“Nghĩa tình này của các anh, chúng tôi không bao giờ quên”

VHO- Nhận gói quà từ tay Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội NDVN, chị Phạm Thị Bích, vợ của thuyền trưởng Tô Điệp (tài công tàu cá QNA 95654 TS) nghẹn ngào trong nước mắt: “Cảm ơn các anh bộ đội hải quân. Nếu không có các anh cứu vớt, chồng em và các ngư phủ đã bỏ mạng ở biển khơi rồi”.

“Nghĩa tình này của các anh, chúng tôi không bao giờ quên” - Anh 1
 

Thượng tướng Phan Văn Giang động viên chị Phạm Thị Bích, vợ của tài công Tô Điệp

 Sáng 1.5 vừa qua, Quân cảng Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 có đông đảo cán bộ, chiến sĩ và phóng viên báo chí đến để đón 30 ngư dân gặp nạn tại vùng biển DK1, và được tàu Trường Sa 04 đưa về. Xen lẫn niềm vui là những giọt nước mắt của những người tưởng chừng bỏ mạng giữa biển khơi.

Nước mắt trùng phùng

Trong hàng trăm người đến đón 30 ngư phủ gặp nạn từ DK1 trở về, có một người phụ nữ mặc bộ quần áo đen, mắt ngấn lệ luôn dõi về phía biển để chờ tàu Trường Sa 04 cập bến. Người phụ nữ ấy là Phạm Thị Bích, vợ của tài công Tô Điệp, thuyền trưởng tàu cá QNA 95654 TS. Chị Bích cho biết đã lặn lội từ Quảng Nam vào Vũng Tàu từ hôm 29.4. Mấy ngày rồi chị không hề chợp mắt, chỉ mong đến giây phút gặp chồng.

Chị kể, gia đình chị làm nghề câu mực đã lâu. Tàu cá QNA 95654 TS đi đánh bắt hải sản mỗi năm 6 lần, mỗi lần đi hai tháng. Vùng biển câu mực là khu vực biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Khi nghe tin tàu của chồng gặp nạn, chị cùng 8 người trong xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bắt xe ngay vào Vũng Tàu để ngóng tin chồng cùng các ngư dân. “Tàu của chồng đi câu mực được 20 ngày thì gặp nạn. Khi biết tin dữ, em và hai đứa con nhiều đêm không ngủ. Biết UBND xã Bình Minh tổ chức vào đón tiếp các ngư dân, em gửi con nhỏ đang học mẫu giáo tức tốc vào Vũng Tàu. Gặp được chồng là em mừng, nhưng em buồn quá, một người còn mất tích chưa thấy. Nghề đi biển cực nhọc, có khi bỏ mạng giữa biển khơi”, chị Bích rung rưng, nói.

Thoát chết từ biển trở về, ngư dân Huỳnh Ngọc Lĩnh là người trẻ nhất trong 31 ngư dân. Mới ngoài 20, Lĩnh theo tàu cá đi khai thác đánh bắt hải sản ở các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa gần 3 năm. “Chúng tôi đang câu mực thì cơn lốc bất ngờ ập đến. Mọi người chuẩn bị áo phao, để sẵn sàng nếu có tình huống xấu nhất xảy ra. Một con sóng lớn như mái nhà đổ ập làm tàu lật úp hoàn toàn. Chúng tôi bám vào thành tàu và cố gắng lôi 3 thuyền thúng ra. Khi tàu chìm hẳn, chúng tôi ngồi trên thuyền thúng. Lúc đó gió rất mạnh. Vị trí tàu cá chìm cách 60 hải lý so với nhà giàn. Do sóng lớn, gió mạnh, chúng tôi cởi áo dựng cờ với hi vọng tìm kiếm tàu đi qua sẽ cứu vớt. Trong suốt 2 ngày và một đêm, 30 người chỉ có một quả bí đỏ và uống nước cầm hơi. Khi phát hiện ra nhà giàn, lúc đó chúng tôi biết mình sẽ sống. Anh em cố gắng chèo bằng tay và tìm các vật dụng nổi để chèo”, ngư dân Lĩnh nhớ lại.

