Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý III năm 2024:
Giải đáp nhiều vấn đề dư luận, báo chí quan tâm
VHO - Chiều 3.10, Bộ VHTTDL tổ chức họp báo thường kỳ Quý III năm 2024. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì cuộc họp.
Cùng tham dự có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Nhiều vấn đề đã được đặt ra và giải đáp như cấp phép phim Việt Nam tham dự LHP quốc tế; đấu thầu phim Nhà nước đặt hàng; số hóa dữ liệu lễ hội; siết quản lý hành vi, trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong quảng cáo…
Đấu thầu phim Nhà nước đặt hàng còn nhiều cái khó
Quản lý điện ảnh là một trong những vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm. Về nội dung cấp phép phim Việt Nam tham dự các LHP quốc tế, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Luật Điện ảnh năm 2022 quy định các phim Việt Nam khi tham dự các LHP quốc tế đều phải được cấp giấy phép phân loại phim.
Phim vi phạm Luật sẽ được Cục Điện ảnh thông báo tới Thanh tra Bộ và ĐSQ Việt Nam tại quốc gia diễn ra LHP để dừng việc công chiếu bộ phim.
Tuy nhiên, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, trên thực tế có trường hợp thời gian tổ chức LHP và thời gian hoàn thành bộ phim có khoảng cách rất ngắn. Các nhà sản xuất sau khi hoàn thành phim đã đăng ký ngay với các LHP quốc tế để được đưa phim vào danh sách tham dự, song song là việc tiếp tục xin giấy phép phổ biến tại Cục Điện ảnh.
“Không có giấy phép này phim sẽ không được chiếu chính thức tại các chương trình của LHP. Theo hồ sơ của Cục, thời gian qua việc cấp giấy phép cho phim Việt Nam tham dự LHP quốc tế không có trường hợp không có giấy phép”, ông Thành khẳng định.
Chia sẻ với báo chí về những khó khăn trong việc đấu thầu phim Nhà nước đặt hàng, nhìn từ trường hợp phim “Bà già đi bụi” vừa công chiếu, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh, bộ phim nhận được sự đánh giá và hiệu ứng tích cực từ báo chí và giới nghề. Nhưng về hoạt động đấu thầu đối với phim Nhà nước đặt hàng, từ trường hợp bộ phim này thì còn có nhiều khó khăn.
“Theo Luật Điện ảnh, những đề tài được Nhà nước đặt hàng gồm các nội dung về lãnh tụ, lịch sử, cách mạng, miền núi dân tộc và thiếu nhi. Ngoài ra, những đề tài về gia đình (như phim Bà già đi bụi), giữ gìn bản sắc văn hóa… thì phải tiến hành đấu thầu.
Điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, đấu thầu đương nhiên có bất cập, nhất là khi các yếu tố về kịch bản và đơn vị sản xuất bao giờ cũng đi liền với nhau.
Không thể đưa kịch bản của một đơn vị sản xuất mang đi đấu thầu và giao cho một đơn vị khác để sản xuất được, trừ khi Nhà nước sở hữu một ngân hàng kịch bản điện ảnh…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.
Theo ông Thành, thành công của “Bà già đi bụi” là một động lực cho đội ngũ điện ảnh phía Bắc, cũng là một “an ủi” đối với Cục Điện ảnh trước hàng loạt vấn đề đặt ra khi phải trải qua một quy trình đấu thầu rất nhọc nhằn.
“Về phát hành, cũng như các phim Nhà nước đặt hàng khác, "Bà già đi bụi" sẽ được đưa vào các chương trình chiếu phim, Tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và gửi các địa phương để chiếu miễn phí để phục vụ nhân dân.
Cơ hội đưa phim ra rạp, chiếu có doanh thu như Đào, phở và piano là rất thấp và gần như là không có…”, theo Cục trưởng Vi Kiến Thành.
“Siết” quản lý hành vi quảng cáo của nghệ sĩ, người nổi tiếng
Về vấn đề “siết” quản lý hành vi, trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo, đây là một nội dung được đặc biệt quan tâm.
“Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về yêu cầu nội dung quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, chính xác đối với các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người”, bà Hương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, dự thảo Luật nhấn mạnh vai trò của Bộ TTTT. Một trong những giải pháp khắc phục hiện trạng bất cập nói trên là quy định vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
“Khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng được đưa vào phù hợp với Luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó bao gồm các đối tượng như văn nghệ sĩ , người nổi tiếng và quy định rõ những đối tượng này phải có sự ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi khi quảng cáo. Đặc biệt, phải đảm bảo tính trung thực, chính xác về sản phẩm hàng hóa quảng cáo…”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Về Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, đề án nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và người dân trong hoạt động lễ hội.
Theo đó, việc triển khai đề án nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử; 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống được số hóa, đảm bảo chất lượng.
Việc đẩy mạnh số hóa lễ hội truyền thống song song với triển khai mạnh mẽ Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức trong các mùa lễ hội.
Liên quan đến nội dung về Nghị định văn học, Q.Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, Cục đang triển khai các công việc theo đúng quy định để trình hồ sơ lập Nghị định về văn học.
Bà Trần Ly Ly cho biết, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo quyết liệt về việc nghiên cứu, triển khai đối với nhiệm vụ này.
“Từ trước đến nay hoạt động văn học chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào để quản lý, vì vậy, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo để sớm có hành lang pháp lý để khuyến khích hoạt động văn học phát triển tốt nhất”, Q. Cục trưởng Trần Ly Ly nhấn mạnh.
Về lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, mặc dù vừa trải qua nhiều khó khăn do cơn bão số 3 gây ra, tuy nhiên theo những số liệu so sánh với năm 2019, thời kỳ "đỉnh cao" của du lịch Việt Nam, trước thời điểm xảy ra dịch Covid- 19, sẽ thấy có nhiều tín hiệu tích cực.
Cụ thể, tháng 8. 2024, du lịch Việt Nam đã vượt so với cùng thời điểm năm 2019 là 17% về lượng khách quốc tế. Từng tháng trước đó, Cục Du lịch quốc gia cũng đã có sự so sánh rất kỹ. Thêm nữa, những tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam.
"Dựa trên nhưng yếu tố trên có thể thấy mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 là có thể thực hiện được", ông Nguyễn Lê Phúc nói.
Đối với dòng khách Ấn Độ, một trong những thị trường đang nổi lên gần đây với những đoàn khách lớn, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia cho biết, Ấn Độ hiện đã trở thành một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam.
Những đoàn khách lớn, nhiều đám cưới xa hoa của giới thượng lưu Ấn Độ đã chọn tổ chức tại các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam...
Để đón đầu thị trường lớn này, Bộ VHTTDL đã tổ chức các hoạt động xúc tiến với thị trường Ấn Độ thông qua các hội chợ du lịch quốc tế, các diễn đàn du lịch...
Một số đường bay thẳng đến Ấn Độ được mở rộng, ngành du lịch cũng nghiên cứu kỹ hành vi, sở thích, cũng như thói quen tiêu dùng của du khách Ấn Độ để xây dựng những sản phẩm du lịch cao cấp đặc thù, phù hợp.
Tháng 10.2024, dự kiến một diễn đàn xúc tiến du lịch quy mô lớn tại Ấn Độ sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch địa phương...
Tăng tốc, sáng tạo, về đích
Phó Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Hữu Ngọc nhấn mạnh, thực hiện chủ đề công tác: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, bức tranh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 đã có nhiều chuyển biến. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện.
Đặc biệt, về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, kiên trì, quyết liệt thực hiện phương châm đã được xác lập từ đầu nhiệm kỳ là chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa; quản lý Nhà nước thông qua công cụ pháp luật và bằng pháp luật, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Bộ tiếp tục triển khai đồng bộ công tác tham mưu hoàn thiện thể chế trên hầu hết các lĩnh vực.
Những dấu ấn nổi bật có thể kể đến như hoàn thiện hồ sơ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các dự thảo văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hoá (sửa đổi); hồ sơ dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV…
“Nhiều dấu ấn quan trọng đã được khẳng định trong các lĩnh vực quản lý của ngành, với các sự kiện có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng được tổ chức, từ đó làm mẫu, làm điểm để nhân rộng…”, ông Nguyễn Hữu Ngọc nhấn mạnh.
Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Danh Hoàng Việt bày tỏ sự cảm ơn, đồng hành của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đối với các lĩnh vực hoạt động của Bộ VHTTDL trong thời gian qua.
Ông Việt nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm và thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả 06 nhóm nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030…
“Với phương châm “Tăng tốc, sáng tạo, về đích”, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024. Trong hành trình đó, sự đồng hành, quan tâm của báo chí, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng”, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Danh Hoàng Việt khẳng định.
Nhiều quy định mới tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Nội dung Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)có nhiều vấn đề được báo chí bày tỏ sự quan tâm tại cuộc họp báo.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6.2024). Sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến, chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cơ quan thẩm tra Dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8.2024) và đang tiếp thu chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tháng 11.2024.
Việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật được tiến hành thận trọng, kĩ lưỡng, đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm tính minh bạch, khả thi và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nội luật hóa bảo đảm phù hợp các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và tại một số quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu và bảo tàng,