Việt Nam và Liên bang Nga:
Hợp tác và chia sẻ để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
VHO - "Hy vọng sau chương trình hôm nay khách du lịch Nga sẽ đến Việt Nam nhiều hơn và ngược lại khách du lịch Việt Nam đến Nga cũng sẽ tăng lên đáng kể", Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và mong muốn các bên sẽ cùng bắt tay đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, chia sẻ khó khăn, thuận lợi để đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn.
Tối 3.7 (giờ Moskva), tại Moskva, Liên bang Nga, trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Liên bang Nga. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự chương trình.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam - Liên Bang Nga nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam ngày 20.6 vừa qua đã nhấn mạnh đến vấn đề thúc đẩy hợp tác, phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Để cụ thể hóa tuyên bố chung này, Bộ VHTTDL Việt Nam đã có chuyến công tác tại Liên bang Nga từ 1 đến 7.7.2024 với rất nhiều các hoạt động. Trong đó, vừa tổ chức các hoạt động văn hóa, quảng bá xúc tiến du lịch và đồng thời cũng ký các cam kết, biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực thể thao với Liên bang Nga.
Và tại chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Liên bang Nga lần này, những người làm du lịch có dịp nhìn lại kết quả hợp tác du lịch giữa hai nước trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp du lịch Liên bang Nga để giới thiệu điểm đến.
Chương trình cũng giúp các doanh nghiệp du lịch có những bước hoạch định chính sách quan trọng để đặt ra mục tiêu cao nhất là đưa ngày càng nhiều hơn khách du lịch Nga đến Việt Nam và ngược lại cũng đưa du khách Việt Nam đến với nước Nga vĩ đại.
Bày tỏ ấn tượng với những nỗ lực phát triển kinh tế của Liên bang Nga, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận thấy nhu cầu đi du lịch của người Nga, đặc biệt là đến các nước thuộc châu Á như Việt Nam là lớn. Trong đó, du khách Nga đặc biệt yêu thích loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch sinh thái ven biển.
Bộ trưởng hy vọng sau chương trình xúc tiến, khách du lịch Nga sẽ đến Việt Nam nhiều hơn và ngược lại khách du lịch Việt Nam đến Nga cũng sẽ tăng lên đáng kể
Đặt vấn đề vì sao số lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam vẫn khiêm tốn so với kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng một trong những nguyên nhân là do hạn chế trong việc di chuyển bằng hàng không.
"Hàng không và du lịch giống như đôi cánh của một chú chim, nếu thiếu đi một bên thì chắc chắn không thể bay lên được", Bộ trưởng nói.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục du lịch Quốc gia tiếp tục tham mưu Bộ VHTTDL để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xác lập lại các đường bay đã có, nhất là các đường bay thẳng từ Nga sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong lúc chờ chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính toán để kết nối và khai thác đường bay từ Moskva về TP.HCM, tối ưu hóa về mặt vận chuyển để khi người Nga đến TP.HCM có thể đến ngay các địa phương khác thì chắc chắn khách du lịch Nga sẽ đến Việt Nam đông hơn và ngược lại, khách Việt Nam sẽ có thể sang Nga thuận lợi hơn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, du lịch phải bắt đầu từ văn hóa và từ sản phẩm văn hóa để kiến tạo ra sản phẩm du lịch. Qua đó giúp nhân dân hai nước hiểu nhau hơn để đoàn kết cùng hợp tác và phát triển.
"Hy vọng sau chương trình hôm nay khách du lịch Nga sẽ đến Việt Nam nhiều hơn và ngược lại khách du lịch Việt Nam đến Nga cũng sẽ tăng lên đáng kể", Bộ trưởng nói và mong muốn các bên sẽ cùng bắt tay đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, chia sẻ khó khăn, thuận lợi để đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, trong những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã và đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch. Liên bang Nga luôn là một trong những thị trường nguồn hàng đầu về lượng khách du lịch tới Việt Nam.
Hiện nay, ngày càng có nhiều khách du lịch Liên bang Nga lựa chọn Việt Nam là điểm đến để khám phá một đất nước có bề dày lịch sử, có nền văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc và là một điểm đến hấp dẫn, an toàn với nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Năm 2019, số khách du lịch Nga đến Việt Nam đạt 650 nghìn lượt người, đứng thứ 6 trong những thì trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, trong 5 tháng đầu năm 2024, số du khách Nga đến Việt Nam đạt 95 nghìn lượt, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, để ngành Du lịch ngày càng phát triển, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hiểu rõ vai trò tích cực của việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý du lịch quốc gia, chính quyền địa phương, cơ quan đại diện ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước; ý thức được tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp du lịch hai nước tiếp xúc, trao đổi, đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, phối hợp nghiên cứu, xây dựng các chương trình du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo, thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa hai quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam bày tỏ hy vọng, những hoạt động xúc tiến của du lịch Việt Nam trong thời gian qua và Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Liên bang Nga lần này là dịp tốt để các bạn Nga hiểu thêm về đất nước, con người, văn hoá, du lịch Việt Nam và hình ảnh Việt Nam sẽ được giới thiệu tới nhân dân Liên bang Nga.
Việt Nam là đất nước hòa bình, ổn định với nền kinh tế đang phát triển trong xu thế đổi mới, hội nhập ngày càng sâu, rộng trong khu vực và quốc tế, là điểm đến du lịch hấp dẫn với sự phong phú, đa dạng của các hệ sinh thái biển, đảo, sông, hồ, núi, rừng, hang động và nhiều danh lam thắng cảnh.
Lãnh thổ Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương, vừa gắn liền với lục địa, vừa thông rộng với đại dương đã tạo nên vị trí giao thương thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và đường không.
Truyền thống văn hóa Việt Nam đậm đà, giàu bản sắc và phong phú bởi những hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn độc đáo của du lịch Việt Nam, vì vậy nhiều du khách khắp bốn phương ngày càng muốn tới Việt Nam để khám phá, trải nghiệm.
"Du lịch Việt Nam luôn mở rộng vòng tay chào đón các bạn và sẽ cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch có chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của các bạn. Đồng thời, chúng tôi cũng dành những điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành Việt Nam và Liên bang Nga hợp tác kinh doanh hiệu quả", ông Nguyễn Lê Phúc khẳng định.
Tại chương trình, ông Trần Phong Bình, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã giới thiệu với các đại biểu có mặt về tình hình thực tiễn du lịch Việt Nam, những tiềm năng, lợi thế của du lịch Việt Nam.
Theo ông Trần Phong Bình, với lợi thế về điều kiện khí hậu, thiên nhiên, nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và đặc sắc; mối quan hệ hữu nghị gắn bó nhiều năm trong lịch sử; thuận tiện về đường bay, thủ tục nhập cảnh, visa thuận tiện, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút du khách Nga.
Trong những năm vừa qua, lượng du khách Nga đến Việt Nam tăng mạnh mẽ. Năm 2005, Việt Nam mới chỉ đón 23.800 lượt khách, nhưng đến năm 2013 con số này đã đạt khoảng 298.126 lượt khách và tiếp tục tăng lên đạt tới 646.524 lượt khách năm 2019.
Với sự tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ trọng tăng cao và có mức chi trả cao của nguồn khách từ thị trường này, Nga được xác định là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều công ty lữ hành, các khu nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam.
Tại chương trình, đại diện các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch của Liên bang Nga cũng trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến phát triển du lịch hai nước.