Chấn chỉnh nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

HÀ PHƯƠNG

VHO - Chấn chỉnh hiện tượng người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc với người tiêu dùng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Chấn chỉnh nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật - ảnh 1
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo

 Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo…

Siết quản lý trách nhiệm người quảng cáo

Được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa quan trọng, hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, nhằm tạo ra sức mạnh mềm từ văn hóa.

Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo.

Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo…

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Luật Quảng cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm và có trách nhiệm về nội dung quảng cáo.

Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng “hồn nhiên” quảng cáo sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hệ quả chỉ là lời xin lỗi, hoặc mức phạt “phải chăng”, không đủ sức răn đe.

Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi vì vậy đã bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; sửa đổi, bổ sung về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo...

Như vậy, nghệ sĩ, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo sẽ không thể tiếp tục “hồn nhiên”, thiếu trách nhiệm khi đưa đến công chúng, người tiêu dùng những thông tin về sản phẩm mà thiếu sự kiểm chứng, kiểm nghiệm chất lượng.

Chấn chỉnh nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật - ảnh 2
Những nghệ sĩ từng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng

Người quảng cáo chịu trách nhiệm liên đới về chất lượng sản phẩm

Nhằm bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.

Đáng chú ý, dự luật đã có những quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các trách nhiệm như: Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân; cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không đảm bảo các yêu cầu.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra khái niệm về người có ảnh hưởng và trách nhiệm của họ.

Trong hoạt động quảng cáo hiện nay, việc sử dụng người nổi tiếng, người có uy tín, người được xã hội chú ý để quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đang ngày càng phổ biến, đem lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề quản lý nội dung quảng cáo do chủ thể này thực hiện. Vì vậy, để bảo đảm thống nhất việc quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiếp nhận quảng cáo, dự luật đã bổ sung trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Về trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo, dự luật quy định, tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo có trách nhiệm xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo trình Bộ VHTTDL phê duyệt; tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về quảng cáo.

Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 chỉ quy định nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động kinh doanh, kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển. Việc quảng cáo của các tổ chức, doanh nghiệp cũng phát triển đa dạng cả về hình thức và nội dung.

Đồng thời, pháp luật về thương mại điện tử cũng đưa ra các quy định về việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ khiến tổ chức, cá nhân gặp khó khăn khi thực hiện quảng cáo. Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về yêu cầu chung đối với nội dung quảng cáo và phân định giữa hoạt động quảng cáo với các hoạt động chuyên ngành khác.

Cụ thể, nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Nội dung quảng cáo cần được phân biệt rõ ràng với nội dung thông tin khác. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận.

Nội dung quảng cáo không bao gồm các tài liệu, thông tin và hình ảnh mô tả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, trừ quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại;… 

 Cuối tuần qua, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp. Về phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy. Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Luật ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học; góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo; xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, vì lợi ích chung của xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật… BẢO TRÂN