Khơi dậy nội lực văn hóa trong phát triển bền vững từ gốc
VHO - Chiều 7.5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Hoàn thiện cơ chế quản lý di sản văn hóa ở cấp xã
Góp ý cho dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng một nội dung có ý nghĩa thiết thực, gắn bó mật thiết với cộng đồng – đó là việc hoàn thiện cơ chế quản lý di sản văn hóa ở cấp xã trong Dự thảo Luật.
"Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời, với hàng trăm nghìn di tích, lễ hội và tri thức bản địa tồn tại hàng thế kỷ ở cấp làng xã. Di sản không chỉ là dấu ấn của lịch sử, mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cấp xã – nơi trực tiếp gìn giữ và phát huy các giá trị di sản – lại đang gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý còn chưa rõ ràng, phân cấp chưa cụ thể, nguồn lực còn hạn chế", đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Đánh giá cao những sửa đổi tích cực trong dự thảo Luật lần này, đặc biệt là việc bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân xã trong việc quyết định các biện pháp phát triển văn hóa; quyết định các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn; cũng như thông qua quy hoạch sử dụng đất..., đại biểu Sơn nhấn mạnh, đó là bước tiến quan trọng để cấp xã chủ động hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản tại chỗ.
Đây là hành lang pháp lý cần thiết để các địa phương có thể tu bổ đình, đền, duy trì lễ hội truyền thống, phục dựng nghề thủ công và giữ gìn không gian văn hóa làng xã.
Cũng theo vị chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá này, quy định cho phép cấp xã quyết định các biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, tín ngưỡng tôn giáo – nếu được triển khai tốt – sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động hơn trong gìn giữ tri thức bản địa, ngôn ngữ dân tộc, hát dân ca, nghi lễ truyền thống – vốn đang có nguy cơ mai một nhanh chóng.
"Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, nếu chỉ mở rộng thẩm quyền mà không đi đôi với nâng cao năng lực, thì rất dễ dẫn đến tình trạng “giao việc mà không giao quyền thực chất”.
Hiện nay, nhiều cán bộ văn hóa xã còn thiếu kiến thức chuyên môn về bảo tồn di sản, thiếu nguồn kinh phí, thiếu hướng dẫn kỹ thuật. Một số xã muốn phục dựng lễ hội hoặc tu bổ di tích cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu, trình hồ sơ cho ai, và phối hợp với ngành nào" , đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Từ đó, đại biểu đề xuất, thứ nhất, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đi kèm với Luật, trong đó quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền quản lý di sản cho cấp xã – đặc biệt là những di sản đã được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia trở xuống.
Thứ hai, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ văn hóa xã về chuyên môn bảo tồn, kỹ năng lập hồ sơ di sản và cách huy động nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ các xã khó khăn tiếp cận Quỹ bảo tồn di sản.
Thứ ba, khuyến khích các xã xây dựng quy chế cộng đồng trong quản lý di sản – lấy người dân làm trung tâm, để việc bảo tồn không chỉ mang tính hình thức mà thực sự là hành động gìn giữ ký ức và bản sắc của cộng đồng.
"Trong thời đại phát triển nhanh và hội nhập sâu rộng, nếu không có cơ chế rõ ràng và hiệu quả để bảo vệ di sản ngay từ cấp cơ sở, thì không gian văn hóa làng xã – cội rễ tinh thần của người Việt – rất dễ bị phai nhạt.
Việc sửa đổi Luật lần này không chỉ là hoàn thiện tổ chức chính quyền, mà còn là bước khởi đầu để khơi dậy nội lực văn hóa trong phát triển bền vững từ gốc", đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Sửa đổi để phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho biết, bà hoàn toàn nhất trí với việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng thời sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức.
"Những sửa đổi này nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, một nhiệm vụ đang được chúng ta thực hiện tích cực và đạt hiệu quả cao", đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đánh giá.

Góp ý về đề xuất sửa đổi Điều 110 về phân định các đơn vị hành chính, bà cho biết, việc sửa đổi này nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, và Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không duy trì chính quyền cấp huyện và cấp xã như trước đây. Quy định này phù hợp với yêu cầu và bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, dự thảo không liệt kê cụ thể các loại đơn vị hành chính mà chỉ nêu rằng đơn vị hành chính bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Lý do không liệt kê chi tiết là để rút kinh nghiệm từ Điều 110 của Hiến pháp hiện hành, vốn quy định quá cụ thể, dẫn đến thiếu linh hoạt trong tổ chức đơn vị hành chính. Hơn nữa, cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” đã được sử dụng tại Điều 74, Điều 76, và Điều 86 của Hiến pháp, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, nên việc sử dụng cụm từ này không phải là mới và vẫn phù hợp với các quy định hiện hành.
Về quy định chuyển tiếp tại khoản 3, Điều 2, liên quan đến việc chỉ định các chức danh thuộc Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng cơ chế chỉ định này phù hợp, bởi nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tại các đơn vị hành chính hiện nay chỉ kéo dài đến đầu năm 2026, thời gian còn lại rất ngắn.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này diễn ra trên quy mô toàn quốc, với quy mô lớn, như nhập ba tỉnh thành một hoặc nhập 57 xã thành một đơn vị hành chính cấp xã. Sự thay đổi này khiến các đại biểu Hội đồng nhân dân tại các đơn vị trước sắp xếp khó có điều kiện theo dõi, đánh giá chính xác năng lực, trình độ, và khả năng đảm đương công việc của các cán bộ sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại đơn vị hành chính mới. Vì vậy, chỉ định là giải pháp hợp lý.
Tạo cơ chế mở, thông thoáng để thu hút, trọng dụng nhân tài
Góp ý về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, quy định tại điều 5 Luật Cán bộ công chức, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, bà hoàn toàn đồng tình với nội dung Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, đồng thời giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong hệ thống chính trị - xã hội.

"Tuy nhiên, tôi đề nghị là chúng ta cần phải làm rõ hơn chính sách trọng dụng và đãi ngộ cũng như nguồn lực tài chính để làm việc này. Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp chúng ta thu hút được người tài, nhưng rồi không bố trí được công việc, hay bố trí không phù hợp để rồi người ta lại bỏ đi; hoặc do đãi ngộ không tương xứng với công sức người ta bỏ ra, hiệu quả công việc, để người ta phải tự bươn trải cuộc sống, lo cho gia đình… nên cũng không được bền lâu.
Do đó, ngoài việc xác định những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên người tài trong một không gian, thời gian cụ thể, gắn với khả năng chi trả của ngân sách địa phương, đơn vị là rất quan trọng. Vậy nên thiết kế điều khoản này như thế nào để vừa tăng quyền chủ động cho cơ sở, vừa rõ các điều kiện đảm bảo thực thi chính sách", đại biểu Yên nêu quan điểm.
Đánh giá rằng các quy định về công tác tuyển dụng công chức trong dự thảo luật cũng có nhiều điểm mới đáng ghi nhận, đại biểu Yên nêu thực tế: "Chúng ta không thể thu hút một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hay một nhà khoa học trẻ từ nước ngoài về bằng một mức lương khởi điểm 2,34.
Chúng ta cũng không thể yêu cầu một chuyên gia giỏi từ một doanh nghiệp chuyển qua khu vực nhà nước phải có đầy đủ các quy trình, thủ tục để trở thành một công chức quản lý.
"Vì vậy, tôi cho rằng, những quy định của dự thảo luật lần này sẽ tạo ra những cơ chế mở, thông thoáng và tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập thực tế hiện nay trong việc thu hút và trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ", đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu.