Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo hoạt động quảng cáo phát triển

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRÀN

VHO - Sáng 24.9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo hoạt động quảng cáo phát triển - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 của UBTV Quốc hội về xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình Pháp lệnh 2024.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xem xét, trình Quốc hội thông qua luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 4.7.2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình số 350 gửi Quốc hội về toàn bộ hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo. Đồng thời, với quá trình đó, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để phối hợp, làm tốt công tác thẩm tra, đồng thời cùng hoàn thiện các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo hoạt động quảng cáo phát triển - ảnh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc sửa đổi, xây dựng Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật. Trong đó xác định, quảng cáo là một trong 12 loại hình của công nghiệp văn hóa. Vì vậy, cần tập trung, xem xét, kiến tạo cho sự phát triển của lĩnh vực này.

"Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua năm 2012, mặc dù là bước tiến quan trọng, nhưng quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều yếu tố mới. Vì vậy một số vấn đề đang còn bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, cần được sửa đổi để khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể như một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Mục đích của việc xây dựng Luật cũng nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.

Sửa đổi 15 điều và bổ sung 2 điều mới

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo hoạt động quảng cáo phát triển - ảnh 3
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình tại phiên họp

Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này sẽ tập trung vào 15 điều và bổ sung 2 điều mới để thực hiện cho 5 vấn đề lớn: Thứ nhất là làm rõ hơn các khái niệm, thẩm quyền, nghĩa vụ của người có sản phẩm quảng cáo để phù hợp với các hình thức thể hiện và truyền tải sản phẩm quảng cáo phát sinh trong thực tiễn hiện nay đang được quan tâm.

Thứ hai là yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, trong đó có yêu cầu quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không được gây ra hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng của các loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ; phân định nội dung quảng cáo trong hoạt động sản phẩm thương mại điện tử, hoạt động trưng bày hàng hóa theo quy định của pháp luật, chuyên ngành về thương mại.

Bộ trưởng cho rằng đây là điều mà Quốc hội, xã hội rất quan tâm do Luật chưa quy định và chưa có chế tài xử lý nên thậm chí còn dẫn đến tình trạng nhầm lẫn về sản phẩm thương mại điện tử với các hoạt động trưng bày...

Nội dung thứ 3 được đề cập, đó là quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình quảng cáo trên mạng, trên các nền tảng xã hội khiến doanh thu từ hoạt động quảng cáo trên các phương tiện báo chí ngày càng giảm sút trong khi hiện nay, các cơ quan báo chí đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, nên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Do đó cần phải xem xét để bổ sung, sửa đổi, phù hợp hơn về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền, đặc biệt là trong các chương trình phim truyện để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí có thêm hoạt động, cân đối nguồn thu, nâng cao nội dung chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Bổ sung quy định cụ thể về phương thức quảng cáo trên không gian mạng

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo hoạt động quảng cáo phát triển - ảnh 4
Phiên họp sáng 24.9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nội dung thứ tư trong việc sửa đổi Luật lần này là quy định về quảng cáo trên môi trường mạng, dự án luật bổ sung quy định cụ thể về phương thức quảng cáo trên mạng, bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác có kết nối với viễn thông và mạng internet.

Đồng thời dự án luật này cũng phải đưa ra các quy định về thời hạn đối với hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, cụ thể là đối với quảng cáo, người chuyên kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người truyền tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo trong nước và ngoài nước. Tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, an ninh mạng, bảo vệ giữ liệu cá nhân, pháp luật thể chế.

Tổ chức cung cấp mạng xã hội khi cho phép người sử dụng thực hiện quảng cáo phải có tính năng, ký hiệu để người sử dụng tự phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác. Tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng phải có trách nhiệm thông báo chính xác với đầu mối liên hệ là Bộ TT&TT để xác minh danh tính của người quảng cáo, lưu trữ thông tin, hồ sơ về hoạt động quảng cáo, có các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Thứ năm, về quảng cáo hoạt động ngoài trời, dự án luật sửa đổi đưa ra các quy định theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thẩm định, thẩm quyền, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo ngoài trời cho chính quyền các cấp. Tiếp tục khẳng định xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời là một trong những giải pháp có trọng tâm trong quản lý nhà nước. Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định của nhà nước.

Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời, các nguyên tắc khi xây dựng quy hoạch, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia trong các hoạt động quảng cáo.

Dự án luật cũng tập trung vào các thủ tục hành chính, sửa đổi những vấn đề không còn phù hợp để hạn chế đến mức tối đa những biểu hiện gây phiền hà, tối ưu hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân...