Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang "đủ độ chín"
VHO - Sáng 1.7, tại thủ đô Seoul, trong chương trình chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc.
Diễn đàn do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức.
Cùng tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp hai nước.
Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội tốt để hai bên cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề trọng tâm trong thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trước khi dự Diễn đàn, tại cuộc tiếp ngắn Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Hàn Quốc tạo mọi điều kiện thuận lợi, mở rộng thị trường cho các sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường Hàn Quốc; Hàn Quốc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp nền tảng để Việt Nam nhanh chóng thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hai bên thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo, năng lượng mới như hydrogen.
Bộ trưởng Ahn Dukgeun cho biết trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, Việt Nam cũng là thị trường quan trọng nhất với Hàn Quốc. Ông đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên phát triển mạnh mẽ, tăng cường hợp tác, đầu tư.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các doanh nghiệp Hàn Quốc đã thông báo về tình hình đầu tư tại Việt Nam; phân tích các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thời gian tới; trình bày, đề xuất các kế hoạch, dự án hợp tác với đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, năng lượng, đổi mới sáng tạo và phát triển chuỗi cung ứng. Đơn cử, Shinhan Bank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số tốt nhất Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun nêu rõ, mối quan hệ hai nước đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.
Ông cho rằng quan hệ hai nước đã trải qua 32 năm và tuổi 30 là độ tuổi quan trọng để xác định hướng đi mới, đương đầu với những thử thách mới, đạt thành công mới.
Nhấn mạnh hai nước cần chuẩn bị 30 năm tiếp theo, Bộ trưởng kỳ vọng một số mục tiêu như kim ngạch thương mại 150 tỉ USD vào năm 2030, trước mắt đạt 100 tỷ USD vào năm 2025; phạm vi hợp tác được mở rộng với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn; thiết lập một mạng lưới cung ứng ổn định, vững chắc, trong đó có tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu phát triển điện hạt nhân…
Ông cũng nhắc lại tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần chia sẻ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang ở giai đoạn "đủ độ chín" sau hơn 30 năm thiết lập. Quan hệ song phương phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 76 tỉ USD. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ); là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).
Việt Nam không chỉ là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN mà còn là một trong 3 đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trên thế giới về thương mại và đầu tư.
Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian chia sẻ về những yếu tố nền tảng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, gồm 3 yếu tố nền tảng, 1 quan điểm xuyên suốt và 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, 3 yếu tố nền tảng là: Xây dựng nền dân chủ XHCN; Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt của Việt Nam là: Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đồng thời, Việt Nam tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về: Chính sách đối ngoại; bảo đảm quốc phòng – an ninh; phát triển kinh tế; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội; phát triển văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thực hiện các chủ trương, đường lối nói trên, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD; nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đã ký 16 FTA với hơn 60 nước.
Năm 2024, kinh tế quý II ước tăng 6,93%, 6 tháng đầu năm tăng 6,42% và tiếp tục xu hướng tích cực hơn trong nửa cuối năm. Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, trong đó nhu cầu điện tăng 15% nhưng không thiếu điện; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng và đào tạo nhân lực) dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, với những yếu tố nền tảng nói trên, các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư, hoạt động tại Việt Nam. "Các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam làm ăn luôn được bảo đảm về ổn định chính trị - xã hội, an toàn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, lành mạnh, công bằng với các đối tác", Thủ tướng khẳng định. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, cũng có không ít khó khăn, thách thức, nhưng điều quan trọng là cùng nhau nhận diện và hóa giải, vượt qua.
Thủ tướng đề nghị thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác, mở rộng đầu tư, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; cùng nhau khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, mở ra những chân trời mới, tạo ra những giá trị mới; trong đó, tập trung chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến, góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đào tạo nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao, nhất là các lĩnh vực quan trọng, mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa – giải trí…
Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư phát huy tinh thần "3 cùng" (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển); "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hợp tác toàn cầu, tòa diện, toàn dân", cùng nhau "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến các đối tác của hai nước trao đổi các thỏa thuận hợp tác.