Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

HOÀNG HƯƠNG

VHO - Ngày 7.5.2024, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneve, Thụy Sỹ, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu, các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

 Phát biểu khai mạc tại Phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng đoàn Việt Nam đã bày tỏ niềm vinh dự khi Đoàn Việt Nam có mặt trong một ngày đặc biệt, ngày mà 70 năm về trước, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, tại một địa điểm đặc biệt, nơi Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương đã được kí kết cách đây cũng đúng bảy thập kỉ. Đó là các dấu mốc mang ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng giành lại độc lập và quyền tự quyết cho dân tộc, vì hòa bình, quyền con người và phát triển.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người - ảnh 1

Đoàn Việt Nam tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại phiên họp lần thứ 46 của Nhóm làm việc về Rà soát định kỳ phổ quát

 Tại Phiên đối thoại, Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Những cam kết của Việt Nam đối với quyền con người được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo đảm trên thực tiễn và đạt được những kết quả cụ thể. Đặc biệt là trong gần bốn thập kỷ Đổi mới, đã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước, và trong cuộc sống người dân Việt Nam. 

Từ một quốc gia phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, và góp phần vào duy trì an ninh lương thực trong khu vực và thế giới

Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỉ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. 

Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên Hợp Quốc xếp hạng liên tục được cải thiện. Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người

Theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, những kết quả đó là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam, và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển.”

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng cơ chế UPR và những nguyên tắc về minh bạch, khách quan, đối thoại và hợp tác của cơ chế này. Với Việt Nam, UPR không đơn giản chỉ là trách nhiệm rà soát, báo cáo. “Chúng tôi coi mỗi chu kỳ UPR là dịp để xác định các khó khăn, thách thức, lĩnh vực có thể làm tốt hơn và các hành động cụ thể nhằm biến các khuyến nghị thành những thay đổi thực chất trong cuộc sống của người dân”, ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh. 

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người - ảnh 2

Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại phiên họp lần thứ 46 của Nhóm làm việc về Rà soát định kỳ phổ quát

Phiên rà soát UPR về Việt Nam được các nước quan tâm cao với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.

Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt; đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng. Việt Nam tự tin tiếp bước trên con đường đã chọn để xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản.

Tại Phiên đối thoại, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người. Sau phiên đối thoại, ngày 10.5 Nhóm công tác về UPR của Hội đồng Nhân quyền sẽ họp để xem xét thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam, trình Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chính thức thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57.