Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho quan hệ "hợp tác đầy đủ" Việt Mỹ

VHO - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước và sau khi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã có nhiều mối cơ duyên với nước Mỹ và người Mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho quan hệ

Mở đầu là  trải nghiệm  cuộc sống  ở nước  Mỹ và tìm  hiểu về cách mạng Mỹ từ  cuối năm 1912 đến đầu năm  1913. Thời gian Người ở Mỹ  không lâu, nhưng tại hai  thành phố cảng sầm uất là  New York và Boston, Người  vừa đi làm thuê để kiếm sống,  vừa tìm hiểu đời sống những  người lao động Mỹ, tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập  của nhân dân Mỹ, với bản  Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng  trong lịch sử. Kể từ đây cho  tới khi ra đi về cõi vĩnh hằng  năm 1969, đã có rất nhiều sự  kiện xảy ra liên quan đến mối  quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí  Minh với nước Mỹ, người Mỹ  và giới lãnh đạo nước Mỹ. 
Ngày 2.11.1944, một chiếc  máy bay Mỹ hoạt động trên  vùng trời Cao Bằng bị rơi, viên phi công nhảy dù được  lực lượng Việt Minh cứu  thoát. Tháng 2.1945, Chủ tịch  Hồ Chí Minh quyết định trực  tiếp đưa viên trung úy phi  công Mỹ tên là Sao (Shaw)  trở về Bộ Tư lệnh không quân  Mỹ ở Côn Minh, Trung Quốc. Tướng Claire L Chennault đã  tiếp Người. Trong cuộc gặp gỡ  này, người Mỹ hứa sẽ giúp đỡ  vũ khí, thuốc men, điện đài  cho Việt Nam và huấn luyện  cho người của Việt Minh biết  sử dụng các vũ khí đó.  
Giữa năm 1945, khi Hồ Chí  Minh chuyển đại bản doanh  từ Cao Bằng về Tân Trào,  Tuyên Quang, Việt Minh đã  tổ chức đón các đội OSS về  Tân Trào qua sân bay Lũng  Cò, lập Đại đội Việt Mỹ…  Tháng 8.1945, tại nơi ở và  làm việc của mình (nhà 48  Hàng Ngang, Hà Nội), Hồ  Chí Minh tiếp và mời thiếu  tá Archimedes L. A Patti  xem bản thảo lời Tuyên  ngôn Độc lập. 
Trong hai năm 1945-1946,  ngay sau Lễ Quốc khánh  2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí  Minh đã liên tiếp gửi 12 văn  bản thư, điện cho Tổng thống  và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.  Tại các văn bản này, Chủ tịch  Hồ Chí Minh hoan nghênh  Tuyên bố của Tổng thống  Mỹ, nhất là những điểm liên  quan trực tiếp tới quyền độc  lập của các dân tộc “nhược  tiểu” đang mất quyền độc lập  như Việt Nam, Philippines...,  yêu cầu nước Mỹ thực hiện  tuyên bố đó. 

Đầu tháng 10.1945, Tổng  thống Mỹ Truman đã tuyên  bố chính sách đối ngoại 12  điểm sau Chiến tranh thế giới  lần thứ 2, trong đó nêu rõ Mỹ  sẽ “không phản đối và không  giúp Pháp tái lập sự kiểm soát  ở Đông Dương”. Nhằm khai  thác điểm tích cực trong tuyên  bố của Truman, Chủ tịch Hồ  Chí Minh đã chủ trương vận  động thành lập Việt - Mỹ thân  hữu Hội, tiền thân của Hội  Việt - Mỹ hiện nay. 

Ngày 1.11.1945, trong thư  gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa  Kỳ James Byrnes, Chủ tịch Hồ  Chí Minh viết: “Nhân danh Hội  Văn hóa Việt Nam, tôi xin được  bày tỏ nguyện vọng của Hội,  được gửi một phái đoàn khoảng  50 thanh niên Việt Nam sang  Mỹ với ý định thiết lập những  mối quan hệ văn hóa thân thiết  với thanh niên Mỹ, và mặt khác  để xúc tiến việc tiếp tục nghiên  cứu về kỹ thuật, nông nghiệp  cũng như các lĩnh vực chuyên  môn khác”. 

Thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ  ngày 16.2.1946, Người viết:  “Cũng như Philippines, mục  tiêu của chúng tôi là độc lập  hoàn toàn và hợp tác toàn diện  với Hoa Kỳ”. Người còn gửi  Công hàm tới Chính phủ các  nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên  Xô và Vương quốc Anh ngày  18.2.1946, đề nghị ngăn chặn  việc quân đội Pháp xâm lược  miền Nam Việt Nam, đưa vấn  đề Đông Dương ra Liên Hợp  Quốc, trao trả độc lập cho các  nước Đông Dương. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho quan hệ

Bút tích tiếng Anh bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Bernard và ông Fenn, hai nhân viên thuộc Cục Phục vụ chiến lược (OSS) Mỹ  đã giúp lực lượng Việt Minh thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bản chụp tại Viện Hồ Chí Minh 

Ngày 12.1.1947, điện trả lời  một nhà báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh “gửi tới nhân dân  Mỹ vĩ đại tình hữu nghị tốt đẹp  nhất của nhân dân Việt Nam  và hy vọng nhân dân Mỹ sẽ ủng  hộ Việt Nam đấu tranh giành  độc lập… Việt Nam muốn giữ  mối liên hệ với nước Mỹ”.  
Ngày 2.9.1947, trong Thư gửi  Việt Mỹ ái hữu hội, Chủ tịch  Hồ Chí Minh vừa ca ngợi mối  quan hệ trong lịch sử, vừa cột  chặt trách nhiệm của nước Mỹ, Người viết: “Chúng ta không bao giờ quên sự hợp tác thân ái của các bạn người Mỹ hồi  chúng ta du kích chống Nhật, và chúng ta mong rằng sự hợp  tác đó được tiếp tục trong cuộc  tranh đấu của chúng ta chống  thực dân phản động Pháp,  giành thống nhất và độc lập.  Chúng ta mong rằng Hoa Kỳ  - nước đầu tiên đã tranh đấu  cho nền dân chủ và độc lập  quốc gia, nước đầu tiên đã ký  vào các bản hiến chương rộng  rãi của Liên Hợp Quốc, nước  đầu tiên đã công nhận nền độc  lập cho các thuộc địa, nước  đã thi hành đúng các nguyên  tắc của Washington, Lincoln,  Roosevelt sẽ giúp chúng ta trong  công cuộc tranh đấu giải phóng  hiện nay và trong công cuộc kiến  thiết xây dựng sau này”. 

Tháng 9.1947, trả lời nhà  báo S. Elie Maissie, phóng viên  Hãng tin Mỹ I.N.S, hỏi về đại  cương chính sách đối ngoại của  nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Làm bạn với tất cả  mọi nước dân chủ và không gây  thù oán với một ai”. Như vậy,  việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ  động quan hệ với Phái bộ Đồng  minh, gửi thư, điện cho Tổng  thống Mỹ, Bộ Ngoại giao, các  nước trong Hội đồng Bảo an…  để tố cáo dã tâm xâm lược của  thực dân Pháp, bày tỏ nguyện  vọng được sống trong độc lập,  tự do, tranh thủ sự đồng tình  của các lực lượng tiến bộ… đều  nằm trong khuôn khổ của mục  tiêu đối ngoại là góp phần “đưa  nước nhà đến độc lập hoàn toàn  và vĩnh viễn”, bám sát phương  châm đối ngoại độc lập, tự chủ,  tự lực, tự cường. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho quan hệ

