Sớm tăng mức xử phạt với các vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
VHO- Sáng 1.6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã có buổi làm việc với các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Sau 10 năm thi hành, hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đã có nhiều thay đổi, kéo theo việc cần ban hành Nghị định thay thế. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia một loạt các điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số là Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 16.6.2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu việc xây dựng dự thảo Nghị định phải diễn ra nghiêm túc, khẩn trương
Cũng theo Thứ trưởng, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP), đảm bảo áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật; triển khai thi hành có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 theo hướng đảm có chế tài xử phạt hợp lý, hiệu quả đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Để Nghị định khi được ban hành có tính khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như nâng cao hiệu quả của hình thức xử phạt hành chính, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập có sự nghiên cứu kỹ trong quá trình xây dựng Nghị định. Trong đó, phải tập trung vào việc nêu rõ, đầy đủ các hành vi bị coi là vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc khung và mức xử phạt đối với các hành vi cụ thể phải được tính toán kỹ, có sự hợp lý; đảm bảo Nghị định khi được thực thi có tính giáo dục, tạo sức răn đe. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) làm việc với các đơn vị liên quan nhằm đánh giá tổng thể 10 năm thực hiện Nghị định 131, rút ra kinh nghiệm và đưa ra thêm các giải pháp khắc phục trong Nghị định thay thế.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết trước đây khi triển khai thực hiện, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Với Nghị định 131, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Nhìn chung trong Nghị định 131, mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng còn ở mức thấp, không đủ sức răn đe.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định
Bên cạnh đó, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cũng nêu một trong những bất cập lớn hiện nay là mức phạt tiền của Nghị định 131 chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, không căn cứ vào giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu, dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa phù hợp, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên môi trường số.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho hay Nghị định mới sẽ tăng mức xử phạt vi phạm
Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) thông tin với Nghị định thay thế này, so với Nghị định 131, dự thảo hiện đã nâng lên tổng 5 chương, 72 điều nhằm quy định rõ hơn về các hình thức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, cũng như nêu rõ phương án khắc phục hậu quả đối với từng hành vi. Mức phạt cũng được nghiên cứu theo hướng tăng lên, tương xứng với mức độ thiệt hại các đối tượng gây ra. Hình thức khắc phục hậu quả cũng sẽ được đề cập rõ.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Nghị định.
ĐÌNH TOÁN