Mắt đỏ hoe vừa thương đồng nghiệp, vừa tiếc con tàu đã nhiều năm gắn bó với đời ngư phủ, tài công Tô Điệp chia sẻ: “Còn một ngư dân chưa tìm thấy, không biết có thấy xác không. Tội lắm. Vậy là vợ chồng em trắng tay rồi. Chiếc tàu đó trị giá 3,6 tỉ, còn vật chất trong tàu thì nhiều”. Ôm cổ chồng, chị Bích phân trần: “Đó là cả gia tài nhà em”.

“Nghĩa tình này của các anh, chúng tôi không bao giờ quên” - Anh 2

 Vợ chồng tài công Tô Điệp gặp nhau trên cầu cảng

Những món quà thắm nghĩa tình quân dân

Để động viên chia sẻ cùng những ngư phủ gặp nạn, ông Lê Xuân Tới , Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cũng bắt xe từ Quảng Nam vào Vũng Tàu đón các ngư dân. Xúc động trước sự đón tiếp của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2, ông Xuân nói: “Người dân Bình Minh chúng tôi biết ơn bộ đội Hải quân nhiều lắm. Thực lòng mỗi lần ngư dân đi biển, điểm tựa của chúng tôi là bộ đội hải quân. Ở biển nhiều sự cố bất ngờ lắm, chỉ có bộ đội hải quân và bà con mới thấu hiểu được tình người giữa biển thắm thiết thế nào”, ông Tới chia sẻ.

Sau khi tàu Trường Sa 04 cập cảng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội NDVN đã đến bắt tay từng ngư phủ. Ông hỏi thăm sức khỏe và trao tặng mỗi người một gói quà kèm theo một triệu đồng. Dừng lại trước chị Bích, vợ của thuyền trưởng Tô Điệp, Tổng tham mưu trưởng động viên: “Hôm nay là ngày vui nên đừng khóc. Chồng đã từ biển trở về là một chiến thắng”. Rồi ông động viên, biển đảo là máu thịt của Tổ quốc, bảo vệ biển đảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người. Những ngư dân ra biển, đảo Việt Nam đánh bắt khai thác hải sản, cũng là chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc ở nơi tuyến đầu.

Nhận món quà của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Phan Văn Giang gửi trao, chị Bích nghẹn ngào nói: “Cảm ơn các anh bộ đội hải quân. Nếu không có các anh cứu vớt, chồng em và các ngư dân đã bỏ mạng ở biển khơi rồi. Ơn này gia đình chúng em không bao giờ quên được”. Xúc động trước nghĩa cử của cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân, cầm gói quà trên tay, thuyền viên Hồ Ni (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Tui chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn các anh bộ đội. Hôm ở nhà giàn DK1/11, được các anh khám sức khỏe, cho ăn uống, thăm bệnh nhiệt tình lắm. Chỉ có tình quân dân mới thắm thiết như vậy. Chúng tôi rất biết ơn”.

30 ngư dân gặp nạn thuộc tàu cá QNA 95654 TS đã được tàu Trường Sa 04 đưa về đất liền an toàn. Sau khi bàn giao cho bộ đội Biên Phòng tỉnh BR-VT, các ngư dân sẽ trở về Quảng Nam vào chiều 1.5.

  Lúc 3h sáng ngày 26.4, tàu cá QNA 95654 TS câu mực ở khu vực biển DK1 thì bị đánh chìm do sóng to gió lớn. Trên tàu có 31 ngư dân. Khuya ngày 27.4, 30 ngư dân đã di chuyển vào nhà giàn DK1/11 bằng thuyền thúng. Tại đây, các ngư dân được khám sức khỏe, ăn uống, ngủ nghỉ. Hiện tại 1 ngư dân bị mất tích đang được các tàu hải quân Vùng 2 tìm kiếm. Ngư dân mất tích chưa có vợ, tên Nguyễn Hồng Minh, sinh năm 1975.

TRẦN MẠNH TUẤN

Ý kiến bạn đọc