Khơi thông dòng vốn xã hội cho phát triển văn hóa thông qua chính sách thuế

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trả lời phỏng vấn Văn Hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội đã nhấn mạnh vai trò then chốt của văn hóa trong chiến lược phát triển bền vững đất nước, đồng thời đề xuất các định hướng chính sách nhằm thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này thông qua công cụ thuế.

Khơi thông dòng vốn xã hội cho phát triển văn hóa thông qua chính sách thuế - ảnh 1
Đại biểu Bùi Hoài Sơn góp ý cho dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này không chỉ đơn thuần là một điều chỉnh về mặt kinh tế, mà còn là cơ hội để thể chế hóa các quan điểm lớn của Đảng về thúc đẩy phát triển các lĩnh vực nền tảng, trong đó có văn hóa – yếu tố được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội và là nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững.

Doanh nghiệp đồng hành cùng văn hóa – tạo động lực từ chính sách thuế

Theo đánh giá của đại biểu, Dự thảo Luật đã có bước tiến đáng ghi nhận khi thể hiện sự quan tâm đến văn hóa thông qua hệ thống các quy định miễn, giảm và ưu đãi thuế.

Cụ thể, các khoản tài trợ cho giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và hoạt động xã hội được xác định là thu nhập được miễn thuế, đồng thời có thể tính là chi phí hợp lý nếu đáp ứng điều kiện minh bạch về chứng từ.

Đây là tín hiệu tích cực, tạo thêm động lực để doanh nghiệp chung tay với Nhà nước trong chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật như “Đẹp Việt”, “Làng nghề Việt”, chuỗi concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Chị đẹp đạp gió”, "Anh trai say hi"... do các doanh nghiệp tư nhân tổ chức đã tạo nên những làn sóng văn hóa mới, góp phần làm sống lại các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhà tổ chức lo ngại về thủ tục thuế phức tạp, dẫn đến việc hạn chế tài trợ cho văn hóa do quy định chưa đủ rõ ràng.

Việc Dự thảo khẳng định tài trợ cho văn hóa là khoản chi hợp lý, có thể khấu trừ thuế nếu đáp ứng điều kiện, được đánh giá là động thái đúng lúc. Điều này không chỉ phù hợp về mặt kỹ thuật thuế, mà còn thể hiện tính nhất quán trong chính sách, khơi thông dòng vốn xã hội để đầu tư vào văn hóa – nhất là trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế.

Dự thảo cũng dành nhiều ưu đãi cho các tổ chức thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận hoặc hoạt động tại các địa bàn khó khăn.

Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa tư nhân – những đơn vị đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch – có thêm nguồn lực để duy trì và phát triển.

Khơi thông dòng vốn xã hội cho phát triển văn hóa thông qua chính sách thuế - ảnh 2
Toàn cảnh phiên họp

Cần hoàn thiện khung pháp lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong văn hóa

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng các quy định miễn thuế cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là rất cần thiết. Việc số hóa di sản, xây dựng nền tảng biểu diễn trực tuyến, phát triển sản phẩm văn hóa số... là xu hướng tất yếu.

Những dự án như “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục dựng Hát Xẩm, Ca trù... đã cho thấy nhu cầu cấp thiết về tài chính cho đổi mới sáng tạo.

Nếu các tổ chức, doanh nghiệp được miễn thuế cho những hoạt động này, như trong Dự thảo đề xuất, thì sẽ tạo ra cú hích quan trọng cho đầu tư dài hạn.

Dù đánh giá tích cực về những bước tiến trong Dự thảo, đại biểu cũng lưu ý rằng để chính sách phát huy hiệu quả, cần có hướng dẫn thi hành cụ thể, rõ ràng – đặc biệt về tiêu chí xác định hoạt động văn hóa được miễn thuế và điều kiện chứng từ tài trợ.

Một số lĩnh vực văn hóa mới như trò chơi điện tử nghệ thuật, âm nhạc số, sáng tạo nội dung trên nền tảng xuyên biên giới... vẫn chưa được xác định rõ ràng trong hệ thống ngành nghề ưu đãi.

Vì vậy, đại biểu đề xuất mở rộng khái niệm “ngành văn hóa” trong Luật và các văn bản hướng dẫn theo hướng bao trùm các ngành công nghiệp văn hóa hiện đại, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng đóng góp lớn cho nền kinh tế tri thức.

Một vấn đề khác được đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh là phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo – với quy mô vốn không lớn nhưng giàu ý tưởng và năng lực đổi mới.

Nếu chỉ áp dụng ưu đãi thuế cho các dự án quy mô lớn, có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, thì sẽ vô hình trung bỏ quên những "hạt giống sáng tạo" – những nhân tố có thể trở thành thương hiệu văn hóa quốc gia trong tương lai.

Với tinh thần lấy văn hóa làm nền tảng phát triển bền vững, những ý kiến đóng góp của đại biểu Bùi Hoài Sơn tại nghị trường không chỉ là đề xuất về chính sách thuế, mà còn là gợi mở cho một chiến lược phát triển văn hóa dài hạn, trong đó nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành vì một nền văn hóa phong phú, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc.