Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9.11: Tạo đột phá từ đầu tư cho thể chế
VHO- Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9.11, Bộ VHTTDL đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Những chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị- pháp lý của đất nước có đóng góp quan trọng từ các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ VHTTDL, cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Khẳng định “Đầu tư cho công tác thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển”, tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 của Bộ VHTTDL vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, công tác pháp chế của Bộ VHTTDL trong thời gian tới sẽ có những đột phá, đi vào chiều sâu.
Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thực thi pháp luật
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cách đây 9 năm, việc Quốc hội quyết định lấy ngày 9.11 là Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì đó là ngày đánh dấu sự kiện Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta được thông qua (9.11.1946). “Ngày Pháp luật Việt Nam ra đời nhằm tôn vinh hiến pháp và pháp luật Việt Nam; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Hằng năm, Bộ VHTTDL triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm hưởng ứng sự kiện này”, Bộ trưởng cho biết.
Đại diện Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay, các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ VHTTDL đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Từ đó, tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước; nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Đánh giá cao những kết quả mà Bộ VHTTDL đạt được trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng và công tác phổ biến pháp luật nói chung, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược cho sự phát triển của đất nước; đồng thời tiếp tục khẳng định chủ trương lớn là “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”…
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, Thường trực Ủy ban nhận thấy Bộ VHTTDL luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ đã chủ động, tích cực rà soát, nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch. Ông Lượng bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường đổi mới, sáng tạo, tập trung triển khai thực hiện định hướng của Bộ Chính trị bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, khả thi. Bảo đảm việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ sửa đổi, bổ sung, ban hành các dự án luật chuyên ngành, như Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Nghệ thuật biểu diễn, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, đạt mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5.2022.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể lãnh đạo Vụ Pháp chế giai đoạn 2016-2020
Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ VHTTDL luôn nhất quán thực hiện những quan điểm mà Đảng, Nhà nước đề ra trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt, coi thể chế là một trong ba khâu đột phá quan trọng. Việc đầu tư cho công tác thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển.
Bộ trưởng cho rằng, từ diễn đàn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021, chúng ta nhìn lại việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật, rộng hơn là công tác thể chế của Bộ VHTTDL trong thời gian qua. Với vai trò tham mưu của Vụ Pháp chế, công tác xây dựng pháp luật của Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành một số bộ luật quan trọng; tập trung xây dựng các Nghị định trong điều kiện chưa có bộ luật để quản lý; ban hành kịp thời nhiều Thông tư, đưa công tác quản lý Nhà nước ngày càng đi vào nề nếp... Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật của Bộ VHTTDL đã được triển khai bài bản, không chỉ nâng cao nhận thức pháp luật trong 7.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ mà còn triển khai trong hệ thống của toàn ngành.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác này: “Điều chúng ta thấy rõ là dù đã nỗ lực nhưng việc nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, kịp thời đề xuất những chính sách phù hợp với thực tiễn sinh động có lúc, có nơi vẫn chưa chủ động, chưa nhịp nhàng. Ý thức chấp hành, tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm phối hợp trong quá trình xây dựng các Luật, Nghị định, Thông tư chưa được đồng bộ...”. Bộ trưởng yêu cầu, nhằm tạo bước đột phá trong công tác thể chế, Bộ cần có các hoạt động đi vào chiều sâu, tạo bước chuyển nhận thức và hành động.
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm chia sẻ, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng vừa là niềm vinh dự to lớn nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề mà mỗi người làm công tác pháp chế của Bộ VHTTDL phải luôn nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Điều chúng ta thấy rõ là dù đã nỗ lực nhưng việc nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, kịp thời đề xuất những chính sách phù hợp với thực tiễn sinh động có lúc, có nơi vẫn chưa chủ động, chưa nhịp nhàng. Ý thức chấp hành, tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm phối hợp trong quá trình xây dựng các Luật, Nghị định, Thông tư chưa được đồng bộ... (Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG) |
BẢO NGÂN; ảnh: TRẦN HUẤN