan, đơn vị đã ký cam kết với lãnh đạo Bộ VHTTDL. Số nhiệm vụ đăng ký là 361, trong đó, khối quản lý nhà nước đăng ký 81 nhiệm vụ, khối đơn vị sự nghiệp đăng ký 280 nhiệm vụ. Thực tế đã có 351/361 nhiệm vụ đã đăng ký được triển khai. Trong số đó có 294 nhiệm vụ đã hoàn thành.
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Thể dục thể thao… đã báo cáo về những nhiệm vụ đã thực hiện trong năm vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, tại Phiên tổng kết toàn thể buổi sáng, một số nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý để làm sâu sắc hơn các giải pháp mà ngành VHTTDL cần thực hiện để phát triển bền vững thời gian tới. Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục cam kết thực hiện các nhiệm vụ. Với những vướng mắc, tìm cho được các giải pháp, chỉ rõ vướng ở đâu, tháo gỡ như thế nào, ai làm, làm đến bao giờ….
Theo Bộ trưởng, người dân Việt Nam ai cũng yêu thích thể thao. Phát triển thể thao phải dựa trên 2 trụ cột: thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Thể thao quần chúng thì phát triển theo chiều rộng, lấy đó là cơ sở để thu hút được lực lượng có thể phát triển thể thao thành tích cao. Thể thao thành tích cao thì phát triển theo chiều sâu, qua đó phát triển kinh tế thể thao.
Hay như trong du lịch, Bộ trưởng cho rằng phải thay đổi tư duy làm xúc tiến du lịch, phải thật sự có chiều sâu và chuyên nghiệp. Tính toán cho kỹ làm gì, làm thị trường nào, làm thế nào để hiệu quả nhất... Các cuộc xúc tiến do Bộ VHTTDL tổ chức phải thể hiện đẳng cấp quốc gia, có quy mô lớn, hiệu quả xúc tiến cao.
Vấn đề về phát triển nguồn nhân lực cũng được Bộ trưởng đưa ra, gợi mở để thảo luận. Nhân lực làm quản lý nhà nước, nhân lực trong các công trình nghệ thuật, nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp… “Với trách nhiệm là cơ quan kiến tạo, Bộ VHTTDL phải kiến nghị để tháo gỡ những cơ chế, chính sách liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực cho ngành”, Bộ trưởng lưu ý.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho rằng, tất cả bắt đầu từ thể chế nên thời gian tới cần đẩy mạnh thể chế cho đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, đẩy mạnh hợp tác công- tư, thu hút nguồn lực xã hội hoá để phát triển văn hoá.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong mọi việc phải thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng; chỉ bàn làm, không bàn lùi. Trong đó, cần nhìn lại mọi việc để làm sâu sắc hơn nội hàm đổi mới sáng tạo, động lực mới, xác định rõ nhiệm vụ của mình. Xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước làm gì, tạo điều kiện thế nào để phát triển các không gian sáng tạo nghệ thuật, không làm việc của đơn vị sự nghiệp.
Các Cục, Vụ phải làm đúng vai trò quản lý nhà nước, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật. Lĩnh vực du lịch, nghệ thuật biểu diễn, văn hoá cơ sở… nhiều cái chưa có định mức kỹ thuật nhưng thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi và địa phương rất trông chờ vào sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, có 3 Nghị định cần đặc biệt quan tâm và trình Chính phủ ban hành trong năm 2025: Nghị định Văn học; Nghị định Nghệ thuật biểu diễn; Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị sự nghiệp, khối trường, khối các nhà hát tiếp tục đổi mới cách làm, nỗ lực hơn nữa để tiến tới tự chủ.
Khi xây dựng kế hoạch 2025, các đơn vị cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Bộ, phù hợp với đơn vị mình. Các nhiệm vụ phải đi vào trọng tâm, trọng điểm, phân công phân nhiệm và có kết quả dự kiến rõ ràng.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2025; Kế hoạch tham gia Triển lãm Thế giới EXPO…
Trước mắt, chuẩn bị tổ chức Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường quản trị điểm đến, đặc biệt trong mùa cao điểm, dịp lễ tết; đảm bảo giá cả cạnh tranh, điểm đến an toàn, thân thiện.