Trường Sa kiêu hãnh, trường tồn giữa Biển Đông:
Bài 2 - Bản hùng ca bất tử
VHO - Giữa trùng khơi bao la ở Trường Sa, những người lính Hải quân không chỉ tạc nên bản hùng ca bất tử trong quá khứ, mà còn là điểm tựa bình yên cho tàu ngư dân vươn khơi. Trường Sa là mái nhà chung giữa đại dương, là tượng đài sống động cho ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc nơi đầu sóng ngọn gió.

Các anh đã hóa thân thân thành sóng nước
Trong sâu thẳm trái tim những người con đất Việt không thể nào quên sự kiện 37 năm về trước, tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống trong một trận chiến không cân sức, để bảo vệ từng tấc biển, tấc đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 14.3.1988, giữa làn mưa đạn của kẻ thù, những người lính Hải quân với ý chí "Thà hy sinh chứ không chịu mất biển, mất đảo" đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Dù trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, các anh đã mưu trí, dũng cảm, tạo nên những vòng tròn bất tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc.
Trong giờ phút sinh tử, những người con ưu tú của dân tộc đã nắm chặt tay nhau, quyết không lùi bước. Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương và bao đồng đội khác đã trở thành những tượng đài bất tử cho lòng yêu nước và tinh thần quả cảm.

Hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và lời tuyên bố đanh thép: "Không được lùi bước. Phải để máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc" đã trở thành một biểu tượng bất diệt. Thiếu tá Vũ Huy Lễ với sự bình tĩnh, mưu trí đã chỉ huy tàu HQ 505 lao lên bãi ngầm Cô Lin, biến con tàu thành pháo đài chủ quyền.
Những hy sinh anh dũng ấy đã tạc nên khúc tráng ca bất tử trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Dù thời gian có thể làm phai mờ dấu vết, nhưng ký ức về sự kiện Gạc Ma và tinh thần chiến đấu bất khuất của những người lính biển sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim mỗi người Việt Nam. Đến nay, nhiều anh hùng liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi đáy biển, nhưng sự hy sinh của các anh đã trở thành tượng đài vĩnh cửu về tình yêu Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Duy Thiều, Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân xúc động: "Mỗi khi đi qua vùng biển Gạc Ma, các đoàn công tác đều tổ chức lễ tưởng niệm, thả hoa và hạc giấy xuống biển, như một lời tri ân, một lời hứa của thế hệ sau sẽ không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc."

Chị Bùi Thị Hoa, cán bộ Bệnh viện Châm cứu Trung ương nghẹn ngào chia sẻ: "Được tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma là một trải nghiệm xúc động sâu sắc. Nghe kể về sự chiến đấu quả cảm của các anh, tiếng hồn tử sĩ vang vọng giữa biển trời bao la, tôi không thể kìm được nước mắt. Các anh đã hy sinh để Trường Sa mãi mãi trường tồn".
Thời gian có thể trôi đi, lịch sử có thể sang trang, nhưng sự kiện Gạc Ma vẫn mãi là bản hùng ca bất tử. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của những người lính Hải quân năm ấy vẫn sẽ là ngọn lửa soi đường, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Điểm tựa vững vàng cho những chuyến ra khơi
Đảo Đá Tây A mang trên mình sứ mệnh lịch sử, án ngữ nơi vị trí chiến lược, như cánh cửa thép bảo vệ vùng biển phía Nam của quần đảo Trường Sa. Trên đảo, bên cạnh những người lính canh giữ biển trời còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, một hậu phương vững chắc cho ngư dân. Âu tàu rộng lớn của đảo bao năm qua đã trở thành bến đỗ an toàn cho bao chuyến hải trình dọc dải duyên hải miền Trung đến tận cùng Tổ quốc.

Tận dụng ưu thế lòng hồ tự nhiên, từ năm 2005, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đã được xây dựng trên nền san hô, trở thành trạm tiếp tế lớn nhất Trường Sa. Nơi đây cung cấp nước ngọt mát lành, xăng dầu đầy ắp, lương thực dồi dào, thực phẩm tươi ngon, sửa chữa tàu thuyền nhanh chóng và cả những vòng tay cứu hộ kịp thời giữa biển khơi giông bão.
Ngư dân Nguyễn Văn Thịnh từ Phú Yên chia sẻ: "Biển cả là nguồn sống, nhưng cũng đầy rẫy hiểm nguy. Nhờ có sự hỗ trợ từ đất liền, chúng tôi thêm vững tâm bám biển."
Thượng tá Nguyễn Thường Tín, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A khẳng định: "Đá Tây A như ngôi nhà thứ hai của ngư dân. Họ tìm thấy ở đây sự sẻ chia, giúp đỡ và cả sự an tâm để tiếp tục những hải trình dài ngày."
Cùng với những người lính biển, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá không ngừng nỗ lực tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, cứu hộ cứu nạn, động viên ngư dân giữ vững môi trường hòa bình trên biển. Trung tâm đang góp sức cùng Hải quân Việt Nam khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên vùng biển đảo của Tổ quốc.

Ông Huỳnh Ngọc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm, tự hào: "Chúng tôi luôn sẵn sàng mọi cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ bà con. Giá cả các mặt hàng cũng như ở đất liền, giúp ngư dân tiết kiệm chi phí, an tâm vươn khơi". Mỗi năm, hàng trăm nghìn khối dầu, hàng chục nghìn cây đá, hàng nghìn mét khối nước ngọt đã được cung cấp, rút ngắn thời gian và chi phí cho những chuyến biển.
Không chỉ là điểm tựa hậu cần, Đá Tây A còn sừng sững như một cột mốc chủ quyền sống động. Mỗi mái nhà, mỗi hàng cây xanh, mỗi ánh đèn đêm trên đảo đều là lời khẳng định thầm lặng nhưng mạnh mẽ về chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên biển Đông. Cuộc sống nơi đây khắc nghiệt, nhưng những người lính, những kỹ sư, bác sĩ vẫn kiên cường bám trụ, giữ gìn từng tấc đất, sải biển quê hương.
Anh Lê Xuân Việt, một người dân trên đảo, xúc động: "Đá Tây A là cầu nối giữa biển cả và đất liền, là nơi gửi gắm tình cảm của triệu triệu trái tim." Mỗi chuyến tàu tiếp tế mang ra đảo không chỉ vật phẩm mà còn cả hơi ấm tình người, nối liền bờ bến với biển khơi.

Giữa trùng khơi xa xôi, đảo Đá Tây A vẫn lặng lẽ kiên cường, là điểm tựa vững chãi cho những con tàu và là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. (Còn nữa)