Tiến tới kỷ niệm 50 năm giải phóng Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2025):

Ra Trường Sa xem “Sơn Ca ba nhất”

MAI THẮNG

VHO - Trong 21 đảo và các điểm đóng quân của Quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca nhỏ bé nhưng vô cùng thân thương, được mệnh danh là hòn đảo “ba nhất”: “Xanh nhất, sạch nhất, trắng nhất”.

Ra Trường Sa xem “Sơn Ca ba nhất” - ảnh 1
Cán bộ chiến sĩ ươm trồng cây giống

 Màu xanh chiến sĩ

Đến Sơn Ca vào những ngày đầu năm mới, điều khiến chúng tôi ấn tượng ngay lập tức là màu xanh của cây phong ba và các vườn ươm sum suê quanh đảo. Trung tá Nguyễn Lương Hiền, Chính trị viên của đảo chia sẻ: “Sơn Ca đẹp nhất trong 21 đảo và 33 điểm đóng quân của Quần đảo Trường Sa. Bộ Tư lệnh Quân chủng đánh giá rất cao và các đoàn khách từ đất liền luôn khen ngợi. Sơn Ca được mệnh danh là ba nhất: Xanh nhất, sạch nhất, trắng nhất và đã trở thành thương hiệu”.

Trung tá Hiền giải thích thêm, biệt danh “xanh nhất” của Sơn Ca bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên ở đây. Đảo có thổ nhưỡng bằng phẳng, mặt đất được phủ một lớp mùn mỏng pha lẫn phân chim. Thủy triều ở đảo theo chế độ nhật triều, tức là mỗi ngày có một lần nước lên và một lần nước xuống. Với khoảng 300 ngày nắng mỗi năm, đảo có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, và mùa nắng kéo dài suốt thời gian còn lại. Điều này tạo điều kiện lý tưởng để cây cối phát triển xanh tốt quanh năm.

Hệ thực vật trên đảo khá phong phú với nhiều loài cây, đặc biệt là bàng vuông, sồi, phi lao, muống biển và một số loài cỏ thân mềm được mang từ đất liền. Nổi bật nhất là những cây phong ba đã nhiều năm tuổi, tạo môi trường lý tưởng cho các loài chim, chủ yếu là sơn ca, đến làm tổ - đây cũng là lý do đảo được đặt tên là Sơn Ca.

Chia sẻ thêm về màu xanh trên đảo, trung tá Hiền tâm sự: “Không phải tự nhiên mà có, đây là kết quả của bàn tay lao động và sự sáng tạo của cán bộ chiến sĩ. Ngoài số cây được mang từ đất liền ra, hàng nghìn cây xanh đã được cán bộ chiến sĩ gây giống và ươm trồng. Mỗi người đều phải hoàn thành nhiệm vụ trước khi trở về đất liền là trồng một hoặc hai cây để ghi nhớ những ngày tháng học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên đảo. Hằng năm, vào dịp sinh nhật của cán bộ chiến sĩ, chúng tôi cũng tổ chức trồng cây xanh như một đóng góp cho đảo, giúp nơi đây thêm tươi đẹp. Việc trồng cây quanh đảo đã trở thành phong trào và nhu cầu làm đẹp của chúng tôi. Chúng tôi luôn tự hào khi Sơn Ca đã trở thành hòn đảo thân thương và đẹp đẽ nhất trong quần đảo Trường Sa”.

Sơn Ca cũng là đảo nổi bật với danh hiệu “sạch nhất” nhờ hệ thống pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho cán bộ chiến sĩ trong sinh hoạt, học tập và công tác. Toàn đảo có hệ thống thùng chứa rác được đặt ở các vị trí như khu nhà ở, nơi sinh hoạt công cộng, khu huấn luyện và công tác.

