Nếu không có biện pháp quyết liệt, nhiều môn nghệ thuật truyền thống sẽ “khép lại”
VHO - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 21.8, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm trước những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để phát triển các lĩnh vực VHTTDL.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) về việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng; nhiều ngành, chuyên ngành không tuyển sinh được; số lượng chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao, cán bộ quản lý về văn hóa có chuyên môn ngày càng giảm…, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay nếu không giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu “khép lại”.
Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 22.8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các vị đại biểu đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các Bộ, ngành. Trong đó ông đề nghị Bộ VHTTDL khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn những chính sách chưa được triển khai tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 6.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghiên cứu, xây dựng quy định điều chỉnh một số lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật; có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa. Có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội.
Cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu thích văn hóa nghệ thuật truyền thống
Theo Bộ trưởng, muốn đào tạo phải có đầu vào, phải có nhu cầu thì các cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được. “Vì vậy, để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu, khảo sát xem nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu, sự yêu thích của các thí sinh. Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay, có những bộ môn thuộc về nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị tác động. Vì vậy Chính phủ đã có nhiều quy định để khuyến khích, thu hút bằng cách giảm học phí, hưởng các chế độ ưu đãi”, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến việc đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hằng năm Bộ đã thông tin tới các cơ sở đào tạo và các địa phương để đề xuất các thí sinh có năng khiếu về các môn nghệ thuật truyền thống. Thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục công bố thông tin rộng rãi, đăng ký các nhóm, ngành và nếu phát hiện bất cập sẽ đề xuất với Bộ, ngành liên quan để trao đổi, nhằm đảm bảo quyền lợi người học. Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu thích văn hóa, coi nghệ thuật truyền thống là hồn cốt cần phải lưu giữ, trao truyền. Bên cạnh biểu dương nhiều cách tiếp cận hay, sáng tạo của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng còn nhấn mạnh chỉ khi người dân yêu thích văn hóa truyền thống thì tỉ lệ tuyển sinh vào các môn nghệ thuật truyền thống mới tăng và nghệ thuật truyền thống mới không bị nguy cơ mai một.
Đề cao vai trò chủ thể của ba “nhà” trong phát triển các ngành CNVH
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) về các chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, CNVH là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Để triển khai Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quá trình tổ chức thực hiện, Chiến lược đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng. Từ đó chúng ta đã nhận diện 12 loại hình CNVH, gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, tròchơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, dịch vụ du lịch văn hóa.
Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ VHTTDL quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại do các Bộ, ngành khác đảm nhiệm. Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành CNVH. Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 4,04% vào GDP. Để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển CNVH trong tình hình hiện nay, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị phát triển các ngành CNVH toàn quốc. Về khuôn khổ pháp lý, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan như vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Bản quyền và sắp tới là Luật Quảng cáo. Trong quá trình phát triển các ngành CNVH, chúng ta luôn phải xác định đề cao vai tròchủ thể của ba “nhà”. Đó là Nhà nước trong việc tổ chức, kiến tạo doanh nghiệp; Nhà doanh nghiệp trong vai tròthực hiện và nhà sáng tạo là đội ngũ các văn nghệ sĩ. Ba “nhà” đó phải vừa làm, vừa tập trung triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.
Ban hành hơn 20 văn bản cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị
Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, về lĩnh vực VHTTDL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08 ngày 6.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao về phục hồi phát triển ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã đảm bảo minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn và du lịch đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm: Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL ban hành đề án phát triển du lịch đêm, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương…
Đây là vấn đề của địa phương, Bộ không thể làm thay
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về các giải pháp để phát triển du lịch bền vững mà vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, lĩnh vực du lịch và văn hóa có mối quan hệ tương hỗ với nhau: “Du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa”. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý đến việc phát triển sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa.
“Trong mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, cần phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch chứ không phải khai thác văn hóa. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng nêu những ví dụ cụ thể về các địa phương đã làm tốt việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về văn hóa như tỉnh Hoà Bình hay tỉnh Điện Biên, đã kết hợp giữa hai lĩnh vực này để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về các giải pháp làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã ban hành đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm trong đó khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch và đặc trưng của mỗi địa phương để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm.
Về các chế độ, chính sách cho các HLV, VĐV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến lực lượng vận động viên và đội ngũ văn nghệ sĩ. Ngoài các chế độ Trung ương ban hành cũng có các chính sách của các địa phương để khen thưởng vận động viên đạt thành tích cao. Bộ trưởng cho rằng, nhìn ra thể thao các quốc gia khác, muốn phát triển cần có thêm các chính sách đãi ngộ. Do đó, Bộ VHTTDL đang đề nghị Chính phủ sửa đổi các nghị định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên…
Phấn đấu theo tinh thần của Nghị quyết 08 về phát triển du lịch là “mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao”. Bộ trưởng cũng lấy ví dụ về những địa phương có cách làm hay, sáng tạo như TP.HCM phát triển du lịch đêm trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với các dịch vụ trên sông Sài Gòn, thu hút du khách. Đề án đã có khung, Bộ cũng đã có chỉ đạo và hướng dẫn, vấn đề còn lại là của địa phương. “Các địa phương nên phát huy cách làm sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo và riêng biệt, có bản sắc. Đây là vấn đề của địa phương, Bộ không thể làm thay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết. Liên quan đến phát triển du lịch xanh, Bộ trưởng cho biết, trong Chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm du lịch xanh. Trong đó có bốn dòng sản phẩm chính đã toát lên toàn bộ nội hàm bên trong là phát triển du lịch xanh và bền vững. Chính phủ đã có Nghị quyết số 82, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08 để tập trung vào nội dung này.
Trong đó có điểm cần lưu ý là phát triển du lịch bền vững, không phải theo mùa vụ, mà phải dựa trên nền tảng văn hóa, sản phẩm có tính chất nổi trội để xây dựng các hệ thống nổi trội để kết nối tour tuyến, phát triển du lịch vùng. Cùng với đó, xác định quan điểm phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, mà phải chú ý đến môi trường sinh thái.