Kiến tạo hành lang pháp lý để hoạt động quảng cáo phát triển

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng qua 24.9, các ý kiến cho rằng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đủ điều kiện trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Cùng dự có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành. Bộ trưởng Bộ VHTTDL tham dự phiên họp.

Kiến tạo hành lang pháp lý để hoạt động quảng cáo phát triển - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình tại phiên họp

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật. Trong đó xác định, quảng cáo là một trong 12 loại hình của công nghiệp văn hóa.

Vì vậy, cần tập trung, xem xét, kiến tạo cho sự phát triển của lĩnh vực này. “Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua năm 2012, mặc dù đó là bước tiến quan trọng nhưng quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều yếu tố mới. Vì vậy, một số vấn đề đang còn bất cập, hạn chế trong công tác quản lý cần được sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Chúng tôi có điều chỉnh nhiệm vụ của Bộ VHTTDL, thay vì phải thẩm định, kiểm tra tất cả các nội dung và thông qua các nội dung về quảng cáo thì theo hướng chuyển giao các chức năng này về các Bộ liên quan. Ví dụ, quảng cáo trên không gian mạng thì Bộ TT&TT mới có đầy đủ các công cụ để kiểm tra, thanh tra. Quảng cáo về y tế phải là Bộ Y tế hoặc của Bộ Công thương. Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về nội dung và tính đúng đắn của sản phẩm.

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

Cụ thể, một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế, xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ những bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật này cũng nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này sẽ tập trung vào 15 Điều và bổ sung 2 Điều mới để thực hiện cho năm vấn đề lớn. Trong đó làm rõ hơn các khái niệm, thẩm quyền, nghĩa vụ của người có sản phẩm quảng cáo để phù hợp với các hình thức thể hiện và truyền tải sản phẩm quảng cáo phát sinh trong thực tiễn hiện nay đang được quan tâm.

Tiếp đến là yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, trong đó yêu cầu quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không được gây ra hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng của các loại sản phẩm, hàng hóa dịch vụ...

Dự án Luật cũng sửa đổi quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như quảng cáo mỹ phẩm, quảng cáo thực phẩm, hóa chất...

Đồng thời bổ sung các quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet...

Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời, các nguyên tắc khi xây dựng quy hoạch, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia trong các hoạt động quảng cáo.

“Dự án luật cũng tập trung vào các thủ tục hành chính, sửa đổi những vấn đề không còn phù hợp để hạn chế đến mức tối đa những biểu hiện gây phiền hà, tối ưu hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân”, Bộ trưởng khẳng định.

Kiến tạo hành lang pháp lý để hoạt động quảng cáo phát triển - ảnh 2
Toàn cảnh Phiên họp

Đủ điều kiện trình kỳ họp thứ 8

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, hồ sơ Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét. “Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết.

Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo theo Tờ trình của Chính phủ.

“Về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật, qua rà soát, Thường trực Ủy ban nhận thấy, một số nội dung trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất với một số luật có liên quan”, ông Vinh nêu.

Báo cáo thẩm tra cũng đề cập đến các nội dung như trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; Về quảng cáo trên mạng; Về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo...

Góp ý cho việc hoàn thiện dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhất trí với nhiều nội dung dự kiến sửa đổi trong Tờ trình của Chính phủ, dự án luật cũng như các vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Theo ông Tùng, “dự án Luật cơ bản đáp ứng theo đúng quy định. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ VHTTDL đối với dự án luật này. “Hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cả các dự thảo, các nghị định để ban hành khi luật này được Quốc hội thông qua”, Tổng thư ký Quốc hội đánh giá.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng nhìn nhận, trong suốt thời gian qua Luật Quảng cáo đã phát huy được hiệu quả, đóng góp cho xã hội phát triển cũng như nguồn thu của các cơ quan, tổ chức nói chung.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay Luật Quảng cáo đã không theo kịp sự phát triển của các loại hình quảng cáo trên thực tế, do đó việc sửa là thật sự cần thiết...

Báo cáo giải trình trước các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật.

Giải thích ý kiến về việc trong dự án luật không đề cập đến vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng cho biết, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, dự án Luật thống nhất Chính phủ sẽ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo và giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ban, ngành có liên quan.

Trong đó Bộ VHTTDL giữ vai trò là đầu mối trong lĩnh vực này, vì đây là một nội dung rộng cho nên phải có trách nhiệm của các ngành, các cấp. “Chúng tôi có điều chỉnh nhiệm vụ của Bộ VHTTDL, thay vì phải thẩm định, kiểm tra tất cả các nội dung và thông qua các nội dung về quảng cáo thì theo hướng chuyển giao các chức năng này về các Bộ liên quan. Ví dụ, quảng cáo trên không gian mạng thì Bộ TT&TT mới có đầy đủ các công cụ để kiểm tra, thanh tra.

Quảng cáo về y tế phải là Bộ Y tế hoặc của Bộ Công thương. Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về nội dung và tính đúng đắn của sản phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải trình.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng xây dựng hồ sơ dự án luật tương đối đầy đủ, bảo đảm tính khách quan, khoa học được tiếp thu, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.