Chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành VHTTDL, Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Tổ quốc đang mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi

PHƯƠNG ANH - THU SÂM - ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành VHTTDL với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” ngày 18.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Tổ quốc đang mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương tại Hội nghị

Lần đầu tiên, Hội nghị tổng kết ngành VHTTDL được người đứng đầu Chính phủ chủ trì, chỉ đạo trực tiếp từ trụ sở Chính phủ và kết nối tới các điểm cầu của Bộ VHTTDL cùng 772 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp quận, huyện. Tinh thần và quyết tâm đổi mới từ Hội nghị đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, là động lực cho đội ngũ làm công tác VHTTDL cả nước nỗ lực hơn nữa hướng đến những mục tiêu và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng, gửi gắm.

Từ sức mạnh nội sinh vượt qua nhiều thử thách

Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Về phía Bộ VHTTDL có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng và lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những dấu ấn đặc biệt mà ngành VHTTDL đã đạt được trong năm qua, đồng thời khẳng định, điểm sáng về văn hóa, thể thao và du lịch là đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần hướng về cơ sở của Bộ VHTTDL qua việc tổ chức Hội nghị với sự kết nối tới 775 điểm cầu, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhìn lại năm 2024, Thủ tướng đánh giá, đóng góp vào thành công chung của đất nước, với những bước tiến vững vàng và ngày càng lớn mạnh có vai trò quan trọng của nền tảng truyền thống văn hóa hào hùng. Văn hóa qua mọi giai đoạn lịch sử luôn là nguồn sức mạnh nội sinh, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Sự khắc nghiệt của cơn bão Yagi (cơn bão số 3) là một thử thách lớn trong năm qua, nhưng với bản lĩnh vững vàng, tinh thần tương thân tương ái, chúng ta đã khắc phục hậu quả, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, điểm sáng tạo nên chuyển biến mạnh mẽ của ngành VHTTDL trong năm 2024 là việc tiếp tục chuyển đổi tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Đặc biệt là việc kiên trì, quyết liệt trong xây dựng hệ giá trị văn hóa để khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, đúng với tinh thần mà Bác Hồ và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Thủ tướng cũng đánh giá, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công, huy động sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Công nghiệp văn hóa có nhiều khởi sắc. Người dân ngày càng được hưởng thụ nhiều thành quả văn hóa, thể dục thể thao và du lịch…

Tổ quốc đang mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi - ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, toàn ngành cần nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập để tập trung khắc phục. Thủ tướng nhấn mạnh năm bài học, bảy nhiệm vụ để toàn ngành quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa thành hiện thực.

Về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành VHTTDL cần bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để phát triển theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, theo mục tiêu đã đề ra. Toàn ngành tiếp tục phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường, nắm chắc, đúng và trúng tình hình, phản ứng linh hoạt chính sách, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh, phát huy những điểm tích cực, phát huy truyền thống, sức mạnh nội sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; chú trọng nguồn lực con người, xây dựng đội ngũ đam mê, say nghề, có trách nhiệm, nhiệt huyết. “Hãy coi công việc của ngành như công việc của nhà mình. Phải suy nghĩ, thực hiện để người dân được hưởng thụ thành quả của ngành VHTTDL một cách thỏa đáng nhất”, Thủ tướng nhắn gửi.

Bước sang năm 2025, Thủ tướng nêu rõ, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025. Năm 2025 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Đây cũng là năm tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Với những dấu mốc và ý nghĩa quan trọng đó, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả cao hơn mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP khoảng 8%. Các Bộ, ngành, địa phương đều phải theo tinh thần này, trong đó có ngành VHTTDL. Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành VHTTDL cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đột phá của đột phá, nguồn lực cho sự phát triển. Huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển; giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, chấm dứt tình trạng “xin - cho”, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”... Tập trung phát triển hạ tầng, kết nối di tích lịch sử, văn hóa du lịch, các thiết chế văn hóa; ứng dụng hạ tầng số; phát triển trí tuệ nhân tạo của ngành. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là lĩnh vực VHNT, TDTT; phải có cơ chế, chính sách cho công tác đào tạo, đào tạo từ rất sớm, ngay từ nhỏ với các tài năng, năng khiếu.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, phải có cả cơ chế, chính sách chung cũng như các cơ chế chính sách đặc thù, giữ chân người tài; có những cơ chế, chính sách, chế tài khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, xử lý những người né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ngành phải chủ động, sáng tạo đề xuất các cơ chế, chính sách. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa và giải trí thì phải có nguồn lực. Phải huy động sức mạnh của xã hội, người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách thì mới phát triển được ngành, mới có ngành công nghiệp văn hóa và giải trí. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc quản trị ngành phải thông minh, phải có cơ sở dữ liệu của ngành. Do đó, ngành phải đầu tư mạnh mẽ trí tuệ thông minh, biến những nguồn lực hiện có thành giá trị gia tăng cao hơn.

