Gỡ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

VHO - Khi xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), một trong những vấn đề tranh luận nhiều nhất là quản lý phim trên không gian mạng. Đây là một vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ.

Nhiều người cho rằng, do ảnh hưởng quan trọng và ngày càng tăng từ phim trên không gian mạng đối với người sử dụng nên chúng ta cần có chế tài mạnh mẽ hơn với thể loại nghệ thuật này, đặc biệt là cần tiền kiểm đối với phim trên không gian mạng để tránh việc để lọt những bộ phim có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống, thậm chí là những vấn đề nghiêm trọng khác như chủ quyền quốc gia. 

 Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, trong xu thế hiện nay và để phù hợp với quyền tự do sáng tạo nên tạo điều kiện tối đa để cho mọi người có thể thể hiện sự sáng tạo của mình cho sản xuất phim trên không gian mạng, từ việc tạo ra hiệu ứng trăm hoa đua nở sẽ thúc đẩy sự phát triển của phim trên mạng nói riêng, nghệ thuật trên không gian mạng nói chung. Tất nhiên, mỗi quan điểm đều có yếu tố hợp lý riêng. Quan điểm ủng hộ chế tài mạnh mẽ và tiền kiểm phim trên không gian mạng có cơ sở ở nhu cầu bảo vệ các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và an ninh quốc gia. Trong bối cảnh phim trên không gian mạng ngày càng phổ biến và có sức ảnh hưởng sâu rộng, những nội dung tiêu cực nếu không được kiểm soát có thể gây hại đến nhận thức và lối sống, đặc biệt đối với giới trẻ. 

Tiền kiểm cũng được coi là một cách hữu hiệu để ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung có thể đe dọa đến chủ quyền quốc gia hay kích động bạo lực, chia rẽ xã hội. Tuy nhiên, quan điểm ủng hộ tự do sáng tạo và khuyến khích một môi trường mở lại nhấn mạnh vào sự cần thiết của sự phát triển và đa dạng hóa nghệ thuật trong không gian mạng.

Trong xu hướng toàn cầu, việc cho phép nghệ sĩ và các nhà sáng tạo được tự do thể hiện ý tưởng của mình giúp thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo không giới hạn, từ đó có thể mang lại những giá trị mới mẻ và hấp dẫn cho nghệ thuật điện ảnh. Tự do sáng tạo sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều tài năng mới được thể hiện, và đây là yếu tố cốt lõi để nền điện ảnh phát triển phong phú và bền vững. Quan điểm này cũng phù hợp với quyền tự do biểu đạt, một trong những giá trị phổ quát quan trọng của xã hội hiện đại.

Hơn thế, hiện nay chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực, cả con người, kỹ thuật, hạ tầng để thực hiện tốt được nhiệm vụ tiền kiểm này. Do đó, yếu tố hợp lý của hai quan điểm thể hiện qua sự cần thiết của việc quản lý có chọn lọc để vừa đảm bảo một không gian sáng tạo phong phú, vừa bảo vệ cộng đồng khỏi những nội dung tiêu cực. Một hệ thống quản lý linh hoạt, kết hợp giữa tiền kiểm với cơ chế hậu kiểm mạnh mẽ và hiệu quả có thể là giải pháp để đạt được sự cân bằng giữa các lợi ích này. 

Để dung hòa hai quan điểm về quản lý phim trên mạng, cơ quan dự thảo và thẩm tra Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có một cách tiếp cận linh hoạt, cân bằng giữa sự tự do sáng tạo và bảo vệ các giá trị văn hóa, xã hội thể hiện rõ ở Điều 21 về phổ biến phim trên không gian mạng, để tránh tình trạng “không quản được thì cấm” rất không phù hợp với các nội dung trên không gian mạng.

Theo tinh thần đó, để việc kiểm soát phim trên không gian mạng không trở thành rào cản đối với sáng tạo, Luật quy định các nền tảng xuyên biên giới phải phát triển hệ thống cảnh báo và phân loại độ tuổi cho khán giả giúp người xem nhận biết rõ hơn trước khi chọn phim, vừa bảo vệ công chúng, đặc biệt là giới trẻ, khỏi nội dung không phù hợp, vừa hỗ trợ các nhà sáng tạo tự do thể hiện mà vẫn có không gian bảo vệ riêng cho sản phẩm của mình. 

Ngoài ra, Luật đề nghị Chính phủ xây dựng các tiêu chí đánh giá nội dung rõ ràng và minh bạch, giúp người làm phim dễ dàng tuân thủ mà không sợ gặp phải những hiểu nhầm hoặc hạn chế vô lý. Song song đó, quy định các nền tảng trực tuyến chủ động kiểm soát nội dung bằng công nghệ lọc tự động cũng là một bước đi quan trọng.

Việc này sẽ chia sẻ trách nhiệm giữa các nền tảng và cơ quan quản lý, đồng thời giảm áp lực kiểm duyệt từ nhà nước. Để tăng cường ý thức của cả người sáng tạo và khán giả, việc ban hành bộ quy tắc đạo đức là cần thiết. Bộ quy tắc này sẽ định hướng trách nhiệm xây dựng nội dung văn hóa tích cực cho người sáng tạo và nâng cao ý thức chọn lọc nội dung của khán giả trong môi trường mạng ngày càng phức tạp. 

Bên cạnh đó, Luật đề nghị Chính phủ cải tiến hệ thống xử phạt và nâng cao năng lực quản lý sẽ giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý khi có vi phạm. Sự minh bạch và hiệu quả của hệ thống này vừa có tính răn đe, vừa giúp bảo vệ môi trường sáng tạo an toàn và văn minh, nơi văn hóa, nghệ thuật có thể phát triển bền vững và lan tỏa sâu rộng. Cách tiếp cận kết hợp này không chỉ thúc đẩy tự do sáng tạo mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập số, tạo điều kiện để nghệ thuật phát triển nhưng vẫn có nền tảng vững chắc từ các giá trị truyền thống. 

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Dỡ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, chuyển dần từ “tiền kiểm sang hậu kiểm” trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam không chỉ là một thay đổi trong cách quản lý mà còn là ngọn lửa thúc đẩy sự hồi sinh của sáng tạo và bản sắc.

Với một tư duy cởi mở, không còn bó hẹp, văn hóa Việt Nam như được tiếp thêm sức sống để bay cao, bay xa hơn, hòa nhịp vào dòng chảy của thời đại mà không đánh mất mình. Khi không còn rào cản của những lệnh cấm, những người sáng tạo, từ nghệ sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn đến các nhà thiết kế và những tâm hồn nghệ thuật, được tự do thể hiện những ý tưởng táo bạo, độc đáo của mình. Đây là cơ hội để văn hóa Việt Nam có thể tái hiện và phát triển theo cách phong phú nhất, rực rỡ nhất. Mỗi tác phẩm sẽ không còn bị che phủ bởi nỗi lo hạn chế mà thay vào đó là không gian để tỏa sáng và được đón nhận. 

Đặc biệt, tư duy mới này còn mở ra cánh cửa cho các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn có cơ hội vươn mình mạnh mẽ hơn. Các lĩnh vực này sẽ không chỉ đóng góp cho nền kinh tế, mà còn là những sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chặt kết nối con người, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc trong mỗi người Việt.

Khi văn hóa Việt Nam được làm giàu bằng những sắc màu mới, chúng ta không chỉ giữ được cái hồn của văn hóa mà còn làm sống lại những giá trị đang dần phai nhạt theo năm tháng. Tư duy “không quản được thì cấm” được dỡ bỏ cũng là cách tôn vinh và bảo vệ sự đa dạng văn hóa của đất nước. Bằng cách này, tiếng nói của các nhóm xã hội khác nhau được lắng nghe, được trân trọng và phát huy, giúp nền văn hóa Việt Nam trở nên đầy màu sắc và gắn kết hơn. Một xã hội mà mỗi giá trị, mỗi sắc thái văn hóa đều được coi trọng sẽ là nền tảng cho tinh thần đại đoàn kết và phát triển bền vững. 

Đối với công chúng hiện đại, việc thoát khỏi cách quản lý cấm đoán mang đến không gian văn hóa rộng mở hơn, phong phú hơn, đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao. Mọi người có thể tiếp cận các sản phẩm văn hóa đa dạng, từ đó nuôi dưỡng và làm giàu đời sống tinh thần, nâng cao nhận thức và sự tự hào dân tộc. Hơn hết, một nền văn hóa cởi mở sẽ đưa Việt Nam tiến gần hơn tới bạn bè quốc tế, thể hiện rằng chúng ta không chỉ hội nhập về kinh tế mà còn sẵn sàng chào đón những luồng gió mới trong văn hóa. Đây là điều kiện lý tưởng để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, mang đến niềm tự hào không chỉ cho hôm nay mà còn cho những thế hệ mai sau.