Lan tỏa những giá trị văn hóa biển đảo
VHO - Việt Nam là quốc gia ven biển, với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển hơn 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền..
Di tích tàu không số, vịnh Vũng Rô, Phú Yên
Vùng biển, đảo nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố theo chiều dài bờ biển và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, có vị trí đặc biệt quan trọng, như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước. Một số đảo ven bờ có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…, làm cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
Biển đảo là một phần “máu thịt” không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, biển đảo còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt, là nơi lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến biển, đảo và dành nhiều tình cảm cho nhân dân vùng biển đảo cùng lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ biển trời Tổ quốc. Người không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của biển, đảo mà còn có tầm nhìn và tư duy chiến lược về vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đảo Cô Tô, Quảng Ninh
Thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; làm theo lời căn dặn của Người: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Việt Nam luôn nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Hơn 4000 năm lịch sử của đất nước, trải qua những biến đổi, thăng trầm đã tích luỹ, hình thành và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc, đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Thông điệp ấy vẫn đang thấm đẫm giữa trùng khơi Tổ quốc, nhân lên vô vàn ý nghĩa.
Những giá trị văn hóa truyền thống, di sản, di tích mà ông cha để lại từ nghìn năm trước cũng chính là cột mốc chủ quyền vĩnh cửu mà người Việt qua nhiều thế hệ, với tinh thần hướng biển, yêu biển đã vun đắp, khẳng định niềm tin và lời thề bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữa khơi xa sóng gió, mỗi người dân, mỗi người lính chính là một cột mốc sống về chủ quyền. Họ là nhân tố quan trọng đang bám biển, giữ đảo và thực hiện tốt hơn công tác giáo dục truyền thống của đảo tiền tiêu. Từ đó, quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, năng động và phát triển mạnh mẽ.
Giữa những câu chuyện về từng vùng đất, những con người can trường trong sóng gió; những giátrị văn hóa ở mỗi vùng biển đảo luôn hiện hữu như những cột mốc vĩnh cửu giữa trùng khơi. Để có cuộc sống hòa bình, hội nhập hôm nay, đất nước đã đi qua biết bao cuộc chiến tranh, những tháng ngày ngổn ngang, mất mát. Biết bao người yêu nhau đã phải biệt ly, bao người mẹ đợi con, bao người vợ chờ chồng, những đứa trẻ đơn côi xa cha mẹ…Từ Cô Tô đến Côn Đảo, từ Cồn Cỏ tới Lý Sơn, hay trên con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”…, những cột mốc chủ quyền không chỉ tạo dựng đường biên vững chãi, nhắc nhớ chúng ta những tháng ngày không thể nào quên, mà còn là điểm tựa, là sức mạnh để những hòn đảo tiền tiêu càng thêm kiên cường, mạnh mẽ, khẳng định niềm tin, lý tưởng cống hiến vì Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.
Những đường biên về chính trị, kinh tế, văn hóa không chỉ khẳng định chủ quyền đất nước, bản sắc văn hóa, mà còn củng cố cơ sở pháp lý, ý thức về sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia; hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Cũng từ đó, lưu giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa biển, đảo tốt đẹp cho các thế hệ sau; khẳng định bản sắc độc đáo, sức sống bền bỉ của văn hóa biển, đảo trong dòng chảy văn hóa đa dạng mà thống nhất của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN ANH, ảnh: TRẦN HUẤN