Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển

PHƯƠNG ANH, ảnh: VIỆT HÙNG

VHO - Sáng 9.10 tại trụ sở Bộ VHTTDL, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo các địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo Quyết định 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển - ảnh 1
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo các địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng

Cùng tham gia buổi làm việc có đại diện các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 716/TTg-QHĐP ngày 24.9.2024 của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì buổi làm việc với 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng để nghe báo cáo về tình hình thực tế, những vướng mắc, kiến nghị  cần hướng dẫn tháo gỡ từ các Bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng với đặc thù nằm trên địa bàn Tây Nguyên trọng yếu, 3 địa phương Đăk lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng trong thời gian qua đã vượt qua những khó khăn và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.  

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển - ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc trực tuyến với 3 địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn

“Đó là những kết quả đáng mừng. Bên cạnh đó, vẫn còn có những vấn đề vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Cần ghi nhận các địa phương trong thời gian qua đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực triển khai và chịu trách nhiệm theo sự phân cấp.

Đối với những kiến nghị, điểm nghẽn đã được các địa phương đề xuất, đề nghị đại diện các Bộ, ngành liên quan trả lời và có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đây là cuộc họp lần thứ tư của Bộ trưởng với 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trước đó, Bộ trưởng với vai trò trưởng đoàn đã có buổi làm việc trực tiếp vào tháng 5.2023 với 3 tỉnh tại tỉnh Lâm Đồng; một buổi làm việc trực tuyến vào tháng 5.2024 và một lần bằng văn bản vào ngày 22.2.2024.

Tại cuộc họp lần này, lãnh đạo 3 địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng tiếp tục có những báo cáo cụ thể sau khi rà soát thực tiễn tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Theo đó, những kết quả đạt được cùng những khó khăn được chỉ rõ, cùng các kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” tạo sự vướng mắc, rào cản sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong các thành tựu được nêu, điểm nổi bật là trong bức tranh phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn 3 tỉnh, tiềm năng văn hóa- du lịch nổi lên như một điểm sáng. 

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển - ảnh 3
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng báo cáo tại cuộc họp

Trong đó, Đà Lạt (Lâm Đồng) là điểm đến du lịch được du khách trong nước và quốc tế quan tâm và ưu tiên lựa chọn. Trong 9 tháng đầu năm, Lâm Đồng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật, thu hút đông đảo du khách như Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2024, khai thác thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới; triển khai cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đêm tại Đà Lạt…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực văn hóa- xã hội thời gian qua được quan tâm chú trọng; nhiều lễ hội, chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được đẩy mạnh. Địa phương cũng chú trọng thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chính sách cho đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, đối tượng yếu thế.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được quan tâm chỉ đạo với mục tiêu trong giai đoạn 2024-2025 hoàn thành xóa gần 2000 căn nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời, triển khai xây dựng nhà cho người nghèo.

Tại Đăk lăk, nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao; an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, đảm bảo đời sống người dân trên địa bàn. 

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển - ảnh 4
Lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk báo cáo tại cuộc họp

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, tổ chức thành công giải Giải Bóng chuyền nữ quốc tế “VTV9 - Bình Điền” lần thứ 14,... góp phần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk và thu hút khách du lịch.

Tổng thu từ du lịch toàn tỉnh 9 tháng ước đạt 970 tỉ đồng, tăng 19,02% so với cùng kỳ 2023, bằng 102,11% kế hoạch cả năm 2024. 

Tại Đăk Nông, doanh thu từ du lịch cũng tăng trưởng mạnh. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông được chú trọng đẩy mạnh. 9 tháng đầu năm, địa phương đầu tư xây dựng được gần 200 km đường bộ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cũng đã được lãnh đạo 3 địa phương nêu rõ cùng các kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành liên quan.

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển - ảnh 5
Lãnh đạo tỉnh Đăk Nông báo cáo tại cuộc họp

Nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn đang đặt ra, tại cuộc họp, đại diện các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, NN & PTNT, Ủy ban Dân tộc, Giao thông vận tải đã  trực tiếp có những giải đáp, hướng dẫn các địa phương trong một số nội dung, kiến nghị cụ thể.

