Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

VHO - Sáng 21.5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật này.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ - ảnh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 7 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 Điều.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng, dự thảo Luật đã được tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ - ảnh 2
Sáng 21.5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đường bộ

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng dự thảo Luật đã liệt kê 6 hành vi bị cấm đối với hoạt động đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài 6 hành vi bị cấm ở trong dự thảo Luật thì có thể là có phát sinh thêm những hành vi bị cấm khác.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, để đảm bảo được tính ổn định lâu dài của văn bản, tránh quy định cứng nhắc, khó thực hiện và để phòng ngừa các vấn đề phát sinh thêm những hành vi cấm khác thì đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên nghiên cứu bổ sung một khoản quy định là các hành vi cấm khác theo quy định của pháp luật để cho phù hợp và có tính khả thi...

Cũng góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật. Đại biểu lý giải cho đề xuất này là trước thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác theo Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp. 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) góp ý về phương án phát triển đường bộ đô thị, ban soạn thảo cần cân nhắc không nên quy hoạch để phát triển các đường trong ngõ, ngách, hẻm mà cần quan tâm, quản lý hệ thống đường này để đảm bảo an toàn giao thông.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ - ảnh 3
Đại biểu Dương Khắc Mai góp ý cho dự thảo Luật

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) góp ý, tại điểm đ khoản 1 Điều 8 quy định “Đường thôn xóm là đường trong khu vực thôn, xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn, đường trục nối thôn xóm với khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn, xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn”, khái niệm này chưa bao quát hết khu vực cộng đồng dân cư theo sự khác biệt về tên gọi của từng vùng miền (như: buôn, bon, phum, sóc….). Vì vậy, cần đưa ra định nghĩa đầy đủ và chính xác hơn.

Cùng góp ý vào khoản 10, Điều 56 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) và đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

Vì thế, việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến trong khi mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Tổng cộng đã có 23 ý kiến của các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật. Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết các ý kiến đều tâm huyết, sâu sắc, toàn diện, đa số các ý kiến đều thống nhất với báo cáo của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh; các ý kiến sẽ được nghiêm túc tiếp thu đầy đủ.