Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu - (Bài 2): Khúc tráng ca bất tử trên Biển Đông
VHO - Những ngày trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi được giới thiệu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, lâu đời, đã được các thế hệ cư dân sinh sống trên đảo bồi đắp nên. Thẳm trong đôi mắt người dân Lý Sơn luôn ánh lên niềm tự hào bởi giữa trùng khơi, những giá trị văn hóa ngàn đời đó đã hun đúc nên bản lĩnh để những con dân nơi đây kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Di tích đình An Hải tọa lạc hướng ra biển, nơi thờ Bát vị tiên công, những người đầu tiên khai hoang trấn đảo
Từ Lý Sơn, biết bao con tàu của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã đưa các hùng binh ra tuần phòng trên biển, đo đạc thủy trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền, giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày nay, hậu duệ của những hùng binh quả cảm năm xưa vẫn tiếp bước cha ông, vươn khơi bám biển, làm giàu trên biển đảo quê hương.
Những đội hùng binh đi vào sử sách
Con ngõ nhỏ quanh co dẫn vào nhà ông Lê Nhụ, Bí thư chi bộ thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn nở đầy hoa giấy. Tiếng hát ru văng vẳng, da diết khôn nguôi: “Lý Sơn hải đảo xa khơi/ Quanh năm sóng vỗ bên trời bao la/ Hoàng Sa trời nước bốn bề/ Đội quân Bắc Hải quyết thề báo ân…”.
“Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ cho thấy, cách đây khoảng 3.000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo Lý Sơn. Theo sử sách, từ năm 1604 các vị tiền hiền đã khai hoang, giữ đảo. 15 dòng họ có mặt trên đảo thời đó chia thành xã An Hải, An Vĩnh”, ông Lê Nhụ kể. “Đây là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. An Hải nổi tiếng với các lễ hội đua thuyền tứ linh; lễ khao lề thế lính Trường Sa, Hoàng Sa; lễ đô vật; lễ Nghinh Ông. Những truyền thống, giá trị văn hóa lâu đời này với chúng tôi như một điểm tựa tinh thần vững chắc, để người dân trên đảo yên tâm sinh sống, vươn khơi bám biển”, ông Lê Nhụ đăm đắm trông ra khoảng sân nhỏ trước nhà.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn
Lễ hội đua thuyền tứ linh chỉ riêng ở Lý Sơn mới có, được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Nhụ bảo, không biết từ bao giờ lễ hội đua thuyền này được hình thành, nhưng từ thế kỷ XVIII, lễ đua thuyền được tổ chức vào mùa xuân hằng năm, trở thành ngày hội văn hóa trên đảo. Trưa nắng bỏng rát, cát bay ràn rạt ở sân đình An Hải. Đình thờ bát vị tiên công (những người đầu tiên khai hoang, giữ đảo) ở thôn An Hải tọa hướng ra phía biển, trầm mặc bên những hàng phi lao cao vút. Ông Nguyễn Văn Thọ, 75 tuổi đã có 26 năm làm thủ từ đình An Hải, nhớ lại: “Mỗi dịp xuân về, ở đình An Hải và An Vĩnh, người dân lại tổ chức Lễ khao lề thế lính để tưởng nhớ những hùng binh đã hy sinh trong những lần ra khơi, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nghi lễ đặc biệt này luôn được tổ chức trang trọng vào ngày 16.3 âm lịch hằng năm, dịp để người dân Lý Sơn tưởng nhớ tiền nhân, những người đã có công cắm mốc chủ quyền Hoàng Sa và để con cháu nhớ ơn tiên tổ mà noi theo. Lễ khao lề thế lính là một cột mốc tâm linh, một điểm tựa tinh thần vĩnh cửu nơi đảo xa này”.
