Sắp xếp lại để phát triển mạnh mẽ hơn:
Đồng thuận từ ý Đảng, lòng dân
VHO - Ngày 10.7, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội các tháng 4, 5 và 6.2025.
Báo cáo do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga trình bày khẳng định: cử tri và nhân dân trên cả nước bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.

Từ đầu nhiệm kỳ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã kiên quyết đẩy mạnh cải cách, trong đó có việc khẩn trương củng cố điều kiện hoạt động cho hệ thống chính quyền cấp xã mới.
Khi đồng loạt tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định về sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã vào sáng 30.6.2025, đất nước đã chứng kiến một sự kiện chính trị mang dấu mốc lịch sử: “giang sơn được sắp xếp lại” không chỉ gọn hơn mà còn mở ra dư địa phát triển bứt phá.
Theo phản ánh của bà Lê Thị Nga, cử tri đánh giá cao quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc kiện toàn bộ máy, xem đó là kết quả của sự đồng thuận sâu rộng giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Lộ trình sắp xếp không đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính mà còn hàm chứa thông điệp đổi mới, đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia.
Cử tri cũng đặc biệt quan tâm việc triển khai bốn Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, coi đây là những trụ cột thúc đẩy cải cách sâu rộng.
Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua được nhân dân nhận định là “đòn bẩy” để mở rộng cơ hội hợp tác, lan tỏa hình ảnh Việt Nam thủy chung, nghĩa tình, trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, từ đó tạo thêm “trợ lực” để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV kết thúc thành công với nhiều nghị quyết quan trọng trên mọi lĩnh vực cũng được cử tri đánh giá cao.
Dư luận kỳ vọng những quyết sách đột phá của Quốc hội sẽ “mở đường” cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng; qua đó góp phần ổn định đời sống, nâng cao phúc lợi nhân dân.
Tuy nhiên, trong các cuộc tiếp xúc, cử tri và nhân dân vẫn bày tỏ lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường; nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm; tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu với mưa lớn, sạt lở, lũ quét; giá bán lẻ điện điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất, sinh hoạt đội lên; cháy nổ diễn biến phức tạp; đuối nước gia tăng khi vào mùa hè; vướng mắc pháp lý trong xác định nghĩa vụ tài chính đất đai khi chia tách thửa, công nhận đất ở.
Đây là những vấn đề người dân mong các bộ, ngành sớm có giải pháp căn cơ, kịp thời.

Về công tác tiếp nhận và xử lý kiến nghị, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã tổng hợp 998 kiến nghị của cử tri trước kỳ họp và chuyển đầy đủ tới cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, đã nhận được phản hồi cho 212 kiến nghị, đạt tỷ lệ 21,2%; 786 kiến nghị còn lại đang trong thời hạn giải quyết, UBTVQH sẽ tiếp tục đôn đốc, bảo đảm trả lời đúng hạn và báo cáo Quốc hội.
Tình hình khiếu nại, tố cáo trong ba tháng qua có xu hướng tăng, nhất là giai đoạn diễn ra Kỳ họp thứ 9. Dù vậy, hiện tượng tụ tập đông người gây mất trật tự đã giảm rõ rệt.
Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và 18 Tổ công tác địa phương để tiếp, đối thoại 467 công dân, vận động trở về địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Triển khai kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về xử lý khiếu nại, tố cáo kéo dài tại Hà Nội, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã cùng Thanh tra Chính phủ rà soát 226 vụ việc phức tạp, kéo dài, nhằm tháo gỡ ngay “điểm nghẽn” ở cơ sở.
Trên cơ sở thực tiễn tiếp xúc, Thường trực Ủy ban kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành siết chặt quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả; đồng thời quy trách nhiệm cụ thể đối với cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm hậu kiểm.
Có thể nói, bức tranh dân nguyện quý II.2025 là sự hòa quyện giữa niềm phấn khởi trước đổi mới thể chế và nỗi trăn trở về những mặt trái của thị trường, thiên tai, biến đổi khí hậu.
Từ tiếng nói cử tri, Quốc hội và Chính phủ sẽ có thêm dữ liệu thực tiễn để ban hành chính sách, pháp luật sát dân, hợp lòng dân – đúng tinh thần “giang sơn sắp xếp lại phải phục vụ phát triển mạnh mẽ hơn”.