Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
VHO - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, sáng 18.8, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước đã rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, từ ngày 18 đến 20.8.2024.
Sáng 18.8, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm lên đường thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc.
Tham gia Đoàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an.
Tham gia Đoàn có các Bí thư Trung ương Đảng: Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội và một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Trợ lý Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm then chốt đối với mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ Việt-Trung. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; tiến hành tổng kết 40 năm đổi mới và từng bước triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV. Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, đi sâu cải cách đã xác định tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dịp này, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tiếp tục đi sâu trao đổi chiến lược, xác định các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua duy trì đà phát triển rất tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Chuyến thăm lần này, Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chung cấp cao, đặc biệt là những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lịch sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm 2023, theo tinh thần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Trong thời gian vừa qua,cCùng với hợp tác kinh tế, thương mại, hợp tác văn hoá, thể thao và du lịch ngày càng được đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc là mối quan hệ giàu truyền thống khi từ năm 1992, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định Hợp tác văn hóa và căn cứ theo tình hình thực tế, hai bên định kỳ ký kết Kế hoạch thực thi Hiệp định Văn hóa và Du lịch cũng như một số văn bản hợp tác khác.
Đặc biệt, vào tháng 10.2022, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ký kết “Kế hoạch Hợp tác Văn hóa và Du lịch giai đoạn 2023 - 2027”. Việc ký kết hàng loạt văn bản đã mở ra những cơ hội hợp tác về văn hóa giữa hai nước, hợp tác du lịch hai nước cũng có thêm dư địa phát triển.
Đối với lĩnh vực du lịch, trước đại dịch Covid-19, năm 2019, Trung Quốc là thị trường hàng đầu gửi khách đến Việt Nam với trên 5,8 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Đồng thời Việt Nam cũng là thị trường gửi khách lớn thứ hai của Trung Quốc (chỉ xếp sau Myanmar) với gần 8 triệu lượt khách Việt Nam (bao gồm cả khách du lịch trong ngày xuất biên nhập biên).
Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục 30% so với thời điểm 2019. 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón gần 1,25 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục hơn 73% so với cùng kỳ 2019. Việt Nam cũng gửi nhiều đoàn khách du lịch tới Trung Quốc.
Lượng trao đổi khách giữa hai bên thời gian qua đã có sự phục hồi đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hữu nghị và quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch của cả hai bên còn rất lớn và cần được đẩy mạnh khai thác.