Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:

Phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

VHO - Trong mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch thì chúng ta phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch chứ không phải khai thác văn hoá. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau", Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch  - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên chất vấn sáng 21.8
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21.8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Là lĩnh vực nhận được nhiều chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trả lời trúng, đúng và thẳng thắn trước các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về những khó khăn, giải pháp trong đẩy mạnh hoàn thiện công tác thống kê du lịch.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thống kê là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, giúp nắm thông tin để đánh giá, định hướng, từ đó hoạch định chính sách nhằm phát triển các lĩnh vực.

Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm lĩnh vực này. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. 

Từ khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ đến nay, công tác thống kê cũng đã đi vào nề nếp, các số liệu được thống kê cũng chính xác hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước.

Căn cứ theo Luật Thống kê năm 2021 và Nghị định 94/2022 NĐ-CP của Chính phủ, giao trách nhiệm chính cho Tổng cục Thống kê. Về thống kê chuyên ngành, để phục vụ công tác hoạch định chính sách, cũng như công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, Bộ VHTTDL đã thực hiện một số công việc.

Trong đó có 6 nhóm lĩnh vực: về lượng khách quốc tế, về lượng khách nội địa, về chi tiêu của khách quốc tế, về chi tiêu của khách nội địa, về doanh thu dịch vụ ăn uống và doanh thu của lữ hành. Các số liệu này trong báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổng cục Thống kê cung cấp cho các cơ quan đã đầy đủ số liệu. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn, như: ngoài hệ thống cán bộ chuyên trách làm công tác này được quy định trong pháp luật, hiện nay các Sở VHTTDL không có cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê. Hơn nữa, kinh phí để bố trí cho công tác điều tra, chọn mẫu, nghiên cứu, phân tích cũng chưa được quan tâm đúng mức. Công nghệ thông tin, hạ tầng phần mềm kết nối để đảm bảo tính liên thông và chia sẻ dữ liệu cũng còn nhiều khó khăn.

Phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch  - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn sáng 21.8

Về giải pháp trong thời gian tới, thứ nhất, Bộ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Công điện số 06 của Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn các nhóm giải pháp mà tổ chức du lịch quốc tế đang khuyến cáo cho tất cả các quốc gia là nên ứng dụng tài khoản vệ tinh du lịch để đưa vào thống kê. 

Thứ hai, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an sử dụng dữ liệu trong Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó có cơ sở dữ liệu về du lịch để hoạch định chính xác hơn. Thứ ba, phối hợp Bộ NN&PTNT thống kê thêm về nhu cầu của du khách như: hàng hóa nông sản, mua sắm để tính toán thêm lượng chỉ tiêu về khách du lịch này...

Bộ trưởng cũng nêu dẫn chứng cụ thể về một số địa phương làm tốt công tác thống kê trong lĩnh vực này như Hà Nội và TP.HCM và cho rằng những cách làm hay này cần được chia sẻ, nhân rộng để việc triển khai được hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp để phát triển du lịch bền vững mà vẫn bảo tồn được bản sắc văn hoá dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, lĩnh vực du lịch và văn hoá có mối quan hệ tương hỗ với nhau: “Du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa”. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý đến việc phát triển sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. "Trong mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch thì chúng ta phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch chứ không phải khai thác văn hoá. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nêu những ví dụ cụ thể về các địa phương đã làm tốt việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về văn hoá như tỉnh Hoà Bình hay tỉnh Điện Biên, đã kết hợp giữa 2 lĩnh vực này để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) về các giải pháp làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã có đề án phát triển du lịch đêm trong đó khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch và đặc trưng của mỗi địa phương để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm;

Phấn đấu theo tinh thần của Nghị quyết 08 về phát triển du lịch là “mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao”.

Phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch  - ảnh 3
Phiên chất vấn sẽ bao gồm 2 nhóm vấn đề quan trọng

Bộ trưởng cũng lấy ví dụ về những địa phương có cách làm hay, sáng tạo như TP.HCM phát triển du lịch đêm trên tuyến bố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với các dịch vụ trên sông Sài Gòn, thu hút du khách. Đề án của Bộ VHTTDL đã có khung, Bộ cũng đã có chỉ đạo và hướng dẫn, vấn đề còn lại là của địa phương.  "Các địa phương nên phát huy cách làm sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo và riêng biệt, có bản sắc. Đây là vấn đề của địa phương, Bộ VHTTDL không thế làm thay", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Nội dung của nhóm lĩnh vực thứ nhất, được dành thời gian trong buổi sáng và đầu buổi chiều 21.8 gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với lĩnh vực VHTTDL, là việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Du lịch, các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch được tích cực triển khai; đã ban hành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giai đoạn 2022 - 2024, ngành du lịch tăng trưởng liên tục; cơ bản phục hồi so với trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt kết quả tích cực.