Để tạo những nhân tố, hạt nhân dẫn dắt các phong trào, định hướng cho sự phát triển, Thủ tướng lưu ý cần chú trọng xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển… Thủ tướng gợi mở việc tổng kết, nhân rộng mô hình hai concert Anh trai vượt ngàn chông gai Anh trai say hi vừa qua. Đồng thời, phải thấy vì sao bóng đá nữ, bóng chuyền nữ đạt thành tựu như vậy; vì sao du lịch có những điểm đến hấp dẫn như thế… Bao trùm lên tất cả, ngành VHTTDL phải tạo điều kiện, cơ hội, cơ chế để người dân được hưởng thụ nền văn hóa đậm đà bản sắc, hưởng thụ nền thể thao để dân tộc khoẻ mạnh hơn, cao lớn hơn; hưởng thụ du lịch tạo ra động lực, nguồn cảm hứng cho dân tộc và bạn bè quốc tế.

Tổ quốc đang mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi - ảnh 3

Với những dấu mốc và ý nghĩa quan trọng đó, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả cao hơn mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP khoảng 8%. Các Bộ, ngành, địa phương đều phải theo tinh thần này, trong đó có ngành VHTTDL. Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

(Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH)

“Toàn ngành phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024”, Thủ tướng chỉ đạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe, mang lại sức khoẻ cho người dân; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Vì vậy, ngành VHTTDL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước. Thủ tướng mong ngành tiếp tục phát huy những điểm sáng, truyền thống hào hùng để bước vào giai đoạn mới với khí thế, tâm thế, nguồn lực dồi dào.

Tâm thế mới trong kỷ nguyên mới

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, “đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển. Kỷ nguyên mới đang mở ra. Ngành VHTTDL ý thức được trách nhiệm của mình là phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nhằm đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, như những phát biểu chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng”.

Bộ trưởng bày tỏ, ngành VHTTDL tự hào khi nhìn lại trong tiến trình phát triển của đất nước, trong bối cảnh, điều kiện nào, văn hóa luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của Đảng, nỗ lực điều hành của chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Trên “con đường” lớn của dân tộc, ngành VHTTDL sẽ quyết tâm, quyết liệt hơn trong thực hiện những nhiệm vụ của mình, với những nỗ lực, cố gắng để có được những “cánh đồng” bội thu; đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 Điểm sáng tạo nên chuyển biến mạnh mẽ của ngành VHTTDL trong năm 2024 là việc tiếp tục chuyển đổi tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Đặc biệt là việc kiên trì, quyết liệt trong xây dựng hệ giá trị văn hóa để khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, đúng với tinh thần mà Bác Hồ và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Nhìn lại để bước tiếp, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đây chính là tâm niệm và mong muốn của lãnh đạo Bộ và toàn ngành về con đường phía trước. Năm 2024, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, ngành VHTTDL đã xác định chủ đề công tác năm “Chủ động - Tăng tốc - Về đích”. Với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, không tự mãn trước những kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là trước những khó khăn, thách thức; toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều mặt công tác đạt kết quả tích cực, sản phẩm công tác đo lường được với nhiều điểm sáng, điểm nhấn nổi trội. Bộ trưởng khẳng định: “Có được những thành tựu nổi bật đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà trực tiếp, thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, ngành, các địa phương trong cả nước…”.

Niềm tự hào của đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL hôm nay chính là cụm từ “văn hóa” đã thường trực xuất hiện trên các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội ngày càng sâu sắc hơn về vị trí vai trò của văn hóa, quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” ngày càng được lan tỏa. Bộ và toàn ngành đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, hiệu quả cao. 

 Toàn ngành phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã từng khẳng định Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe, mang lại sức khoẻ cho người dân; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.