Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam
VHO - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và phu nhân, Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lawrence Wong và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25- 26.3.2025.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và phu nhân diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore từ ngày 11 đến 13.3, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Singapore, Tổng Thư ký đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) Lawrence Wong.
Chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Singapore trên cương vị Tổng Bí thư đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ song phương giữa Việt Nam - Singapore; thể hiện sự coi trọng thúc đẩy quan hệ với Singapore lên tầm cao mới, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam - Singapore lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Hai bên cam kết tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác cùng có lợi, tin cậy chính trị, phối hợp giải quyết các thách thức chung hiện nay trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước cũng như vì một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đoàn kết, tự cường, có vai trò trung tâm và bao trùm, phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ, đẩy mạnh hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định của thế giới; củng cố hợp tác kinh tế và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi; tăng cường hợp tác năng lượng và tăng trưởng xanh; xây dựng năng lực và kết nối con người; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực số và công nghệ mới nổi; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Trao đổi về diễn biến mới ở Biển Đông, hai bên tái khẳng định cần tiếp tục tăng cường lòng tin chính trị, kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982… Hai bên tái khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương và là cơ sở có tầm quan trọng chiến lược cho các hoạt động hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, do đó cần phải duy trì sự toàn vẹn của UNCLOS 1982.