Với tinh thần chung tay bảo vệ môi trường, cán bộ chiến sĩ phân loại rác thải hằng ngày và bỏ vào đúng nơi quy định. Các loại rác thải xử lý tại chỗ sẽ được thu gom, chôn dưới lòng đất hoặc đốt để trộn với đất tạo mùn ươm cây giống. Rác thải nhựa được đóng thành bao và chuyển xuống tàu để đưa về đất liền xử lý. Sau những giờ huấn luyện chiến đấu, các chiến sĩ trẻ lại tự giác đi dọn vệ sinh, nhổ cỏ dại và thu gom rác thải. Chính vì thế, từ đường đi, sân bóng, đến khu nhà ở, khu huấn luyện, khu vệ sinh, tất cả đều luôn sạch sẽ, tinh tươm.

Về biệt danh “trắng nhất”, trung tá Phạm Văn Phố, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca vui vẻ cho biết: “Do khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thuận lợi, cây cối xanh tốt quanh năm và nước ngọt dồi dào, nên các chiến sĩ ở đây thường có làn da sáng sủa hơn so với các đảo khác.Nhiều chiến sĩ có gương mặt trắng hồng, đẹp như con gái. Mỗi lần có đoàn công tác, văn công từ đất liền ra thăm và biểu diễn, sau các buổi giao lưu văn nghệ, chúng tôi thường để lại những dòng lưu bút, số điện thoại và những tấm ảnh kỷ niệm chụp chung, không quên nhắn nhủ “hẹn gặp lại đất liền” giữa nữ văn công và sĩ quan trẻ. Và cũng từ đó, nhiều cặp vợ chồng lính đảo Sơn Ca đã ra đời”.

Ra Trường Sa xem “Sơn Ca ba nhất” - ảnh 2
Cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca cùng các đại biểu vui văn hóa văn nghệ

Ngày mới

Sơn Ca những ngày đầu xuân khoác lên mình sắc vàng rực rỡ, nắng như rót mật. Tại phân đội 1, hàng trăm cán bộ chiến sĩ đang miệt mài luyện tập các động tác tay không: “Đi đều, chuyển bước, tiếp lệnh… đi nghiêm, nhìn bên phải, chào”.

Cùng lúc đó, tại phân đội 2, nhiều chiến sĩ đang rèn luyện “16 động tác thể dục” và “35 thế liên quyền”, “8 thế đứng cơ bản”. Dù mồ hôi ướt đẫm vai áo, nhưng trong đôi mắt tất cả đều ánh lên niềm vui tự hào vì được giữ biển nơi đầu sóng ngọn gió.

Đại úy Bùi Thúc Hóa, phụ trách công tác hậu cần cho biết: “Nói đến Sơn Ca là nói đến màu xanh và sự sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây xanh, sạch, đẹp như thế. Đó là sự đoàn kết thống nhất từ cán bộ đến chiến sĩ, một lòng quyết tâm xây dựng và bảo vệ đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, tốt về lối sống, thắm tình quân dân như cá với nước. Mặc dù xa đất liền, nhưng chúng tôi vẫn có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, vì thế sống ở đảo, chúng tôi hoàn toàn yên tâm công tác”.

Một năm tuổi quân, hạ sĩ Tống Văn Khoa đặt chân lên Sơn Ca đúng vào mùa xuân Ất Tỵ. Những bỡ ngỡ ban đầu của cậu lính 21 tuổi quê Nghệ An dần được xóa nhòa bởi tình yêu thương, sự đùm bọc và tinh thần đoàn kết, gắn bó.

Hạ sĩ Khoa chia sẻ: “Ở đảo khó khăn, gian khổ hơn ở đất liền, đó là điều bình thường, nhưng đảo cũng có nhiều điều thú vị. Đó là cơ hội để thử sức, để cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ ở đây luôn đoàn kết, thương yêu nhau như một gia đình. Mỗi lần có đoàn công tác từ đất liền ra thăm hay nhận được thư nhà, niềm vui của chúng tôi như được nhân lên, càng quyết tâm hơn, vững tay súng canh trời, biển, đảo. Tuy xa cách đất liền, nhưng đảo Sơn Ca thực sự là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi”.

Được bao phủ bởi màu xanh của hàng ngàn cỏ cây hoa lá, Sơn Ca như một “phố nhỏ” giữa sóng nước trùng khơi. Ở đó, những người lính vẫn âm thầm, lặng lẽ, vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc