Khung pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển: Giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực

VHO - Ngày 24.6, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Khung pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển - Giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực" nhằm thảo luận, chia sẻ về các hoạt động hợp tác song phương và khu vực trên biển trong khối ASEAN với mục tiêu xây dựng ngôi nhà chung phát triển bền vững.

Khung pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển: Giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực - Anh 1

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Hội thảo được diễn ra với hai phiên thảo luận, tập trung xoay quanh 6 chủ đề về hợp tác trên biển của ASEAN; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ hàng hải; an ninh trên biển; đánh bắt cá giữa các nước ASEAN; phát triển điện gió ngoài khơi và rác thải nhựa ngoài đại dương. 

PGS.TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ rằng trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, thì việc hợp tác trên biển trong khu vực ASEAN đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với mục đích truyền tải thông tin, bình luận, chia sẻ về các hoạt động hợp tác song phương và khu vực trên biển trong khối ASEAN cùng mục tiêu xây dựng ngôi nhà chung phát triển, hội thảo được rất nhiều chuyên gia quan tâm và tham dự.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thăng Long đã làm rõ tầm quan trọng đặc biệt trong việc hợp tác trên biển đối với ASEAN. Qua đó, có thể giải quyết các vấn đề về hoạt động diễn ra trên biển bao gồm hoạt động hàng hải, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường cùng nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán… Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng UNCLOS là một trong những mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết được các thách thức trong việc hợp tác trên biển của ASEAN.

ThS Phạm Công Đức, Phó Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn - Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã trình bày bài tham luận “Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hải thông qua sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN” về mô hình tìm kiếm cứu nạn tại Việt Nam với những thành tích vô cùng đáng nể như tổ chức hàng trăm cuộc tìm kiếm cứu nạn và giải cứu thành công hàng nghìn người gặp nạn. Đây cũng là một bài tham luận mang tính thực tế cao nhất là với những giảng viên giảng dạy trực tiếp các vấn đề trong pháp luật hàng hải hiện nay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề “An ninh trên biển” và “Đánh bắt cá giữa các nước ASEAN” với việc nêu lên các vấn đề về bối cảnh biển Đông hiên nay khi mà Việt Nam và các nước trong khu vực đang tồn tại các biển chồng lấn, chưa được phân định hay thực tiễn áp dụng các biện pháp xử lý tàu cá có hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo, không theo quy định của một số quốc gia thành viên rất được quan tâm trong hội thảo.

MINH HOÀNG

Ý kiến bạn đọc