Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

NHƯ ĐỒNG

VHO - Chiều 12.3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn kiểm tra số 1910 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn kiểm tra với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi - ảnh 1
Đoàn Kiểm tra 1910 của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn kiểm tra số 1910 và các thành viên Đoàn kiểm tra.

Về phía tỉnh Quảng Ngãi có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thành công Lễ động thổ dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi trong sáng nay; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của tỉnh trên các mặt: đầu tư, du lịch, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi - ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc

Đề cập các nhiệm vụ hệ trọng, có tính lịch sử đối với sự phát triển của đất nước hiện đang được triển khai thực hiện, trong đó có chủ trương sáp nhập các tỉnh, kết thúc hoạt động của cấp huyện..., Chủ tịch Quốc hội cho biết, khối lượng công việc trong thời gian tới là rất lớn, Quốc hội dự kiến cũng sẽ khai mạc Kỳ họp thứ Chín sớm hơn, ngay đầu tháng 5 tới để kịp thời xem xét, quyết định các nhiệm vụ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, sửa đổi các Luật có liên quan.

“Nhiều công việc lịch sử phải thực hiện ngay trong năm 2025. Do đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để giành thắng lợi cao nhất, đạt tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ, việc kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các thành viên Đoàn kiểm tra và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, các cơ quan liên quan đã phối hợp hết sức tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao, bảo đảm việc kiểm tra thực chất, tiến độ nhanh, đúng các quy định của Trung ương, Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi - ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ 4 nội dung kiểm tra

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, 4 nội dung kiểm tra bao gồm: tổng kết Nghị quyết số 18, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Kết luận 121, ngày 24.1.2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết 18, gắn với việc thành lập và hoạt động của các đảng bộ mới.

Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14.6.2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18.1.2025 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35.

Việc quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc thực hiện Kết luận số 123-KL/TW, ngày 24.1.2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi - ảnh 4
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu

Để đảm bảo Báo cáo chính xác, khách quan, ngắn gọn, rõ trọng tâm, rõ ý, trên tinh thần khách quan, thẳng thắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Đoàn kiểm tra, nhất là những vấn đề cụ thể như: Bối cảnh thực hiện gấp, nhiều việc rất khó nhưng đã đạt được những kết quả nổi bật nào; những bài học kinh nghiệm trong việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy cán bộ gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, khắc phục từ thực tiễn thực hiện vừa qua; nhất là dự liệu những vấn đề cần giải quyết khi tới đây tiếp tục thực hiện Kết luận 127 của Bộ Chính trị.

Những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền từ Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, tổ chức có liên quan.