Tháo gỡ những “điểm nghẽn” để các tỉnh Tây Nguyên phát triển

VHO- “Lãnh đạo ba tỉnh Tây Nguyên cần mạnh dạn hơn nữa trong việc dám nghĩ, dám làm nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về giao thông để phát triển kinh tế, xã hội; phải có tinh thần cầu thị, biết lắng nghe ý kiến nhân dân và chung sức cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề khó khăn hiện nay. Ngoài ra cần tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thu hút du khách đến địa phương…”.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” để các tỉnh Tây Nguyên phát triển - Anh 1

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

 Trưởng đoàn công tác 435 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị như trên tại buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, diễn ra ngày 18.5 tại TP Đà Lạt.

Kinh tế, xã hội đạt kết quả khả quan

Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong quý I và 4 tháng đầu năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực khi đã có sự tăng trưởng nhất định.

Theo đó, kinh tế tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý I.2023 tăng 5,63% (trong đó ngành nông - lâm - thủy sản tăng 3,94%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 1,53%; ngành dịch vụ tăng 7,94%, đạt 71% kế hoạch năm 2023 (kế hoạch từ 7,5-8,5%); xấp xỉ mức tăng quý I.2020 (5,91%, thời điểm chưa bùng phát đại dịch Covid-19), cao hơn 2,12 điểm % so với quý I.2021 (3,51%, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện biện pháp giãn cách xã hội) và thấp hơn 0,97 điểm % so với quý I.2022 (6,6%, thời điểm cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Tính đến ngày 16.5.2023, tổng thu ngân sách đạt 5.228 tỉ đồng, bằng 42% dự toán Trung ương, bằng 36% dự toán địa phương và bằng 95% so với cùng kỳ; trong đó thu thuế, phí, lệ phí 3.297,2 tỉ đồng, bằng 44,8% dự toán Trung ương, bằng 38,3% dự toán địa phương, bằng 89,2% cùng kỳ.

Bà H’Yim KĐoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, giá trị tổng sản phẩm trong quý I.2023 của tỉnh đạt khá (tăng trưởng 4,12% so với cùng kỳ năm 2022). Bốn tháng đầu năm ngành du lịch của tỉnh đón 350.000 lượt khách, bằng 33% kế hoạch năm. Doanh thu từ du lịch đạt 291 tỉ đồng, bằng 34,2% kế hoạch năm, tăng 56,4% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 14,2%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 450 triệu USD, nhập khẩu đạt 90 triệu USD. Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tổng sản phẩm quý I trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.858 tỉ đồng. Cơ cấu nền kinh tế đã có sự chuyển dịch chuyển dần sang khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 27,42%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 23,19%, khu vực dịch vụ chiếm 44,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,54%. Bên cạnh đó, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, khoa học công nghệ, truyền thông, lao động… phát triển ổn định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng cường giữ vững.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” để các tỉnh Tây Nguyên phát triển - Anh 2

Toàn cảnh buổi làm việc

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại 3 địa phương như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động; chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy; giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm; phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh này có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường, tiếp cận nguồn vốn do siết chặt quy mô tín dụng. Dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát trở lại; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp…

Về hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đại diện các tỉnh đã có 18 kiến nghị liên quan gửi Trung ương và Chính phủ xem xét, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ. Trong đó đáng chú ý là kiến nghị Chính phủ tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng cho các tỉnh Tây Nguyên và hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha trở lên để thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng. Ngoài ra, đại diện các địa phương cũng đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho các tỉnh Tây Nguyên căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhu cầu sử dụng đất của địa phương để lập phương án sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các lâm trường bàn giao về địa phương quản lý mà không phải thực hiện “Thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng; chấm dứt tình trạng mua, bán và “hợp thức hóa” quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật”.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Trung ương cần sớm ban hành các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; giúp các doanh nghiệp tháo gỡ nút thắt từ việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam do các yếu tố như chậm báo cáo đánh giá tình hình theo yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt là khối thị trường chung châu Âu. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; nghiên cứu tham mưu sớm ban hành thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ ban hành từ năm 2003 đến nay đã có nhiều nội dung không phù hợp với thực tiễn. Đề nghị Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc khai thác, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc thu hồi phải thực hiện như thế nào khi thực hiện dự án…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Đoàn công tác Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao 3 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển Tây Nguyên. Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và ba tỉnh nói riêng đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ba tỉnh Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng cả về phía Bắc và Nam Tây Nguyên. Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao việc phát triển rừng, trồng rừng và khai thác các lợi thế về du lịch tại 3 tỉnh hiện nay; phát triển kinh tế, xã hội, gắn liền với nâng cao đời sống nhân dân của các đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa được thể hiện rất rõ nét. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn, lãnh đạo 3 tỉnh Tây Nguyên cần mạnh dạn hơn nữa trong việc dám nghĩ, dám làm nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về giao thông để phát triển kinh tế, xã hội; phải có tinh thần cầu thị, biết lắng nghe ý kiến nhân dân và chung sức cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề khó khăn hiện nay.

Cùng với đó, ba tỉnh cần tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thu hút du khách đến địa phương… 

 Ba tỉnh cần tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thu hút du khách đến địa phương…

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 THÀNH KHIÊM - XUÂN HƯỚNG

 

Ý kiến bạn đọc