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa Tạp chí Newsweek của Mỹ

Trong thời kỳ chống đế quốc  Mỹ xâm lược (1954-1975), bên  cạnh quyết tâm sắt đá bảo vệ  miền Bắc, giải phóng miền  Nam, thống nhất đất nước, Chủ  tịch Hồ Chí Minh vẫn để ngỏ  khả năng đàm phán, mở đường  để quân đội Mỹ rút ra khỏi cuộc  chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí  Minh luôn nhắc nhở nhân dân  ta phân biệt rõ ràng đế quốc  thực dân xâm lược với nhân  dân Mỹ, tranh thủ sự đồng  tình, ủng hộ của nhân dân tiến  bộ trên toàn thế giới, để kiên  quyết bảo vệ độc lập tự do. 
Ngày 25.8.1969, trên giường  bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh  duyệt bức thư cuối cùng trả lời  thư Tổng thống Mỹ Richard  Nixon: “Với thiện chí của phía  ngài và phía chúng tôi, chúng  ta có thể đi tới những cố gắng  chung để tìm một giải pháp  đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”.  Hai mươi năm sau chiến tranh ở Việt Nam, ngày  11.7.1995, Tổng thống Mỹ Bill  Clinton tuyên bố bình thường  hóa quan hệ ngoại giao với  Việt Nam. Cùng ngày, sáng  12.7.1995 theo giờ Việt Nam,  Thủ tướng Việt Nam Võ Văn  Kiệt thông báo quyết định  bình thường hóa quan hệ  ngoại giao giữa hai nước. 
Ngày 25.7.2013, tại Nhà  Trắng đã diễn ra cuộc hội đàm  giữa Chủ tịch nước Trương Tấn  Sang và Tổng thống Hoa Kỳ  Barack Obama. Hai nhà lãnh  đạo đã quyết định xác lập quan  hệ Đối tác toàn diện Việt Nam  - Hoa Kỳ dựa trên các nguyên  tắc tôn trọng Hiến chương Liên  Hợp Quốc, luật pháp quốc tế,  tôn trọng thể chế chính trị, độc  lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh  thổ của nhau. 
Chủ tịch nước Trương Tấn  Sang viết bài đăng trên tờ Bưu  điện Washington số ra ngày  27.7.2013: "Mặc dù ở hai bờ xa  cách của Thái Bình Dương bao  la, nhân dân Việt Nam và nhân  dân Hoa Kỳ cùng chia sẻ một  niềm tin mãnh liệt vào tương  lai tươi sáng của một châu Á  - Thái Bình Dương, hòa bình,  hợp tác, thịnh vượng. Hôm  nay, khi tôi tới thăm đất nước  và nhân dân Hoa Kỳ, chúng  ta cùng chia sẻ niềm vui vì ý  nguyện của Chủ tịch Hồ Chí  Minh gần 70 năm trước về mối  quan hệ "hợp tác đầy đủ" giữa  hai dân tộc chúng ta đã thành  hiện thực". 
Tiếp theo các chuyến thăm  Việt Nam của bốn Tổng thống  Mỹ, Tổng thống Joe Biden  thăm cấp Nhà nước tới Việt  Nam từ ngày 10-11.9.2023 theo  lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn  Phú Trọng. Sự kiện diễn ra vào  dịp hai nước kỷ niệm 10 năm  thiết lập quan hệ Đối tác toàn  diện. Tại các cuộc hội đàm,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  trân trọng nhắc lại sự kiện hai  nước đã từng quan hệ trong  cuộc đấu tranh chống phát  xít, đặc biệt sự kiện Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã trích Tuyên  ngôn Độc lập của nước Mỹ  trong Tuyên ngôn Độc lập của  nhà nước Việt Nam, đồng thời  nhấn mạnh: “Đối với Hoa Kỳ,  Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng  định nền độc lập hoàn toàn của  Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng  hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ; nền  độc lập và hợp tác đó có lợi cho  toàn thế giới”. 
Vậy là, sự cố gắng của cả hai  bên khép lại quá khứ, hướng  về tương lai đã tạo nên bước  ngoặt lớn, nâng tầm Đối tác  Chiến lược toàn diện mà như  nhiều nhà ngoại giao nói, "hợp  tác đầy đủ" (full cooperation)  như ý nguyện của Bác, hàm  súc và đủ ý. Đây là sự kế thừa  của mối bang giao Việt - Mỹ do  Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền  móng cách nay hơn một thế  kỷ, nay mới thành hiện thực.

TS CHU ĐỨC TÍNH

Ý kiến bạn đọc