Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền

THUÝ HIỀN, ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 15.5, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ để rà soát, đề xuất phấn cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 1
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chủ trì buổi làm việc

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Phân cấp, phân quyền theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại văn bản số 539/TTg-TCCV về việc phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình khẳng định: Việc phân cấp, phân quyền triệt để không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật hành chính. Đây là cuộc cách mạng về tư duy quản trị, nơi chính quyền địa phương không còn bị xem như “cánh tay nối dài” của cấp trên, mà trở thành những chủ thể có năng lực hành động độc lập, sáng tạo và chịu trách nhiệm rõ ràng trước nhân dân.         

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 2
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình phát biểu chỉ đạo

Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền phải là sự đồng thuận cao trong hệ thống lãnh đạo, thể hiện quyết tâm chính trị nhất quán trong việc chuyển giao thẩm quyền thực chất cho địa phương.

Văn bản số 539/TTg-TCCV về phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ngày 14.5.2025 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ những đề xuất phân cấp, phân quyền trong đó tập trung vào 8 lĩnh vực ưu tiên, cấp bách như: Ngân sách; Cán bộ, công chức; Đất đai; Tài nguyên: Tài sản; Đầu tư; Xây dựng; Quyết định các vấn đề phát sinh. 

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 3
 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng đã nghe báo cáo, đề xuất của lãnh đạo 15 cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ VHTTDL để cùng rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại diện Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ cũng đã có những trao đổi thẳng thắn trước những ý kiến rà soát, đề xuất từ các đơn vị để cùng làm rõ những đầu việc của từng lĩnh vực của ngành cần có sự thay đổi về phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 4
Các đại biểu dự họp

Theo Phó Chánh văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thanh Sơn, hiện nay toàn ngành VHTTDL có 350 thủ tục hành chính, trong đó có 183 thủ tục hành chính cấp Trung ương, cho thấy Bộ VHTTDL là một trong những Bộ, ngành có thủ tục hành chính cao.

Con số này tăng một phần là sau khi Bộ VHTTDL thực hiện chức năng quản lý nhà nước sáp nhập bốn đơn vị: Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại.

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 5
Phụ trách Văn phòng Bộ, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Cao Lê Tuấn Anh

Nhóm đơn vị có nhiều thủ tục hành chính nhất đó là: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Xuất bản, Cục Báo chí, Cục Bản quyền tác giả, in và phát hành... Có đơn vị như Cục Bản quyền tác giả trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 hồ sơ làm thủ tục hành chính.

Nhóm đơn vị phân cấp, phân quyền mạnh, có rất ít và thậm chí là không còn thủ tục hành chính: Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam...

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 6
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện Ninh Thị Thu Hương phát biểu

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình khẳng định, phân cấp, phân quyền trước tiên phải là sự đổi mới về tư duy quản trị quốc gia, muốn đất nước phát triển thì phải đổi mới tư duy.

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 7
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền phát biểu

Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế cần rà soát và tổng hợp các đề xuất của các đơn vị theo các nội dung Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

Các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương;

Các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang Bộ phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; Các chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện chuyển về chính quyền địa phương cấp xã hoặc chuyển lên chính quyền địa phương cấp tỉnh khi tổ chức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ VHTTDL rà soát sửa đổi, đề xuất phân cấp, phân quyền  - ảnh 8
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị cần lưu ý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thiết kế các chính sách, quy định cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, phải đảm bảo 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm” trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện pháp luật.