Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất nhiều nội dung quan trọng
VHO - Ngày 23.12, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, trung ương; thường trực, trưởng ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng
Theo dự thảo Báo cáo tình hình, kết quả công tác tuyên giáo năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 cho biết, trong năm qua, ngành Tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, có những kết quả nổi bật, đột phá, những điểm mới so với năm 2021, được cán bộ, đảng viên và dư luận đánh giá cao. Cụ thể, ngành Tuyên giáo đã chủ động, tích cực triển khai 22 đề tài, đề án để tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đã được ban hành, triển khai thực hiện 5 văn bản (nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn...), góp phần hoạch định chủ trương, đường lối; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và công tác tuyên giáo. Ngành Tuyên giáo đã tổ chức thành công các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời nắm bắt nội dung các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò giám sát, tổ chức, thực hiện hiệu quả trong thực tiễn; chủ động, kịp thời trong công tác hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ; phát hiện những nhân tố tích cực, mô hình hay, cách làm sáng tạo để biểu dương, nhân rộng; những hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn để khắc phục; công tác lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, thông tin đổi ngoại, định hướng dư luận xã hội, báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, khoa giáo, xây dựng và phát triển ngành Tuyên giáo đạt được nhiều thành tích ấn tượng…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn báo cáo công tác tuyên giáo
Về công tác văn hóa – văn nghệ, ngành đã tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ có nhiều đổi mới. Năm 2022, tập trung kiểm tra, giám sát, khảo sát các hoạt thực động văn hóa - văn nghệ trong toàn quốc. Toàn ngành triển khai học tập, quán triệt những chỉ đạo định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; tổ chức thành công Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội nghị được chuẩn bị rất công phu, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Các ý kiến đã tập trung nghiên cứu, làm rõ, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Bước đầu xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật; góp phần làm sáng tỏ, phát triển nội hàm về văn hóa; tạo cơ sở để Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, tạo thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn. Việc nắm bắt tình hình hoạt động, tư tưởng, nguyện vọng của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ được quan tâm thường xuyên, kịp thời, là cơ sở để tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, với những thành tựu nổi bật nêu trên, ngành Tuyên giáo đã thể hiện rõ vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc, bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các đại biểu dự Hội nghị
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giào 2022 cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn của công tác tuyên giáo trong thời gian qua, trong đó, công tác kiểm tra, giám sát xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương quan tâm nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa rõ nét; một số cơ quan báo chí, truyền thông còn thiếu nhạy bên trong đưa tin, thậm chí đưa tin gây hiểu nhầm, hoang mang trong dư luận; bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; việc nắm bắt, định hướng chính trị, tư tưởng, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề dư luận quan tâm, nhất là phòng, chống dịch bệnh, quản lý tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục, lao động việc làm còn hạn chế…
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị đã dành thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi về các vấn đề cần quan tâm trong công tác tuyên giáo; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, bộ, ngành để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong tình hình mới.
Bộ VHTTDL kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương các nội dung quan trọng
Là đại biểu phát biểu tham luận đầu tiên tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có phần trình bày về việc thực hiện các kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, về kết quả nội bật và những hạn chế, bất cập.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tham luận tại Hội nghị
“Đồng tình và nhất trí cao với dự thảo báo cáo, chúng tôi thật sự chung vui với thành tích ngành Tuyên giáo nước nhà, khi trong năm qua, mặc dù có những khó khăn thách thức, nhưng chúng ta đã tạo ra được những kết quả nổi bật trên 6 lĩnh vực công tác. Trong 6 lĩnh vực này, Bộ VHTTDL bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc đến sự chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban và lãnh đạo Ban Tuyên giáo đã luôn xem xét và đồng hành với Bộ VHTTDL triển khai các nhiệm vụ để phát triển nền văn hóa Việt Nam theo tinh thần triển khai của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… Cùng với đó, ngành Văn hóa đã thực hiện tốt năm công tác của ngành đó là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã chủ trì, tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn nhân lực, trong đó tổ chức các hội thảo để đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách cho ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Về những kết quả đạt được sau một năm triển khai việc thực hiện các kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ trưởng cho biết, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hoá đã được Bộ VHTTDL cũng như các Bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước cụ thể hóa trong hoạt động của công tác. Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đánh dấu sự chuyển biển rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, từ tháng 11.2021 đến nay, Bộ VHTTDL đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 dự án luật (Luật Điện ảnh, Luật Phòng chống bạo lực gia đình); phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình cấp có thẩm quyền ban hành 1 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu tri tuệ - phần về Bản quyền tác giả); 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành 14 Thông tư...