Theo đó, các kiến nghị tập trung vào một số vấn đề như thúc đẩy phát triển liên kết vùng; thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia; thực hiện kế hoạch đầu tư công; thu hút đầu tư; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dưng cơ sở hạ tầng; tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư; công tác an sinh xã hội; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…

Lắng nghe các ý kiến, trao đổi tại cuộc họp, trong phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chúc mừng các địa phương với những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2024. Theo Bộ trưởng, những kết quả này đã góp phần quan trọng trong bức tranh chung có nhiều điểm sáng của nền kinh tế xã hội đất nước.

 Bộ trưởng nhấn mạnh, 9 tháng đầu năm 2024, dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng cả 3 địa phương đều có sự nỗ lực, cố gắng, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, ngày càng khẳng định vị thế là các cực tăng trưởng của miền Trung – Tây Nguyên.  

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển - ảnh 6
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc họp

Về nông nghiệp, 3 địa phương đều xác định nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trở thành bệ đỡ, từ đó ngày càng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn.  

Trong bối cảnh còn khó khăn, các tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. 

Bên cạnh đó, là các địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các địa phương đã có nhiều chính sách để chăm lo về công tác an sinh xã hội.

Văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển, nhất là công tác giáo dục ở vùng sâu vùng xa. Lĩnh vực văn hóa, thể thao được quan tâm, đẩy mạnh đặc biệt là công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Từ những giá trị văn hóa này đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch tiệm cận với tiêu chí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là hai địa phương Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, nghe các địa phương chia sẻ một số khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, với những đặc thù riêng, các địa phương Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đăk Nông đều cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn, góp phần hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. 

Đặc biệt cần rà soát các công tác tư vấn, giải phóng mặt bằng, thẩm định, quản trị dự án. 

 Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương bên cạnh phát triển kinh tế xã hội cũng cần đảm bảo quốc phòng an ninh trên tinh thần “muốn phát triển thì đảm bảo quốc phòng an ninh, muốn ổn định thì phải phát triển kinh tế xã hội”.

Khẳng định cả 3 địa phương đều có dư địa lớn về phát triển du lịch, Bộ trưởng nhấn mạnh, du lịch hiện nay đang trở thành điểm sáng của kinh tế xã hội. 

Phát huy tiềm năng, dư địa dồi dào về du lịch cho các mục tiêu phát triển - ảnh 7
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp các kiến nghị của các địa phương

Bộ trưởng lưu ý, đây là thời điểm vàng chuẩn bị đón khách quốc tế, vì vậy các địa phương cần có giải pháp để tăng cường kết nối, xúc tiến quảng bá, tăng lượng tour, tuyến nhằm phát huy các sản phẩm du lịch, thương hiệu đặc sắc như Lâm Đồng có thành phố sáng tạo, Đắk Lắk, Đắk Nông có thế mạnh về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. 

Bộ trưởng cho rằng, du lịch tác động đến 11 nhóm ngành như giao thông vận tải (lữ hành), nông nghiệp (tiêu thụ nông sản)…

Các địa phương cần quan tâm để đạt “mục tiêu kép”, vừa tăng cường quảng bá nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, đất nước, con người Việt Nam, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng cũng đề cập nội dung việc xóa nhà tạm, nhà dột nát như chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện vừa ban hành. Theo Bộ trưởng, cần tập trung chủ động nguồn lực địa phương, xã hội hóa… để thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, đối với nguồn lực từ Trung ương, với tư cách là thành viên Chính phủ được giao phụ trách 3 địa phương, Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo những khó khăn, thách thức của các địa bàn này để phân bổ nguồn lực phù hợp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành có văn bản trả lời chính thức những kiến nghị mà các địa phương đã đề cập tại cuộc họp này. Đối với các địa phương, cần kiến nghị các vấn đề còn giao thoa giữa các Bộ, ngành, chưa rõ thẩm quyền, chưa có văn bản pháp luật.

Đồng thời, cần tiếp cận theo hướng địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Những gì đã rõ cần mạnh dạn quyết định thực hiện.

Nhắc lại tinh thần phân cấp mạnh mẽ, triệt để cho địa phương như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập, Bộ trưởng cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035 mà Quốc hội dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Bộ VHTTDL, cơ quan soạn thảo, cũng thể hiện rõ việc phân cấp phân quyền cho địa phương. 

Do đó, các địa phương cần tăng tính chủ động, không ngừng nâng cao năng lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án được Trung ương phân bổ về sau khi Chương trình này được thông qua.