Phóng viên báo Văn Hoá tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Lý Sơn)
Có những câu ca rằng, “Trường Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”; “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”. Và ở khắp nơi trên hòn đảo xinh đẹp này, đâu đâu cũng được nghe thanh âm vang vọng từ những câu ca đã ăn vào máu thịt của người dân. Dù ra đi không hẹn ngày về thì những người con Lý Sơn cũng một lòng quên thân, sống chết giữ từng hòn đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Chính sử triều Nguyễn còn ghi, đội hùng binh Hoàng Sa hoạt động liên tiếp từ thế kỷ XVII, đầu thời chúa Nguyễn, đến giữa thế kỷ XIX với những cai đội nổi tiếng như: Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long đã sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa, tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Trường Sa để dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ…
Các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn đều có người đăng lính Hoàng Sa nên Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một nghi thức mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian, thể hiện khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc và cầu cho linh hồn những người đã hy sinh được siêu thoát. Người dân trên đảo Lý Sơn có lẽ đã khắc sâu trong tâm khảm bài văn tế chiến sĩ Hoàng Sa: “Biết mấy phen thề non hẹn biển, quyết một lòng chiến đấu đến cùng. Xót thương thay những chiến sĩ tuân mệnh triều đình bảo vệ lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã xả thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi, phong ba vùi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn. Quyết bảo vệ biên cương bờ cõi, Hoàng Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định...”.
Di tích Âm linh tự, nơi thờ cúng những linh hồn “chiến sĩ trận vong” là những Cai đội, Chánh suất đội, Thủy quân ở đảo Lý Sơn năm xưa
Hôm chúng tôi ở đảo, gần đêm rằm tháng Tám, ánh trăng sáng trong rọi xuống sân Âm linh tự (thôn Tây An Vĩnh). Hậu duệ dòng họ Phạm ngồi quây quần, tự hào kể: “Ông Phạm Quang Ảnh quê ở xã An Vĩnh, là người kiến lập dòng họ Phạm trên đất Cù lao Ré (đảo lớn Lý Sơn). Ông là người có sức vóc cường tráng và giỏi nghề đi biển nên được giữ chức Cai đội Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Năm 1815 (Gia Long thứ 14), theo lệnh triều đình, Cai đội Phạm Quang Ảnh đã dẫn đầu Hải đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, đo đạc thủy trình từ đất liền đến quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Năm 1816, ông Phạm Quang Ảnh lại vâng lệnh vua Gia Long ra Hoàng Sa thêm một lần nữa”.
Mỗi năm vào tháng 2 âm lịch, vâng lệnh triều đình, ông Phạm Quang Ảnh lại lên những con thuyền nan nhỏ, giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ và thường về đến cửa Eo (Thuận An - Huế) quãng tháng 8 âm lịch để vào kinh thành trình diện. Một trong những lần đi ấy, ông Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình gặp bão và mất tích giữa biển khơi. Quá xót thương những hùng binh quên thân vì đất nước, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một pháp sư nổi tiếng đã nặn 25 tượng đất, lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng rồi sai dân làng đưa đi an táng. Hình nhân Phạm Quang Ảnh được chôn cất đầu tiên, sau mới đến 24 hình nhân những người lính thuộc nhiều miền quê khác nhau. 25 ngôi mộ gió, xếp thành một hàng dài. Cũng từ đó người dân đảo Lý Sơn có tục làm hình nhân và đắp mộ chiêu hồn (mộ gió) cho người đi biển không may bị dạt trôi trong lòng biển cả. Tên ông đã được đặt cho một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa, đảo Quang Ảnh để con cháu mãi mãi khắc ghi công ơn người đã quả cảm hy sinh vì đất nước.
