Thủ tướng dự Lễ ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số

QUẢNG XƯƠNG

VHO - Sáng nay, 28.6, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.

Thủ tướng dự Lễ ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu trải nghiệm các ứng dụng phòng họp thông minh của thành phố Hà Nội

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo…, lãnh đạo 15 địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6.1.2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.

Sau thời gian nghiên cứu, triển khai, thí điểm, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; thực hiện chi trả an sinh xã hội, chỉ trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt; triển khai hoá đơn điện tử đối với hộ kinh doanh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” và phương châm “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”, thành phố đã tiên phong thực hiện thí điểm nhiều giải pháp mang tính đột phá như: Xây dựng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; hỗ trợ thiết bị thông minh cho các hộ gia đình khó khăn; hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; miễn phí chữ ký số điện tử cá nhân; áp dụng “mức thu phí bằng không” khi công dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán; chi trả an sinh xã hội, chỉ trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt; Thanh toán giá trông giữ xe không dùng tiền mặt,...

Những giải pháp sáng tạo, linh hoạt trong triển khai Đề án đã góp phần thực hiện hiệu quả 5 nhóm mục tiêu: Phát triển kinh tế, xã hội; Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”,…

“Những giải pháp trên đã đem lại những bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng tầm giá trị văn hóa của Thủ đô, huy động  trí tuệ và đóng góp của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho công tác chuyển đổi số của thành phố.”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Thủ tướng dự Lễ ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số - ảnh 2
Thành phố Hà Nội chính thức vận hành một số nền tảng, ứng dụng
của Đề án 06

Báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt trong thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai Đề án 06/CP; giữ vững vị thế là địa phương tiên phong đi đầu trong thực hiện Đề án 06/CP đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.

Đặc biệt, công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đăng ký, quản lý cư trú và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều được triển khai thực hiện nghiêm túc và đã hoàn thành các chỉ tiêu được Bộ Công an giao Công an thành phố.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực: Ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp, phòng cháy chữa cháy; triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thu giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh. Hà Nội đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; thí điểm thanh toán thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính bằng mã QR động…

Với những nhiệm vụ Tổ công tác Chính phủ giao triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố trong năm 2024, gồm: Xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử; Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Hà Nội; Triển khai ứng dụng mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt; Thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID..., cơ bản, thành phố đều thực hiện nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.

Thủ tướng dự Lễ ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số - ảnh 3
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), phòng họp thông minh và Công bố vận hành một số ứng dụng nền tảng Đề án số 06 của Chính phủ. Sự kiện này kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên những đột phá trong quá trình triển khai Đề án trên địa bàn Thủ đô; Góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Theo đó, iHanoi ra đời với sứ mệnh là kênh tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ứng dụng cũng mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống, gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp…

Trong đó, Hanoi Connect: Các tính năng giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng, thuận tiện hơn. Được thể hiện bằng nhóm chức năng phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng: Gồm các tính năng phản ánh hiện trường - giúp người dân có thể gửi phản ánh tới các cấp chính quyền Thành phố về những vấn đề đời sống dân sinh bức xúc; Phản ánh thủ tục hành chính - giúp người dân có thể gửi các phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, các trường hợp xử lý chậm trễ thủ tục hành chính của người dân; Đăng ký tiếp công dân - hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký tiếp công dân với Ban tiếp công dân thành phố Hà Nội.

Hanoi Life: Được thể hiện bằng nhóm chức năng tiện ích đô thị thông minh. Nhóm chức năng này được chia theo các chủ đề lớn, đa lĩnh vực liên quan đời sống của người dân gồm:

Giao thông: Cung cấp các tiện ích Camera giao thông - cho phép người dân theo dõi tình hình giao thông tại các tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm để người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình đi phù hợp, tránh ách tắc giao thông; Tra cứu tuyến xe - người dân có thể tra cứu các tuyến xe đi từ các bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp bát, bến xe Mỹ Đình tới các tỉnh/thành khác; Tra cứu phạt nguội - người dân có thể tra cứu các thông tin phạt nguội với các loại phương tiện di chuyển gồm ô tô, xe máy, xe đạp điện; Gia hạn đăng kiểm - giúp người dân thực hiện gia hạn đăng kiểm tự động một cách nhanh chóng, thuận tiện; Bản đồ ngập úng - người dân có thể theo dõi các tuyến đường đang bị ngập úng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Y tế: Cung cấp Sổ sức khoẻ điện tử - người dân có thể theo dõi các chỉ số sức khoẻ, tiền sử bệnh, thông tin các đợt khám chữa bệnh tại, thông tin tiêm chủng tại các bệnh viện công trên địa bàn thành phố; Tra cứu các cơ sở y tế, mạng lưới nhà thuốc trên địa bàn thành phố.