Thực hiện chủ đề công tác năm 2022 “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, toàn ngành đã triển khai công tác xây dựng môi trường văn hóa đi đúng hướng, chọn cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa. Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Đây là căn cứ đề Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong Phong trào có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Bộ trưởng, những kết quả báo cáo với hội nghị hôm nay cũng chỉ là kết quả bước đầu của ngành Văn hóa
Năm 2022, nguồn lực đầu tư cho văn hóa của các địa phương bước đầu đã có những sự thay đổi tích cực, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chỉ ngân sách địa phương. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn… Tại các địa phương, công tác cán bộ ngành văn hóa cùng ngày càng được quan chú trọng. Đội ngũ cán bộ từng bước được kiện toàn về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được lãnh đạo các Sở quan tâm đầu tư, phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu ở Trung ương.
Theo Bộ trưởng, những kết quả báo cáo với hội nghị hôm nay cũng chỉ là kết quả bước đầu. So với yêu cầu và kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vẫn còn những bất cập, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng chưa quan tâm đúng mức; việc triển khai thực hiện Kết luận ở nhiều địa phương còn chậm, thiếu chủ động. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong công tác đầu tư, tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích. Cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa còn thiếu so với các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế; công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất ở các địa phương cho phát triển văn hóa, thể thao còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL còn mỏng, một số lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi; đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành còn thiếu, tình trạng hẫng hụt ngày một rõ giữa các thế hệ… "Vì vậy trách nhiệm của Bộ là cùng các địa phương lựa chọn, xem xét. Trước mắt cần thực hiện các công tác huấn luyện và đào tạo, thời gian tới sẽ tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện kỹ năng, để cán bộ làm văn hóa hiểu sâu sắc về văn hóa, đồng thời có kỹ năng thực hiện các hoạt động về văn hóa… nhằm thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa Việt", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương 3 nội dung.
Thứ nhất, từ thành công của Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương cần sớm trình các cấp thẩm quyền ban hành các kết luận để làm rõ các nội hàm, các thành tố cho dễ nhớ, dễ thực hành để chúng ta vận dụng triển khai cho từng đối tượng.
Thứ hai, Bộ trưởng mong muốn tất cả đại biểu có mặt tại đây ủng hộ việc quan tâm xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng văn hóa trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, có tính bền vững. Chỉ khi có được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, thì mới dễ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển một cách toàn diện.
Thứ ba, Bộ trưởng mong muốn cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ cán bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo các cấp với Sở VHTTDL các địa phương.
Năm kiên định, bốn yêu cầu, ba nhóm tập trung, hai nhiệm vụ cần kiện toàn của ngành Tuyên giáo
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định tầm quan trọng của công tác tuyên giáo, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm cần quan tâm thực hiện trong năm 2023. Theo đó, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả trong hoạt động của công tác Tuyên giáo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh tới năm kiên định, bốn yêu cầu, ba nhóm tập trung, hai nhiệm vụ cần kiện toàn của ngành Tuyên giáo.
Cụ thể, 5 kiên định đó là tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đồng chí, tư tưởng đó phải được thấm sâu trong từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, không cho phép ai được ngả nghiêng dao động với mục tiêu cao cả ấy. Đó còn là kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên định những nguyên tắc cơ bản của Đảng. Cùng với đó, kiên định phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Về 4 yêu cầu, đồng chí nhấn mạnh đến yêu cầu của công tác tuyên giáo phải có tính đảng, tính chiến đấu, phải truyền cảm hứng xuống tới cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong đảng viên. Công tác giáo dục và thuyết phục phải được nâng cao, đặc biệt là chú trọng tới tính thực tiễn, nêu cao vai trò trách nhiệm. Đó là yêu cầu phải triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm có khâu đột phá; yêu cầu trong công tác luôn phải đặt quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Đồng thời, phải chủ động, thiết thực, kịp thời, hiệu quả, không để “vùng trắng” về công tác tư tưởng.
Về 3 tập trung mà Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc đến là tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu đối với công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu về thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, công tác lý luận không thể chậm trễ và phải dự báo được một số chiều hướng về tư tưởng, từ đó có giải pháp chủ động, có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, xử lý tốt các tình huống phát sinh. Tiếp theo là tập trung đổi mới công tác học tập nghị quyết để các nghị quyết đi vào cuộc sống được nhanh chóng, kịp thời và phát huy hiệu quả thiết thực; tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như nâng tầm tham mưu đối với lĩnh vực khoa giáo của Đảng.
Cuối cùng là 2 kiện toàn, đó là tổ chức bộ máy tuyên giáo Trung ương và tuyên giáo các cấp để đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả; xây dựng quy chế làm việc nội bộ, quy chế làm việc giữa ngành tuyên giáo với các bộ ngành, đơn vị.
THÙY TRANG