Ông Phạm Quang Ri, hậu duệ của Cai đội Phạm Quang Ảnh trò chuyện với Phóng viên Văn Hóa “Trong nhiều lần ra ngư trường Hoàng Sa, chúng tôi vẫn hướng về đảo Quang Ảnh, cầu mong ông phù hộ cho đất nước bình an, thịnh vượng, con cháu đánh bắt được nhiều hải sản, cuộc sống đủ đầy. Trên những vùng biển thuộc chủ quyền lâu đời của đất nước, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, máu xương của biết bao thế hệ người Việt đã đổ xuống, khắc ghi và gìn giữ thành quả khai phá lãnh thổ, những giá trị tinh thần bất diệt” (Ông PHẠM QUANG RI, hậu duệ của Cai đội Phạm Quang Ảnh) |
Ông Phạm Quang Ri, hậu duệ của Cai đội Phạm Quang Ảnh kể, trong nhiều lần ra ngư trường Hoàng Sa, chúng tôi vẫn hướng về đảo Quang Ảnh, cầu mong ông phù hộ cho đất nước bình an, thịnh vượng, con cháu đánh bắt được nhiều hải sản, cuộc sống đủ đầy. Trên những vùng biển thuộc chủ quyền lâu đời của đất nước, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, máu xương của biết bao thế hệ người Việt đã đổ xuống, khắc ghi và gìn giữ thành quả khai phá lãnh thổ, những giá trị tinh thần bất diệt. Đó cũng chính là chứng cứ xác đáng và sinh động nhất về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự hy sinh của Cai đội Phạm Quang Ảnh, Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên, Suất đội Thủy sư Phạm Văn Biện; dân binh giàu kinh nghiệm đi biển, những đà công Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, Đặng Văn Siểm... cùng hàng nghìn hùng binh Trường Sa, Hoàng Sa là những trang sử bi tráng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thân thể những con người ấy mãi gửi lại nơi biển cả mênh mông, chỉ còn lại những ngôi mộ gió hiện diện trở thành biểu tượng của những con người sẵn sàng xả thân vì chủ quyền biển đảo đất nước.
Ngày nay, hậu duệ của các hùng binh năm xưa vẫn kiên cường vươn khơi bám biển
Mỗi con tàu ra khơi là một cột mốc
Hôm nay, hậu duệ của các hùng binh năm xưa vẫn kiên cường vươn khơi bám biển. Mỗi con tàu ra khơi như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh hải quốc gia và làm giàu từ biển.
Bên đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong linh thiêng ở Âm linh tự, ông Phạm Quang Ri xúc động: “Đến bây giờ, ngư trường truyền thống của người dân Lý Sơn vẫn là Trường Sa, Hoàng Sa. Dù sóng to gió cả và muôn vàn khó khăn khác nhưng chúng tôi chưa bao giờ nao núng. Mỗi hải trình thắng lợi trở về, ngư dân đảo Lý Sơn càng vững tin với việc vươn khơi, bám biển, giữ ngư trường, nơi cha ông mình đã đổ biết bao máu xương gìn giữ”.
Từ năm 1776-1836, không một hải đội Hoàng Sa nào trở về. Năm 1837, hải đội của Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật, được cho là người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa bất ngờ trở về. 70 hùng binh trên chuyến tàu năm ấy chỉ có 25 người sống sót. Theo lời các hùng binh kể lại, tàu đi 3 ngày 3 đêm mới ra tới Hoàng Sa, trên một số đảo đã có cột mốc chủ quyền của nước ta. Điều này chứng tỏ trước đó các hải đội của chúng ta đã lên đảo cắm mốc giữ đảo. Đến năm 1854, hải đội của ông Phạm Hữu Nhật đã mãi mãi nằm lại nơi biển cả, không một ai trở về.
Cột cờ chủ quyền trên đảo Lý Sơn là biểu tượng thiêng liêng về tình yêu biển đảo quê hương và giáo dục truyền thống văn hoá của người Việt Nam
Trong số những huyện đảo cả nước, Lý Sơn là hòn đảo có lịch sử lâu đời nhất và còn lưu giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi, đặc trưng miền biển. Hơn 23.000 người dân trên đảo hiện nay hầu như đều là người Lý Sơn gốc, con cháu của các vị tiền hiền đã có công dựng đảo. Với người dân Lý Sơn, việc giữ gìn truyền thống lâu đời, các lễ hội, di tích đình đền, miếu mạo, những khu mộ gió, thư tịch cổ, gia phả dòng họ,... không chỉ thể hiện sự tri ân với các bậc tiền nhân có công bảo vệ và gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, mà qua đó giáo dục cho con cháu truyền thống yêu nước, lòng can trường, dũng cảm của đội dân binh Hoàng Sa trên huyện đảo Lý Sơn.
