Dấu ấn ngoại giao văn hóa trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

VHO - Từ ngày 27 – 30.11.2023 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và lần thứ tư Chủ tịch nước Việt Nam thăm Nhật Bản kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao và chín năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng. Trong 4 ngày tại Nhật Bản, Chủ tịch nước đã có gần 40 hoạt động hiệu quả với các lãnh đạo, quan chức Nhật Bản và các địa phương, góp phần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương trong thời gian tới giữa hai nước.

Dấu ấn ngoại giao văn hóa trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng - Anh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản

Chủ tịch nước đã dự lễ đón chính thức do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chủ trì tại Tokyo và sau đó cùng hội đàm, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác và gặp mặt báo chí. Đặc biệt trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản đã cùng ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan  hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. Cũng trong chuyến thăm, Chủ tịch nước và phu nhân đã hội kiến Nhà vua Nhật Bản Naruhito và Hoàng hậu. Người đứng đầu Nhà nước cũng có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Nhật Bản, cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất ở châu Á; hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là chuyến thăm có ý nghĩa và là dấu ấn hết sức quan trọng, thể hiện mối quan hệ phát triển tốt đẹp ở mức độ cao giữa Việt  Nam - Nhật Bản, có thể khái quát lại là “ý nghĩa quan trọng, thành quả toàn diện, nội dung thực chất, chương trình phong phú”. Đặc biệt, có thể nói, bên cạnh những thành công trên phương diện ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, dấu ấn của ngoại giao văn hóa là điểm nhấn nổi bật trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa qua. Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ “phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Ngoại giao văn hóa là một hoạt động quan trọng của công tác đối ngoại với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc  tế. Ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện  đại. Trong đó, ngoại giao chính trị có vai trò xác định mục tiêu, định hướng cho ngoại giao văn hóa. Ngoại giao kinh tế là nền tảng vật chất, tạo nguồn lực để  thúc đẩy ngoại giao văn hóa. Ở chiều ngược lại, ngoại giao văn hóa chuyển tải các giá trị văn hóa, bản sắc, hòa hiếu, nhân văn vào ngoại giao chính trị, từ đó góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, địa phương, phục vụ phát triển đất nước, khơi dậy tình cảm gắn bó, hướng về quê hương đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

Ngoại giao văn hóa là các hoạt động ngoại giao gắn liền với văn hóa, theo đó, văn hóa được sử dụng như một đối tượng và phương tiện nhằm thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại, để đạt được các mục tiêu, lợi ích cơ bản của quốc gia liên quan đến an ninh, phát triển và mở rộng ảnh hưởng, đồng thời xây dựng bản sắc ngoại giao của quốc gia. Có thể nói, các hoạt động ngoại giao văn hóa của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Nhật Bản vừa qua đã thể hiện rõ nét chủ trương đổi mới trong tư duy đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta khi xác định được tầm quan trọng của nội dung văn hóa trong hoạt động ngoại giao, đồng thời bao trùm tất cả những nhiệm vụ cụ thể mà ngoại giao văn hóa Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới. Đó là: Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ, lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, khu vực, các tổ chức quốc tế; Hội nhập chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; Quảng bá và lan tỏa hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; Vận động, bảo vệ và phát huy các di sản Việt Nam được quốc tế công nhận; Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. 

Dấu ấn ngoại giao văn hóa trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng - Anh 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng Hoàng Thái tử Akishino và Công nương dự chương trình hòa nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản

Bài phát biểu “từ trái tim đến trái tim” 

Điểm nhấn của chuyến thăm Nhật Bản vừa qua chắc chắn là sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Nhật Bản. Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp của mình với đất nước Nhật Bản trong lần đầu tiên đến thăm gần 30 năm trước với hình ảnh hoa anh đào, những vần thơ Haiku sâu lắng, tinh thần kiên cường, thượng võ của những chiến binh Samurai cùng con người Nhật Bản mến khách, thân tình. Tiếp đến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định mối “lương duyên trời  định” của hai dân tộc “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” và cho rằng chính sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người và truyền thống giao lưu bền chặt giữa nhân dân hai nước hàng nghìn năm qua là chất keo gắn kết tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Chủ tịch nước cũng đã điểm lại những thành tựu trong chặng đường 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và hướng tới những mục tiêu  trong tương lai với quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững”. Với những câu chuyện, ngôn ngữ, hình ảnh gần gũi, giản dị, mộc mạc, chân thành nhưng vô cùng sâu sắc, ý nghĩa, bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được dư luận đánh giá là “từ trái tim, đến trái tim, hết sức ấn tượng”. 
Với bài phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã truyền tải thông điệp tới tất cả lãnh đạo và đông đảo người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác, chia  sẻ lợi ích và cơ hội phát triển với Nhật Bản. 

