Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là cứ điểm, là mắt xích quan trọng
VHO - Chiều 1.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương, lãnh đạo 12 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Về phía Nhật Bản, có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản, đại diện 15 tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến phát biểu với tinh thần trách nhiệm cao, tình cảm sâu sắc, chân thành, tin cậy, đặc biệt đã trao đổi rất thẳng thắn để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong triển khai các dự án hợp tác.
Thủ tướng cho biết, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo; phát triển nhanh nhưng phải bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp trên tinh thần "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh", trong đó có mục tiêu giảm 30% thủ tục và 30% chi phí kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh khai thác dư địa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất rộng lớn để góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam và Nhật Bản; phía Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ, hưởng ứng và cùng tham gia thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên của Việt Nam.

Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản, với kinh nghiệm, nguồn lực và uy tín của mình, sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững như "Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á" (AZEC) và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… của Chính phủ Nhật Bản.
Cho biết Việt Nam chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và Việt Nam khuyến khích, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính, tài chính xanh, công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp công nghệ cao… góp phần triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cùng với đó, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm củng cố các chuỗi cung ứng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên theo hướng đa dạng, minh bạch, bền vững.
Thủ tướng đề nghị phía Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước, điển hình như dự án hợp tác phóng vệ tinh vào quỹ đạo năm 2025.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; giúp các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, phía Nhật Bản tăng cường ODA thế hệ mới, mở rộng hơn, tăng quy mô, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để giải ngân nhanh hơn. Đồng thời, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra quyết định nhanh hơn và phối hợp với phía Việt Nam hài hòa hóa thủ tục.
"3 bảo đảm" gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; thể chế, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.
Đồng thời, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, phía Việt Nam mong muốn thực hiện "3 cùng", gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng, yên tâm hoạt động, mở rộng đầu tư kinh doanh, xác định quan hệ song phương là nền tảng, là bệ đỡ, coi Việt Nam là cứ điểm, là mắt xích quan trọng, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam, không ngừng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia cũng như mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.