Phát triển ngành vận tải hàng không, tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

VHO - Sau phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Phát triển ngành vận tải hàng không, tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Về kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 12 chỉ tiêu vượt). Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong đó đáng chú ý là nền kinh tế phục hồi nhanh trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và trong nước, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm một số ít nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; quy mô GDP khoảng 476,3 tỷ USD, dự báo đứng thứ 33 thế giới, tăng 02 bậc so với năm 2023; GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Xuất siêu ước đạt 24,77 tỷ USD; tổng thu NSNN vượt 19,8% so với dự toán; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi NSNN thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép...

Các đột phá chiến lược được triển khai quyết liệt, với tinh thần đổi mới sáng tạo và sự quyết tâm cao độ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể chế, pháp luật là trọng tâm cải cách, với các bước đi đồng bộ, mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho phát triển. Phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Phát triển nguồn nhân lực chuyển biến tích cực; Kinh tế số, kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới; chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số đạt nhiều kết quả, nổi bật là việc triển khai Đề án 06. Năng suất lao động ước tăng 5,88%, vượt mục tiêu đề ra; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 44 thế giới, tăng 02 bậc so với năm 2023.

Phát triển ngành vận tải hàng không, tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài - ảnh 2
Phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 12.2.

"Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường… tiếp tục được đầu tư, phát triển với kết quả rõ nét hơn. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 01%, đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp thứ 54 thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2023; Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54, tăng 01 bậc", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Các điểm nhấn đáng chú ý nữa là cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, không để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin trong Nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu nổi bật, nâng cao uy tín và vị thế đất nước, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tờ trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày cũng cho thấy những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta gặp phải như ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm.

Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc, chưa triệt để; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc...

Về kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn chí Dũng cho biết, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Về nhiệm vụ, giải pháp, tờ trình cũng nêu rõ, cần có các giải pháp để hoàn thiện thể chế, pháp luật; Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; Về thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; Về thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; Về xuất khẩu; Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.

Trong đó về thu hút khách du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, cần phát triển ngành vận tải hàng không và tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài; khẩn trương xem xét, quyết định giải pháp đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho công dân một số nước châu Âu, Trung Đông mang hộ chiếu phổ thông; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Phát triển ngành vận tải hàng không, tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài - ảnh 3
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.

Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.