Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại

NGỌC THÀNH

VHO - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra hôm qua 6.3.

 Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại - ảnh 1
Một dự án nhà ở xã hội tại quận Hoàng Mai, Hà Nội . Ảnh: TOÀN THẮNG

 Nhà ở xã hội không làm ở những nơi “đầu thừa đuôi thẹo”, “khỉ ho cò gáy”

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội đã được bàn nhiều, nhưng công tác triển khai hiệu quả chưa cao. Chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là phát triển nhanh nhưng bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; con người có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó gồm quyền có chỗ ở.

 Nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất “đầu thừa đuôi thẹo”, những nơi “khỉ ho cò gáy”, không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội. Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại.

(Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH)

Hoan nghênh một số địa phương vừa qua đã khởi công các dự án nhà ở xã hội lớn, song Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi “đất trong tay chúng ta, tiền có thể huy động, cơ chế, chính sách, thủ tục do ta mà việc xây dựng nhà ở xã hội không chuyển biến hoặc chuyển biến rất chậm”.

Thủ tướng khẳng định nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, do đó, các cơ quan phải đặt mình vào địa vị của người có nhu cầu để giải quyết, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Trong đó, các địa phương đã được giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng nhà ở xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, với quan điểm lấy con người là trung tâm, là chủ thể, con người là yếu tố quyết định với sự phát triển, mọi chính sách phải hướng đến con người.

Thủ tướng gợi mở một số nội dung: Chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội giao các địa phương đã phù hợp chưa, từng địa phương có cần làm thêm không; cơ chế, chính sách vướng mắc cần giải quyết; cách huy động nguồn lực; thiết kế, mẫu nhà ở xã hội; khả năng sản xuất hàng loạt; về cách làm, công tác quy hoạch, giao đất, thủ tục hành chính trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Vừa qua một số vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý cụ thể về vướng mắc pháp lý để đề xuất tháo gỡ ngay tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Thủ tướng đặt vấn đề tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội, để có các mẫu nhà phù hợp điều kiện, cảnh quan, văn hóa, khí hậu từng vùng miền (miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ), phù hợp nhu cầu người sử dụng mà vẫn khang trang, sáng xanh sạch đẹp. Đồng thời, có thể nghiên cứu việc xây dựng nhà ở xã hội bằng lắp ghép cấu kiện bê tông cốt thép.

Về nguồn lực, Thủ tướng đề cập một số giải pháp đã và đang được triển khai như thành lập quỹ nhà ở quốc gia; giải ngân gói tín dụng 140 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội mà không tính vào “room” tín dụng của các ngân hàng…

Đặc biệt, về thủ tục, Thủ tướng cho rằng cần tạo cơ chế, chính sách, kêu gọi doanh nghiệp làm một cách nhanh chóng, cắt giảm thủ tục, với tinh thần vì dân, vì nước.

Thủ tướng đặt vấn đề: Các doanh nghiệp chưa làm vì sao, phải chăng vì chính quyền chưa dám giao việc? Có thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp, không cần qua đấu thầu được không, miễn là bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí?

Nếu đấu thầu thì phải bảo đảm thực chất, không hình thức, không quân xanh, quân đỏ, tránh tình trạng quy trình rất dài, tốn thời gian mà không mang lại điều gì cả. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải đồng hành, hỗ trợ nhà thầu, không để họ cô đơn trên công trường; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các lực lượng như thanh niên, phụ nữ, phát huy nghệ thuật “chiến tranh nhân dân”, ai có gì giúp nấy để tạo sức mạnh tổng hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất “đầu thừa đuôi thẹo”, những nơi “khỉ ho cò gáy”, không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội.

Phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại. Nhà ở xã hội phải đầy đủ điều kiện hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục, thể thao, xã hội, môi trường…) như nhà ở thương mại, nhưng chỉ khác là nhà nước có các chính sách hỗ trợ. Nhà ở xã hội phải có hình thức mua và thuê mua.

Năm 2025, hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội

Báo cáo tình hình phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành gần 20 văn bản gồm các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Công điện…với nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Theo đó, đến nay trên địa bàn cả nước có 10 địa phương đã đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương.

Đã có 30 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án. Tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội.

Theo đó, hầu hết các địa phương đều dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương đã quan tâm, dành quỹ đất nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi, gần các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, đảm bảo đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Đồng Nai (1.064 ha), Quảng Ninh (666 ha), Hải Phòng (336 ha), Bình Dương (408 ha),...

Tuy nhiên, còn một số địa phương bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn chưa tương xứng với nhu cầu. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn.

Riêng trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành; 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn.

Năm 2024, số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn. Có 26 dự án với quy mô 27.819 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng.

Đến nay có 103 dự án với quy mô 66.755 căn đã hoàn thành. Riêng trong năm 2024 có 28 dự án với quy mô 21.874 căn đã hoàn thành.

Theo báo cáo, các địa phương tính đến thời điểm hiện tại đã có 37/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số là 90 dự án, tổng số tiền giải ngân theo Chương trình 120.000 tỷ đồng là 2.845 tỉ đồng.

Về mục tiêu năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc