Tết của lính tàu ngầm có gì đặc biệt?
VHO - Trong khi nhà nhà, người người quây quần bên nhau đón Tết vui Xuân, thì hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm thuộc Lữ đoàn 189 Hải quân phải phân ca, chia kíp trực sẵn sàng chiến đấu. Tết xa nhà của những thủy thủ “Sống trong lòng biển” có đầy đủ hương vị mùa Xuân, ấm tình đồng đội; vui với biển, ấm lòng chiến sĩ.
Đại úy Nguyễn Văn Thắng (quê Nghệ An, bên trái) cùng đồng đội trang trí bàn thờ Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tàu ngầm 187
1. Những ngày cuối cùng của năm cũ, quân cảng bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa vắng lặng. Phần vì cán bộ chiến sĩ về quê nghỉ phép, phần những “hố đen đại dương” đã rời cảng ra khơi tuần tra bảo vệ yên bình vùng biển, đảo cho nhân dân cả nước đón Tết vui xuân. Câu chuyện của chúng tôi với những thủy thủ tàu ngầm 187 Bà Rịa – Vũng Tàu bắt đầu bằng chia sẻ của Trung tá thuyền trưởng tàu 187 Phạm Huy Vinh. “Để có được những cặp bánh chưng đặt lên bàn thờ Tổ quốc và chia cho cán bộ chiến sĩ, chúng tôi phải vượt 14 cây số từ Căn cứ Cam Ranh ra chợ mua lá dong, lạt và các phụ liệu khác. Xuân Giáp Thìn, ngoài tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, mỗi cán bộ chiến sĩ được 3 cái bánh chưng. Năm nào cũng vậy, Tết của thủy thủ tàu ngầm là trực chiến đấu và sẵn sàng đi biển khi có mệnh lệnh”, thuyền trưởng Vinh, nói.
Cầu cảng quốc tế bán đảo Cam Ranh là nơi “đứng chân” của 6 tàu ngầm mang tên 6 thành phố lớn của cả nước (Tàu ngầm Hà Nội, tàu ngầm Hải Phòng, tàu ngầm Bà Rịa – Vũng Tàu, tàu ngầm TP.HCM, tàu ngầm Đà Nẵng, tàu ngầm Khánh Hòa), nhưng ít ai “thấu hiểu” từ vị trí đóng quân của những tàu ngầm ra đến chợ dân sinh phải qua chặng đường “chang chang cát nóng không một bóng cây” 14 km.
Hội thi Bánh chưng xanh của các tàu ngầm
Mỗi khi Tết đến Xuân về, để mua được lá dong gói bánh chưng, bộ đội phải “cuốc bộ” (đối với hạ sĩ quan binh sĩ) hoặc “phi xe máy” (đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp) 14 km ra chợ mua lá và đem về tàu. Dẫu chặng đường xa 14 km, nhưng không phải cán bộ chiến sĩ nào cũng được “may mắn” đi chợ Tết. Bởi nói đến tàu ngầm là nói đến 80% quân số trực sẵn sàng chiến đấu có mặt tại tàu. Hai ngày nghỉ cuối tuần được phép ra “phố” 30% quân số, song do đường quá xa lại không có phương tiện đi lại, nên dù được “tiêu chuẩn” ra ngoài doanh trại, nhiều sĩ quan, QNCN vẫn không thể “đi phố”. Còn đối với hạ sĩ quan chiến sĩ “đành bó chân” ở tàu, vui chơi trên cầu cảng. Bởi thế mới có chuyện, có nhiều sĩ quan gia đình cách đơn vị chỉ 14 km thôi, nhưng 1 tháng mới về thăm vợ con một lần, thậm chí 2 tháng mới “ghé qua nhà” thăm vợ một đêm rồi lại “chia xa”.
“Tôi có vợ, con ở khu nhà công vụ cách đơn vị đóng quân 16 km, song có đợt 2 tháng với về nhà một lần thăm vợ. Vợ tôi cũng thông cảm và luôn sẻ chia. Mỗi lần được “đi phố”, tôi tranh thủ ghé qua nhà thăm con rồi trở lại tàu. Lính tàu ngầm lấy biển khơi làm nhà, thời gian sống trong lòng biển nhiều hơn ở đất liền”, đại úy QNCN Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Những chiếc bánh chưng của cán bộ chiến sĩ tàu ngầm 187 được Ban giám khảo đánh giá gói đẹp, vuông vức, khéo tay
Nói về mâm cỗ ngày Xuân, Thiếu tá Đặng Ngọc Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên tàu ngầm 187 cho biết: “Trên bàn thờ Tổ quốc của tàu không thể thiếu chai nước biển. Đây là sản phẩm đặc biệt dâng Bác và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chai nước biển chúng tôi lấy ở độ sâu nhất ngoài vùng biển Trường Sa, DK1 khi tàu làm nhiệm vụ dưới lòng đại dương. Chai nước biển là được coi linh hồn Tổ quốc, đó cũng là vật phẩm báo công với Bác và đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi khi Tết đến Xuân về”.
2. Cán bộ chiến sĩ 6 tàu ngầm kilo của Lữ đoàn 189 Hải quân được coi là những “rái biển” sống trong lòng biển. Bởi một năm có 365 ngày thì hơn nửa thời gian họ làm nhiệm vụ ngoài biển. Mỗi lần tàu tự hành dưới lòng đại dương ở độ sâu trên dưới 100 mét nước, tàu lại tổ chức lấy nước biển ở độ sâu ấy để phục vụ nghiên cứu “nước biển sâu trong qui luật dòng chảy”, và đó cũng “ghi dấu” thành quả chinh phục độ sâu mỗi lần làm nhiệm vụ.
Xuân Giáp Thìn, đại úy Nguyễn Văn Thắng (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) tình nguyện ở lại “hố đen đại dương” trực Tết cho đồng đội về quê ăn Tết. Anh coi đó là sự sẻ chia cho đồng đội có gia đình ở xa: “Vợ con tôi cách đơn vị 16 km. Tết này tôi ở tàu trực sẵn sàng chiến đấu cùng các đồng đội. Tôi sẽ tranh thủ ghé thăm vợ, con rồi trở lại tàu. Ngày Tết ai cũng muốn đoàn tụ bên gia đình người thân, song với lính tàu ngầm phải hoàn thành nhiệm vụ trước. Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ”, đại úy Thắng chia sẻ.
Vui xuân, không quên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu
Trong khi đó chiến sĩ Trần Văn Khang sẻ chia đầy xúc động: “Lần đầu tiên đón Tết trong đời lính, tâm trạng tôi xốn xang nhớ nhà quá. Nhưng có lẽ đây là lần đón Tết có nhiều kỷ niệm nhất đối với tôi. Đón Tết ở tàu tuy xa gia đình nhưng có đầy đủ hương vị mùa xuân như Tết ở gia đình. Tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị giao phó, đó là điều chắc chắn”, Khang chia sẻ
Thiếu tá Thiếu tá Đặng Ngọc Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên tàu ngầm 187 cho hay, các tàu ngầm đã tổ chức thi gói, nấu gói bánh chưng. Đêm giao thừa sẽ có các hoạt động hái hoa dân chủ, văn nghệ, đọc thơ, bình báo. Trong ba ngày Tết, các tàu ngầm sẽ tổ chức các trò chơi dân gian tại cầu cảng. Cán bộ chiến sĩ đón Tết ấm áp, nghĩa tình và vững vàng tay súng.
Hòa cùng nhịp sống mùa xuân với cán bộ chiến sĩ toàn quân, những thủy thủ tàu săn ngầm đón Xuân Giáp Thìn trong niềm phấn khởi. Thi gói, nấu bánh chưng, trình diễn báo tường, thi kéo co và các trò chơi dân gian là “nhịp cầu mùa xuân đặc thù quân sự” của những người lính “sống trong lòng biển”. Dẫu vẫn hiểu Tết đến Xuân về bao nỗi niềm chung riêng, song các anh chỉ trọn vẹn niềm vui khi chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được yên bình, nhân dân cả nước đón Tết vui Xuân an lành và hạnh phúc.
Bài, ảnh: TRẦN MẠNH TUẤN