Bình Định tổ chức trọng thể kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng
VHO - Tối 30.3, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 – 31.3.2025). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự Lễ kỷ niệm có các Uỷ viên BCH Trung ương Đảng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải; Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.
Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động cùng đông đảo nhân dân, du khách gần xa về dự Lễ kỷ niệm.
Bình Định là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước
Đọc diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Bình Định là điểm tập kết cuối cùng của miền Nam, nên Mỹ - ngụy đã luôn coi Bình Định là vùng trọng điểm trong các chiến lược chiến tranh của chúng.
Với khẩu hiệu “bắn lầm còn hơn bỏ sót” và run sợ trước phong trào đấu tranh của nhân dân ta, chúng đã ra tay sát hại hàng ngàn thường dân vô tội ở tỉnh. Trong điển hình là các vụ thảm sát rất man rợ ở nhà thờ Thác Đá (Hoài Nhơn), Ân Hòa (Hoài Ân), Gò Vàng (Phù Mỹ), Đại Ân (Phù Cát).

Đặc biệt là vụ thảm sát Bình An (Tây Sơn), từ ngày 23 – 26.2.1966, quân địch đã giết hại 1.004 người dân vô tội của 15 thôn thuộc xã Bình An, đây là vụ thảm sát lớn nhất miền Nam… Có thể nói trên mảnh đất Bình Định không có nơi nào là không có dấu vết tội ác của kẻ thù.
Trước sự tàn ác của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Bình Định, phát huy truyền thống Tây Sơn quật khởi, quân và dân tỉnh ta đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù để giải phóng quê hương đất nước.
Với phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến hành 3 mũi giáp công trên cả 3 vùng chiến lược, quân và dân tỉnh ta đã góp phần làm thất bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công hiển hách mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Tà Lốc - Tà Léc (Vĩnh Thạnh).
Các chiến thắng An Lão, Thuận Ninh, Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, chiến thắng Bắc Bình Định trong hai mùa khô năm 1965 - 1966 và năm 1966 - 1967, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đánh vào sào huyệt của địch ở Quy Nhơn và các huyện lỵ, chiến dịch tiến công tổng hợp xuân - hè 1972 giải phóng 2 huyện Hoài Nhơn và Hoài Ân.
Đặc biệt, vào những ngày tháng Ba lịch sử của 50 năm về trước, quân và dân tỉnh ta đã mở cuộc tổng tiến công giải phóng thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định trong chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Với phương châm dựa vào sức mình là chính, “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, qua 28 ngày đêm liên tục tiến công và nổi dậy, liên tục chiến đấu và chiến thắng.
Đến 20 giờ ngày 31.3.1975 lá cờ chiến thắng của quân và dân Bình Định đã phấp phới tung bay trên nóc tiền sảnh Tòa Hành chính ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc trọng đại trong lịch sử tỉnh nhà.
Tỉnh Bình Định đã hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần 21 năm trường kỳ và gian khổ trên quê hương Bình Định.


Theo ông Hồ Quốc Dũng, chiến thắng ngày 31.3 giải phóng Bình Định là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần bất khuất, là bản anh hùng ca tuyệt vời về đức hy sinh cao cả, ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân ta.
Đây là kết quả của đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng ta; là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân; của sự nổi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, rộng khắp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Qua đó, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa cuộc trường chinh đầy hy sinh gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc đi đến thắng lợi cuối cùng.
Phát triển các hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là mảnh đất giàu truyền thống, văn hóa, lịch sử, cách mạng; là nơi khởi phát của phong trào Tây Sơn, gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.
Đây còn là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng sinh sống, làm việc và là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh), từng có thời gian lưu lại trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, sau khi Hiệp định Giơ – ne - vơ về định chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết (tháng 7.1954), tỉnh Bình Định được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là khu vực 300 ngày và Cảng Quy Nhơn là địa điểm duy nhất để đưa các lực lượng vũ trang, chính trị của Liên khu V ra miền Bắc.


Đây còn là quê hương của các nhà cách mạng, nhiều tướng lĩnh tài ba, nhiều doanh nhân văn hóa, các nhà thơ lớn của đất nước.
Cách đây tròn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Bình Định, quân và dân Bình Định cùng với các lực lượng cơ động chủ lực của quân đội ta đã lập nên những chiến công oanh liệt, giải phóng tỉnh Bình Định.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Bình Định là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng, là biểu tượng của khí phách quật cường, ý chí sắt đá và niềm tin tất thắng của quân và dân tỉnh Bình Định, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Định đã có những bước đột phá trong cải cách hành chính, thu hút sự đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển được tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững.
Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là giao thông, y tế, giáo dục… được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại, bộ mặt đô thị và nông thôn, cảnh quan môi trường có nhiều khởi sắc, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, triển khai hiệu quả, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo.
Những thành tựu của Bình Định đã đạt được trong những năm qua là kết tinh của trí tuệ, tâm quyết và mồ hôi, công sức của biết bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân tỉnh Bình Định qua các thời kỳ.
Càng trân trọng, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa và những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước và của quê hương Bình Định.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định càng phải tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chung sức, chung lòng với ý chí khát vọng vươn lên, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, mọi tiềm năng lợi thế, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững và trở thành nhóm dẫn đầu trong khu vực miền Trung.
Tập trung thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm, các nội dung đột phá, theo quy hoạch mà các đồng chí đã xác định đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt, đồng bộ, khoa học, hiệu quả chủ trương sắp xếp, đơn vị hành chính và tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận 121 của Trung ương và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư.
Phải coi đây là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thống nhất cao trong Đảng và hệ thống chính tri, sự đồng thuận trong nhân dân.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu tỉnh Bình Định chú trọng, quán triệt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa, triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ. Hưởng ứng, triển khai sâu rộng phong trào “bình dân học vụ số”, xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các ngành, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
“Bình Định phải xứng đáng và xứng tầm là một trung tâm về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương lưu ý, Bình Định tiếp tục quan tâm, chú trọng, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, phát triển bền vững, lành mạnh, trên nền tảng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới và được cụ thể hóa làm sâu sắc, bản sắc văn hóa của Bình Định.
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương mong muốn, Bình Định phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần thượng võ “Hào khí Tây Sơn”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ý chí khát vọng vươn lên, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Định phát triển nhanh, bền vững, cùng với cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.