Nghiêm trị những kẻ tung tin “vịt”
VHO - Những ngày qua, câu chuyện về một nữ nhân viên của một tập đoàn lây HIV cho 16 người lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Cuối cùng cơ quan chức năng cũng đã “truy vết” ra kẻ tung tin bịa đặt cũng như những người phát tán thông tin độc hại ấy. Sáu bị can đã bị khởi tố với tội danh tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy. Vụ việc khép lại, nhưng vẫn tiếp tục mở ra việc hành xử thế nào trên mạng xã hội, cũng như câu chuyện hậu pháp lý.
Ngày 10.8, Viện KSND thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên) cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 6 người liên quan đến vụ việc trên. Trong đó, 4 nam thanh niên bị khởi tố bắt tạm giam; còn 2 người phụ nữ được cho tại ngoại do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Trước đó, ngày 26.7, trên mạng xã hội có nhiều cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh, video văn hóa phẩm đồi trụy và danh sách lây nhiễm HIV gán ghép cho nữ nhân viên đang làm việc tại một tập đoàn gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội. Bất chấp việc đại diện các cơ quan chức năng đã xác minh và khẳng định thông tin này sai sự thật, nhưng nó vẫn lan truyền một cách chóng mặt.
Ngày 31.7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thái Nguyên đã làm rõ các đối tượng trong vụ tung tin một “kiều nữ” lây HIV cho 16 người. Từ đó, vấn đề đặt ra là vậy trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này thế nào? Người vi phạm bị xử lý ra sao? Các cơ quan, tổ chức có quyền lợi bị xâm phạm cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp? Và truy tố với tội danh tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy đã đủ sức răn đe và có nên khởi tố thêm tội danh? Riêng đối với hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp như văn hóa phẩm là dữ liệu được số hóa có dung lượng 1GB trở lên; là ảnh có số lượng từ 100 ảnh trở lên; Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị trở lên hay phổ biến cho từ 10 người trở lên. Theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt cơ bản của hành vi này là phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Quy định đã rõ, tuy nhiên trong trường hợp kể trên, tính chất và mức độ phải coi là nghiêm trọng. Vậy có thể khởi tố thêm tội danh? Nói như LS Hoàng Trọng Giáp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), có thể khẳng định thông tin nữ nhân viên nọ nhiễm HIV và lây bệnh cho nhiều người khác là thông tin sai sự thật, gây tổn hại nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân cũng như an ninh trật tự xã hội. Đây sẽ là cơ sở để công an xem xét xử lý thêm các đối tượng về một trong 2 tội danh. Thứ nhất, nếu các đối tượng biết rõ nội dung thông tin đăng tải là sai sự thật nhưng vẫn cố tình lan truyền thông tin nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị “vu vạ” thì những người này có thể bị khởi tố về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, khi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, khung hình phạt có thể áp dụng là 1-3 năm tù.
Thứ hai, nếu các đối tượng đăng tin không nhằm mục đích cố tình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, không biết rõ về tính xác thực của nguồn tin nhưng vẫn cố tình lan truyền, chia sẻ những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nhằm các mục đích như thỏa mãn sự tò mò, thỏa mãn những sở thích lệch lạc, hèn kém hay đơn giản chỉ để “câu like”, tạo ra dư luận xấu, làm giảm uy tín của cá nhân, đây là hành vi có dấu hiệu của tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, khung hình phạt cơ bản có thể áp dụng là phạt tiền 30-200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.
Trở lại vấn đề, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can nhưng câu chuyện pháp lý vẫn cần tiếp tục đặt ra, với yêu cầu hình phạt phải nghiêm để không thể bất cứ cá nhân nào lợi dụng mạng xã hội, giấu mặt rồi mặc tình “ném đá giấu tay”.