Giáo dục: Tra cứu các trường học từ trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường liên cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học tại Hà Nội.

Môi trường: Cung cấp thông tin chất lượng không khí tại các khu vực ở Hà Nội và các vấn đề cần lưu ý để bảo vệ sức khoẻ trường hợp chất lượng không khí tại khu vực sinh sống của người dân không đảm bảo.

Thông tin quy hoạch sử dụng đất: Người dân có thể tra cứu và xem các thông tin quy hoạch theo vị trí, địa chỉ, thửa đất, địa bàn…

Du lịch (Hanoi Maps): Bản đồ du lịch cung cấp các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các địa điểm du lịch tâm linh, địa điểm check-in, các công viên, bảo tàng, khu vui chơi, ẩm thực, lưu trú tại Hà Nội. Người dân có thể tra cứu, xem thông tin về các địa điểm, chỉ đường tới địa điểm.

Di sản văn hoá: Bản đồ di tích lịch sử văn hoá giúp người dân có thể tra cứu các địa điểm được công nhận là di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp thành phố…; xem các thông tin lược sử, kiến trúc tại các địa điểm.

Thanh toán trực tuyến (Hanoi Pay): Người dân có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí hành chính, nộp phạt giao thông.

Nông nghiệp: Bản đồ OCOP - người dân có thể tra cứu các sản phẩm OCOP theo từng khu vực, xem thông tin sản phẩm, thông tin nhà cung cấp sản phẩm; Làng nghề - người dân có thể xem thông tin về hơn 300 làng nghề hiện có ở Hà Nội; Truy xuất nguồn gốc - người dân có thể quét mã QR trên các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm để xem thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm.

Danh bạ đường dây nóng: Tra cứu các đường dây nóng trên địa bàn thành phố và thực hiện gọi tới các đường dây nóng này.

Giải trí: Cung cấp tiện ích giải trí TV360, người dân có thể xem các chương trình truyền hình, phim, các nội dung giải trí đa dạng trên TV360.

Hanoi News - Được thể hiện bằng nhóm chức năng truyền thông, tin tức trên ứng dụng: Truyền thông, cảnh báo - cung cấp các thông tin cảnh báo, tuyên truyền hữu ích từ đa lĩnh vực tới người dân Thủ đô; Tin tức Hà Nội - theo dõi các thông tin về kinh tế, xã hội của Hà Nội qua các báo Hà Nội mới, Kinh tế & Đô thị, Nhịp sống Hà Nội, An ninh Thủ đô, Thanh niên, Người lao động, Lao động Thủ đô, Đài phát thanh & truyền hình Hà Nội.

Nhóm chức năng Sáng kiến, góp ý: Cung cấp tính năng Sáng kiến xây dựng Thủ đô - người dân có thể gửi các ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho việc phát triển của Thủ đô, từ đó giúp cơ quan chính quyền có thêm gợi ý về những giải pháp mới, sáng tạo để giải quyết những vấn đề nhức nhối, đưa ra những quyết sách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, ứng dụng iHanoi còn có Hanoi Chat - cung cấp tiện ích trò chuyện trực tuyến, giúp người dân có thể tương tác với người dân; người dân tương tác với các doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp tương tác với các cơ quan chính quyền. Người dân có thể trò chuyện 1:1, hoặc tạo các nhóm trò chuyện, gọi video call, gửi hình ảnh, file, danh thiếp, vị trí hiện tại, lập các khảo sát trong nhóm chat…

Trong thời gian tới, ứng dụng iHanoi sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tiện ích cung cấp tới người dân như: Khảo sát ý kiến người dân; Tra cứu điểm đỗ xe; Đặt chỗ đỗ xe trước & thanh toán trực tuyến phí đỗ xe; tra cứu các tuyến xe buýt; sổ liên lạc điện tử; tra cứu tuyển sinh đầu cấp; thanh toán tiền điện; nạp tiền điện thoại…