Bốn mươi năm tuổi Đảng, Bí thư chi bộ thôn Tây An Hải Lê Nhụ luôn tâm huyết, tuyên truyền cho các đảng viên trong chi bộ và người dân chung tay giữ gìn, phát huy di sản văn hóa như một cách giữ gìn chủ quyền biển đảo. Từ khi còn là Phó trưởng phòng giáo dục huyện Lý Sơn (năm 2010), ông Lê Nhụ đã nghiên cứu và bảo vệ sáng kiến “Những đội hùng binh Trường Sa, Hoàng Sa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Ông mong muốn sáng kiến này sẽ được giảng dạy trong các trường học ở Lý Sơn và nhiều nơi khác để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử quê hương và khắc ghi công ơn của các bậc tiền nhân. “Mỗi ngư dân Lý Sơn hôm nay, vừa đánh bắt hải sản, vừa là những người lính giữ đảo, giữ chủ quyền lãnh thổ với hai ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Mỗi chuyến ra khơi họ lại theo mang tinh thần hùng binh của cha ông năm xưa. Mỗi con tàu ra khơi giống như một cột mốc trên biển, khẳng định chủ quyền vĩnh viễn, không thể tranh cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông…”, ông Lê Nhụ nói.
Ông Lê Nhụ, Bí thư chi bộ thôn Tây An Hải (huyện đảo Lý Sơn) trò chuyện với Phóng viên Văn Hoá
Sau 175 năm cẩn thận gìn giữ, dòng họ Đặng vẫn còn tờ lệnh của nhà vua điều binh ra bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ 1834), được giao cho đà công Đặng Văn Siểm. Đây là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc ở Lý Sơn, là bằng chứng xác thực đặc biệt khẳng định từ thời Nguyễn chúng ta đã cai quản, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa. Gia tộc họ Đặng đã hiến tặng Nhà nước tài liệu quý này, có giá trị như tấm căn cước liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Minh Trí khẳng định: “Lý Sơn có bề dày văn hóa và mang đặc trưng của văn hóa vùng biển đảo mà không nơi nào nào có được. Điều đó kết tụ và thể hiện khá rõ ở mỗi ngư dân trên đảo. Thiên nhiên ở Lý Sơn cũng rất khắc nghiệt. Huyện có 5 ngọn núi thì có 2 miệng núi lửa, xếp vào hàng hiếm ở trên thế giới. Từ xa xưa, người dân Lý Sơn đã có truyền thống khai thác, đánh bắt hải sản ở Trường Sa và Hoàng Sa nên ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân rất cao”.
Bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Minh Trí khẳng định Lý Sơn có bề dày văn hóa và mang đặc trưng của văn hóa vùng biển đảo mà không nơi nào nào có được
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo”. Bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Minh Trí cho biết, đây cũng là mục tiêu mà Lý Sơn hướng tới trong tương lai gần, góp phần thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Thiếu tá Lâm Đình Hiếu, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Lý Sơn trao đổi với Phóng viên Văn Hoá
Thiếu tá Lâm Đình Hiếu, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Lý Sơn chia sẻ: “Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo quốc gia, những năm qua, lực lượng Biên phòng đảo Lý Sơn nắm tình hình, tuyên truyền cho người dân về việc nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước”.
Một sáng sớm, chúng tôi chứng kiến quang cảnh nhộn nhịp mua bán hải sản, thu lưới, lên xuống tàu ra đảo An Bình. Những thanh âm đẹp trên hòn đảo rộn rã hơn bao giờ hết. Chỉ cần một tiếng còi tàu bất chợt cũng khiến họ ngóng trông…
(Còn nữa)
Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN