Cần không ngừng phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận
VHO - Tại Hội thảo “Công tác lý luận của Đảng và những định hướng nghiên cứu quan trọng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì Hội thảo.

Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo này trong bối cảnh toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang chuẩn bị tâm thế, khát vọng để bước vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.
“Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn”
Ông Trần Cẩm Tú cho rằng, công tác lý luận có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng coi trọng công tác lý luận. Người nhiều lần nhấn mạnh chỉ huấn của Lãnh tụ Quốc tế Cộng sản V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”.
Người khẳng định: “Lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng… Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”.
“Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” .
Lịch sử cách mạng của dân tộc ta 95 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã minh chứng và khẳng định tư duy lý luận, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, đặc biệt là các chủ trương và quyết sách đúng đắn qua 40 năm đổi mới đất nước và thời gian vừa qua.
Thực tiễn cũng cho thấy những bước phát triển sáng tạo, quan trọng trong nhận thức lý luận của Đảng về: Phát triển lý luận về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Nhận thức lý luận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu, các đặc trưng, phương hướng, các mối quan hệ lớn cần giải quyết, các trụ cột chính của chủ nghĩa xã hội và lộ trình, bước đi trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được hoàn thiện, cụ thể hóa.
Nhất là lý luận phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được coi là trụ cột mang tính đột phá vô cùng sáng tạo… soi đường cho thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời gian qua.
Nhìn lại chặng đường đổi mới 40 năm qua, nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị, kinh tế toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế hơn 475 tỉ USD, đứng thứ 32 trên thế giới; xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỉ USD; GDP đạt 7,09%; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỉ USD, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
An sinh xã hội, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế, uy tín của đất nước không ngừng nâng cao, đóng góp tích cực trên nhiều mặt với vai trò là thành viên ASEAN, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thành tựu này là sự kết tinh ý chí, nghị lực phi thường và sức sáng tạo của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển của thời đại trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn.
Đây là niềm tự hào, động lực quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vững bước, nắm bắt thời cơ, vận hội mới, tăng tốc, bứt phá về đích, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII, tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Từ đó, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thời gian qua, Đảng ta rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản về nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, tiêu biểu là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9.10.2014 của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.
Các ngành, các cấp, các cơ quan lý luận ở Trung ương, địa phương đã kịp thời quán triệt, tổ chức thực hiện, đạt một số kết quả quan trọng, góp phần khẳng định và làm sâu sắc hơn giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đồng thời, cung cấp nhiều luận cứ khoa học tham mưu việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng trong 40 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm qua.

Công tác lý luận vẫn còn một số hạn chế, bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất đáng tự hào, công tác lý luận vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Công tác lý luận nói chung, việc nghiên cứu lý luận, cung cấp sở cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách nói riêng thời gian qua vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng thực tiễn đặt ra.
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn chưa theo kịp diễn biến tình hình, nhận thức lý luận còn lạc hậu so với thực tiễn, chưa bảo đảm yêu cầu, vai trò đi trước, soi đường.
Nhiều vấn đề lý luận chưa được nghiên cứu toàn diện, giải quyết thấu đáo, một số vấn đề mới, khó chưa được làm sáng tỏ; tính phát hiện mới, chất lượng dự báo, bổ sung, phát triển lý luận, hàm lượng khoa học, tính sáng tạo trong một số công trình nghiên cứu chưa cao.
Theo ông Trần Cẩm Tú, nhận thức lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự đầy đủ và chưa đảm bảo tính hệ thống.
Nhất là các nội dung về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng thể chế phát triển kinh tế nhanh và bền vững, các khâu đột phá chiến lược chưa được làm rõ.
Nhận thức về phát triển văn hóa, xã hội, con người chưa bao quát hết phạm vi rộng lớn, tính đa dạng và phong phú trong bối cảnh xã hội phát triển và có nhiều biến đổi nhanh chóng hiện nay.
Tư duy phát triển văn hóa có mặt chưa theo kịp, chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nhận thức lý luận về bảo vệ Tổ quốc và sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quốc phòng, an ninh và các lực lượng vũ trang chưa thật sự hoàn chỉnh.
Lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận lòng dân chưa đầy đủ.
Nhận thức vị trí, vai trò của đối ngoại trong điều kiện quốc tế mới, thế và lực mới của đất nước, về các đối tác lớn... còn hạn chế, chưa theo kịp tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhận thức lý luận về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cả khái niệm, nội dung, mô hình, phương thức thực hiện; vấn đề cụ thể hóa quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, luận giải đầy đủ, sâu sắc.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú nhấn mạnh: “Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, mở ra những vận hội to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, tiếp tục nâng tầm tư duy, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, có cách làm mới, đột phá mới trong nhận thức lý luận, không ngừng phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận”.
“Để từ đó xây dựng các quyết sách chiến lược, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sức mạnh, tinh thần và ý chí con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, bứt tốc, bứt phá trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước nhanh và bền vững”, ông Trần Cẩm Tú lưu ý.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo: “Trong giai đoạn trước mắt, phải thực hiện quyết liệt, thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao”.
Yêu cầu công cuộc đổi mới hiện nay đòi hỏi chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, chỉ rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân, nhận diện rõ những điểm nghẽn, nút thắt trong lý luận và nhận thức lý luận, không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, không ngừng nghiên cứu.
Đồng thời, chỉ rõ các vấn đề lý luận mới, đâu là cơ hội lớn cần tận dụng, đâu là thách thức lớn cần vượt qua, những yếu tố mới của thực tiễn cần bổ sung, từ đó đề xuất các giải pháp đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Yêu cầu cấp thiết về các vấn đề lý luận mới
Ông Trần Cẩm Tú đã gợi ý một số vấn đề để các đại biểu thảo luận. Trong đó, làm rõ nhận thức chủ nghĩa xã hội và xu thế phát triển của thế giới đương đại, trong đó tập trung làm rõ những thách thức, những vấn đề đấu tranh tư tưởng trong bối cảnh thăng trầm của chủ nghĩa xã hội hiện thực, chắt lọc các trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, những quan điểm khách quan, biện chứng, tiến bộ có thể nghiên cứu, tiếp thu.
Các vấn đề về chủ nghĩa tư bản hiện đại, bản chất, vai trò, đặc điểm mới và sự tác động đến tiến trình lịch sử thế giới, đối sách và cách thức ứng phó phải được làm rõ trên cơ sở tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, khoa học của thế giới quan, phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời cũng cần nghiên cứu thêm, xác định rõ hệ quan điểm nào là nền tảng, bất biến, quan điểm nào thực tiễn đã vượt qua cần bổ sung, phát triển.
Thảo luận, làm rõ về nhận thức lý luận chủ nghĩa xã hội Việt Nam và đường lối đổi mới đất nước trong giai đoạn mới, trong đó, làm rõ những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhận thức.
Cụ thể là nhận thức về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhất là về mặt nội hàm, nội dung, phương thức gắn bó giữa hai nhiệm vụ cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều tầng nấc, đa cực, có tính chất biến động vô cùng phức tạp.
Nhận thức về chủ nghĩa xã hội, mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam, chỉ rõ cơ sở lý luận của những giá trị, hình thức, các bước trung gian, quá độ trong phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự phù hợp giữa kiến trúc thượng tầng với phát triển cơ sở hạ tầng.
Làm rõ thêm sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong dòng chảy phát triển chung của nhân loại.
Cụ thể hóa, bổ sung, phát triển thêm nội hàm của mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xác định rõ hơn nội hàm của đặc trưng mô hình, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Các giá trị cốt lõi của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, những yếu tố bảo đảm tính đồng bộ về tính chất và trình độ giữa các giá trị cốt lõi.
Xác định các mối quan hệ lớn đâu là mối quan hệ chung ổn định, đổi mới, phát triển, đâu là mối quan hệ ưu tiên.
Làm rõ sự giống và khác nhau giữa đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đặc trưng cơ bản của xã hội Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộ, cho thấy điều kiện, đặc thù riêng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong từng giai đoạn.
Những nội dung cơ bản của đường lối đổi mới, làm rõ, cụ thể hơn khái niệm lý luận về đường lối đổi mới với các yếu tố cấu thành, thể hiện tầm nhìn, mục tiêu, mô hình, phương thức phát triển; các quan điểm chỉ đạo đổi mới; khái niệm trụ cột và việc khẳng định các trụ cột (nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Xác định các nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu cần thực hiện trong từng giai đoạn phát triển; các điều kiện cần và đủ để thực hiện mục tiêu hoàn thiện cơ bản lý luận về đường lối đổi mới.
Làm rõ nội hàm khái niệm, cơ sở lý luận để xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm sự đồng bộ giữa các thể chế thành phần có quan hệ biện chứng với nhau, bảo đảm tính vượt trước, tính định hướng, tính dẫn đường của thể chế chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm định hướng quản lý phát triển xã hội hiện đại, bao trùm và bền vững.
Ông Trần Cẩm Tú đề nghị các đại biểu quan tâm lý giải những vấn đề lý luận trong các lĩnh vực thực tiễn chủ yếu: Trong phát triển kinh tế, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung làm rõ các đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và nội hàm quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế.
Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được coi là động lực chủ yếu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Trong phát triển văn hóa, vấn đề nhận thức, làm rõ thêm vai trò, chức năng xã hội của văn hóa trong xây dựng, phát triển mạnh mẽ, toàn diện nền văn hóa, con người Việt Nam, chấn hưng đạo đức xã hội, xây dựng hệ giá trị con người, xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; lấy phát triển văn hóa làm sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần cốt lõi để phát triển đất nước.
Trong phát triển khoa học và công nghệ, vấn đề nhận thức điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển; vấn đề nhận thức khoa học và công nghệ là động lực chủ yếu để phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời có tác động dẫn đến sự thay đổi của quan hệ sản xuất.
Trong giáo dục và đào tạo, vấn đề nhận thức thực hiện đầy đủ quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, vấn đề nhận thức đầy đủ những biến chuyển lớn, khó dự báo trên thế giới đang tác động rất mạnh đến quốc phòng, an ninh của đất nước; vấn đề tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để thích ứng với các cơ hội và thách thức mới đang nổi lên; vấn đề kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh.
Trong lĩnh vực đối ngoại, vấn đề nhận thức tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng đường lối đối ngoại thích ứng với các cơ hội và thách thức, định vị Việt Nam trong cục diện thế giới hiện nay, làm cơ sở cho thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình và hợp tác bền vững.
Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, vấn đề nhận thức đầy đủ, sâu sắc phương thức lãnh đạo, cầm quyền, dân chủ trong điều kiện Đảng ta cầm quyền duy nhất; phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vấn đề lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là nhận thức về kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Vấn đề hoàn thiện và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh của nhân dân; xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Đề nghị các nhà khoa học cũng làm rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng sẽ cần bổ sung, phát triển như thế nào trong cuộc Cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư.
Đảng sẽ lãnh đạo sự phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bằng công cụ gì?
Đảng cần phải tổ chức xây dựng như thế nào để có thể lãnh đạo đất nước trong quá trình chuyển đổi số?
Đảng cần lực lượng gì để có thể lãnh đạo, kiểm tra, giám sát những thay đổi do các công nghệ mới đem lại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT),...?
Trong nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vấn đề định hướng, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, quản lý báo chí, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội… cần đi trước một bước, dự báo xu hướng, tính chất vận động, bản chất vấn đề nhằm cung cấp những luận cứ khoa học sắc bén, phục vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo vệ Đảng, chế độ, bảo vệ nhân dân và quốc gia dân tộc.
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo nên những xã hội ảo và thay đổi tư duy của nhiều con người, điều đó đặt ra những thách thức, yêu cầu nào đối với công tác tư tưởng của Đảng.
Mạng xã hội đang trở thành những thế lực quyền lực tiềm ẩn đối với đời sống tư tưởng của hàng triệu con người Việt Nam ở trong và ngoài nước, công tác tư tưởng sẽ phải làm gì để bảo vệ tư tưởng của Đảng trong thế giới ảo do con người và trí tuệ nhân tạo tạo nên, phải làm gì để tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho những công dân số?
“Tôi cho rằng Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề lý luận đặt ra trong bối cảnh mới, làm cơ sở chắt lọc, xây dựng và tham mưu các luận cứ khoa học, phục vụ công tác xây dựng, hoạch định các chủ trương của Đảng, góp phần bổ sung, làm rõ trong quá trình xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV”, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú cho biết.