Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật
VHO - Tại Phiên họp thứ 44 dự kiến khai mạc ngày mai 14.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Trước đó, Hội đồng thẩm định Hồ sơ dự án Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam toàn diện, phát triển văn hóa…
Theo dự kiến, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 (3,5 ngày): từ ngày 14-1./4.2025 (dự phòng: từ 18 – 21.4.2025); đợt 2 (5,5 ngày): ngày 22 - sáng ngày 28.4.2025 (dự phòng: chiều 28.4-29.4.2025) tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.
Tại Phiên họp này, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; (iii) lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Luật Dẫn độ;
Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (5) Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi);
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công;
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng;
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội;
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 157 của Luật Đất đai (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 06 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026;
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án (theo đề xuất của Ban Chỉ đạo 1568);
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030).
Cũng tại Phiên họp thứ 44, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác, trong đó có về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến về Đề án, Phương án thiết kế xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.
Đặc biệt, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam toàn diện

Trước đó, sáng 11.4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì Hội đồng thẩm định Hồ sơ dự án Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật.
Theo Tờ trình của Bộ VHTTDL, trong những năm qua, những chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống thông qua các chương trình đề án và đạt hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật và còn nhiều bất cập trong các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, các ngành nghệ thuật có tính đặc thù, người học phải có năng khiếu, tuyển sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau phụ thuộc vào ngành, nghề và trình độ đào tạo.
Đào tạo kết hợp giữa lý thuyết với thực hành và truyền nghề, kết hợp đào tạo chuyên môn nghệ thuật với giảng dạy văn hóa đối với trình độ trung cấp…
Nhà giáo đồng thời giảng dạy nhiều trình độ; vừa giảng dạy vừa tham gia biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật.
Việc ban hành Nghị quyết đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, chưa quy định thể trong Luật hoặc có quy định nhưng còn bất cập, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn về tính đặc thù trong đào tạo nghệ thuật;
Tránh nguy cơ gián đoạn, đứt gãy trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật;
Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Dự thảo Nghị quyết có 4 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định cụ thể và điều khoản thi hành Nghị quyết.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được kéo dài từ 3 đến 9 năm so với quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
Cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng;
Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, làm rõ hơn sự cần thiết, mục đích ban hành để khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam toàn diện, phát triển văn hóa…