Dấu ấn ngoại giao văn hóa trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng - Anh 3

Chủ tịch nước dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam và võ đạo Nhật Bản

Những nhịp cầu quảng bá và giao lưu văn hóa 

Một hoạt động quan trọng trong chuyến thăm đó là sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko, Chủ tịch Hạ viện tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Điểm nhấn của lễ kỷ niệm diễn ra vào chiều tối 28.11 tại Tokyo là chương trình hòa nhạc hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản do Bộ VHTTDL phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, với phần trình diễn của các nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng NHK Nhật Bản cùng các nghệ sĩ khách mời, qua phần chỉ huy của  Nhạc trưởng Honna Tetsuji. 
Mở đầu chương trình là tác phẩm đặc biệt Âm hưởng lời ca do Thái Thượng hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko sáng tác. Tác phẩm được một trong những nghệ sĩ piano xuất sắc của thời đại - NSND Đặng Thái Sơn của Việt Nam đệm đàn piano, nghệ sĩ Omiya Rintaro của Nhật Bản trình diễn violon, qua phần thể hiện của một giọng ca tài năng của Nhật Bản, ca sĩ Miura Daichi. Và hoa sẽ nở, ca khúc chủ đề một chương trình truyền hình của đài NHK Nhật Bản, hướng đến dự án hỗ trợ cho việc khôi phục hậu  quả của thảm họa kép động đất - sóng thần hơn 10 năm về trước cũng đã được trình diễn trong chương trình với phối khí dành riêng cho đàn Koto của Nhật Bản và dàn nhạc với sự tham gia của nghệ sĩ Endo Chiaki. 
Bên cạnh những giai điệu kinh điển của thế giới do các nghệ sĩ hai dàn nhạc biểu diễn, NSND Đặng Thái Sơn, người được mệnh danh là “nghệ sĩ được Chopin yêu mến” đã trình diễn giai điệu mượt mà của Chopin và đặc biệt đã gây xúc động với bản dân ca Việt Nam Trống cơm biểu diễn cùng dàn nhạc hai nước. Phần trình diễn này thực sự là một giai điệu khép lại đầy cảm xúc lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời mở ra một chương mới rực rỡ trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam -  Nhật Bản. Trực tiếp cảm thụ tiếng đàn mê đắm qua đôi tay điêu luyện, chứng kiến những tràng pháo tay dường như bất tận dành cho NSND Đặng Thái Sơn trong khán phòng hôm đó, có lẽ không ai trong số những người Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm giấu được niềm xúc động, tự hào. 
Một hoạt động cũng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đó là sáng ngày 28.11, Chủ tịch nước và phu nhân cùng Thống đốc thành phố Tokyo, bà Koike Yuriko và lãnh đạo một số Tập đoàn lớn của Nhật Bản đã tới thăm nhà hàng “Bánh mì Xin chào” do hai cựu lưu học sinh Việt Nam (hai anh em ruột, gốc Quảng Nam là Bùi Thanh Duy - 37 tuổi  và Bùi Thanh Tâm - 32  tuổi) thành lập từ năm 2016, đến nay đã phát  triển thành chuỗi với 15 cửa hàng trên toàn Nhật Bản.  Trong không gian ấm áp, thân tình đậm chất Việt Nam giữa lòng Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng các quan khách Nhật Bản đã thưởng thức các món ăn đặc trưng của Việt Nam  như bánh mì, mì Quảng, phở, cà phê, chè… 
Tại đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ về rất nhiều điểm tương đồng và gần gũi trong văn hóa, ẩm thực Việt  Nam - Nhật Bản. Ông khẳng định sự tinh tế trong sáng tạo, cầu kỳ trong cách chế biến và phát huy các hương vị đặc biệt trong mỗi nguyên liệu đã đưa văn hóa ẩm thực Nhật Bản đến với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Người Việt Nam nay đã rất quen thuộc  với sushi, mỳ ramen, món chiên  tempura, rượu sake… Ngược lại, người Nhật Bản luôn nhớ đến Việt Nam qua hình ảnh bánh mì, phở, gỏi cuốn, cà phê… Mối  quan hệ đặc biệt tốt đẹp giữa hai quốc gia, nhân dân hai nước được đã tạo nên từ chính những nét tương đồng này. 
Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự vui mừng khi được thưởng thức những món ăn đặc sắc của quê hương ngay tại Nhật Bản và tự hào khi ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam luôn tràn đầy nhiệt huyết, yêu nước, chịu khó học hỏi và nỗ lực để nắm bắt cơ hội phát triển tại Nhật Bản như hai nhà sáng lập thương hiệu nhà hàng "Bánh mì Xin chào". Những nỗ lực này không chỉ đơn thuần là khởi nghiệp để mưu sinh cho bản thân, tạo ra công ăn việc làm và giá trị mới trên đất nước Nhật Bản mà còn giúp quảng bá văn hóa đất nước Việt Nam cũng như gắn kết người dân hai nước đến gần nhau hơn thông qua văn hóa ẩm thực.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước và phu nhân cùng các quan khách đã dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam Việt Nam và võ đạo Nhật Bản tại Nhà thi đấu võ thuật Shiseikan, thủ đô Tokyo. Chủ tịch nước và các đại biểu đã cùng thưởng thức màn trình diễn của các võ sinh Nhật Bản và Việt Nam với các màn biểu diễn kiếm thuật, quyền thuật, đối kháng... thể hiện sức mạnh của các môn phái võ thuật và in đậm tinh thần văn hóa dân tộc đặc trưng của mỗi quốc gia. Trong không khí trang nghiêm ngập tràn tinh thần thượng võ, hồn cốt, khí phách của mỗi dân tộc bỗng như từ ngàn xưa vọng về ngập tràn tâm khảm mỗi người dự khán. 
Những ấn tượng sâu đậm từ các hoạt động giao lưu văn hóa đem lại đã thêm một lần khẳng định âm nhạc, ẩm thực hay võ thuật nói riêng, văn hóa nói chung là sợi dây kết nối vô hình xóa nhòa mọi rào cản về không gian, địa lý, ngôn ngữ để đem đến sự đồng điệu trong tâm hồn cho người dân các quốc gia, góp phần thắt chặt quan hệ và hướng tới sự giao lưu, tiếp biến nhằm làm phong phú hơn những giá trị văn hóa cho kho tàng di sản mỗi dân tộc. 

Dấu ấn ngoại giao văn hóa trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng - Anh 4

 Chủ tịch nước gặp lại các gia đình homestay Nhật Bản đã có thời gian đón tiếp thanh niên Việt Nam qua các chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam - Nhật Bản

Khẳng định truyền thống  tôn sư trọng đạo, ân tình thủy chung 

Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp mặt đại diện các thế hệ người Việt Nam tại Nhật Bản có nhiều đóng góp. Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng và tự hào về những thành tựu mà các tri thức, đại diện các giới tiêu biểu người Việt tại Nhật Bản đã đóng góp cho nước sở tại cũng như vun đắp cho quan hệ Việt  Nam - Nhật Bản, đồng thời cho rằng, những thành công đó có được nhờ tinh thần, ý chí và nghị lực bền bỉ trong bối cảnh sinh sống, học tập xa quê hương, đất nước và gặp không ít khó khăn. Những đóng góp của các trí thức tiêu biểu người Việt đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và tăng cường mối quan hệ song phương hai nước. 
Chủ tịch nước khẳng định, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm Đổi mới đất nước cũng như kết quả tốt đẹp của mối quan hệ hai nước 50 năm vừa qua có sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, nhất là các tri thức người Việt. Nhắc đến mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Chủ tịch nước cho rằng, để đạt mục tiêu đó cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người Việt Nam trên toàn cầu, trong đó có các tri thức người Việt tại Nhật Bản. 
Nhấn mạnh truyền thống của dân tộc, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng người tài, trí thức, coi đây là lực lượng then chốt, có ý nghĩa quyết định để đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, nhảy vọt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đề ra. 
Chủ tịch nước hoan nghênh các nhà khoa học đầu ngành người Việt tại các đại học Nhật Bản đã đào tạo nghiên cứu sinh, kết nối học bổng cho sinh viên Việt Nam, qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Chủ tịch nước tán thành với quan điểm cho rằng, người Việt Nam tại Nhật coi Nhật  Bản là nhà, Việt Nam là quê hương, tiếp tục nỗ lực, cố gắng cống hiến cho cộng đồng sở tại, đồng thời đóng góp cho quan hệ hai nước. 
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các bạn trẻ người Việt tại Nhật Bản tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực công tác, đóng góp cho nước sở tại và quan hệ hai nước. Chú trọng việc tạo dựng được niềm tin yêu của người Nhật, khẳng định được năng lực, trình độ,  phẩm chất của người Việt Nam tại Nhật. Đó là nền tảng chắc chắn nhất để duy trì và thúc đẩy mối quan hệ song phương. 
Mặc dù với một lịch trình bận rộn và dày đặc các hoạt động tại Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn không quên dành thời gian cho “nghĩa cũ, người xưa”. Tại cuộc gặp nghị sĩ bạn bè thân thiết, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng và xúc động gặp lại các nghị sĩ bạn bè cũ trong chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước. Ôn lại những kỉ niệm sâu sắc trong những lần gặp gỡ, giao lưu với các bạn bè Nhật  Bản. Chủ tịch nước khẳng định sự giao lưu giữa lãnh đạo trẻ, nghị sĩ trẻ và nhân dân hai nước là yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng quan hệ tin cậy và bền vững giữa hai quốc gia. 
Cảm động, bất ngờ, ấn tượng và đem lại nhiều cảm xúc nhất trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chắc chắn là cuộc gặp gỡ thân mật, cùng ăn sáng với các gia đình homestay Nhật  Bản. Đây là những gia đình nhiều năm trước từng tiếp đón các đoàn thanh niên Việt Nam qua các chương trình Giao lưu thanh niên hai nước. 
Một thực đơn đặc biệt, hết sức tinh tế với sự kết hợp những tinh hoa của ẩm thực Việt - Nhật được đích thân Chủ tịch nước lựa chọn kỹ càng dành tiếp những “người  xưa” từ nhiều miền quê Nhật Bản. Bên cạnh sự độc đáo của thực đơn, tính chất “giao thoa ẩm  thực” trong buổi tiệc còn được thể hiện ấn tượng qua sự chế biến của một đầu bếp nổi tiếng người Việt đã có nhiều năm sinh sống tại Nhật Bản. 
Các gia đình homestay Nhật Bản thực sự bất ngờ, vui mừng và xúc động khi được gặp lại người thanh niên Việt Nam thông minh, thân thiện, chăm chỉ năm xưa nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Trong không gian ấm cúng tràn ngập ân tình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các gia đình nông dân Nhật Bản - những vị khách mời đặc biệt - cùng hồi tưởng những kỷ niệm hơn 20 năm trước bên bếp lửa hồng, trên cánh đồng lúa, trong các công việc đời thường và cả trong những phút giây say mê với các điệu múa, bài ca dân gian Nhật Bản. 
Có thể nói, những hoạt động tri ân của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên xứ sở mặt trời mọc vừa qua đã chuyển tải thông điệp khẳng định truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học và coi trọng tri thức của dân tộc. Đồng thời, làm nổi bật nét đẹp của truyền thống nhân nghĩa, thủy chung, hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị của Việt Nam.

Thuật ngữ “sức mạnh mềm” và các nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa lần đầu tiên được xuất hiện chính thức trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 (22.8.2016) đã nhấn mạnh vai trò văn hóa là yếu tố then chốt của sức mạnh quốc gia. Sức mạnh mềm đó được khởi nguồn từ một nền văn hóa có hệ giá trị và giàu bản sắc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khái quát đặc trưng của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam  gắn với hình ảnh “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển;  thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Ngoại giao văn hóa, một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam thời gian qua đã thấm đẫm những tinh thần đó. Nhìn lại từ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia và thăm Tòa thánh Vatican trước đây cho đến chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có thể thấy đã định hình rõ một tư duy, một phong cách ngoại giao đậm nét văn hóa. Những dấu ấn nổi bật của ngoại giao văn hóa trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa - sức mạnh mềm của mọi thời đại - với tư cách là một thành tố quan trọng trong quan hệ quốc tế, tăng cường lòng tin, quảng bá, lan tỏa  bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tiếp thu và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của quốc gia, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước.

NGUYỄN ANH VŨ, ảnh: THỐNG NHẤT
Bài viết có sử dụng một số tư liệu của các đồng nghiệp.

Ý kiến bạn đọc